Hy hữu: Ngân hàng BIDV bị ‘khủng bố’ bằng… phân

07/08/2012 16:20
Theo Đất Việt
 “Nạn nhân” của “vụ khủng bố” hy hữu này là Phòng Giao dịch Trung Kính của Ngân hàng BIDV Việt Nam, nguyên nhân có thể do tranh chấp kéo dài giữa cư dân và chủ đầu tư tòa nhà F5.

Sự việc xảy ra vào sáng 6/8 tại phòng giao dịch Trung Kính của ngân hàng BIDV, tòa nhà F5, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.

Anh Nguyễn Tuấn Anh, bảo vệ Ngân hàng BIDV cho biết, sáng qua, khoảng 6h45, khi tới ngân hàng làm việc như thường lệ, anh thấy hai đống phân ở ngay dưới chân cửa kính ra vào, phía trên cửa kính bị chặn hai miếng gỗ và bôi bẩn bằng sơn màu xanh, ổ khóa cũng bị đổ keo 502 cứng ngắc, không cách gì mở được. Ngay sau đó, anh Tuấn đã báo cho Ban quản trị tòa nhà F5 và lãnh đạo phòng giao dịch tới giải quyết.

Phòng giao dịch ngân hàng BIDV đã phải phá khóa và thuê người tới dọn vệ sinh nhưng vẫn phải đóng cửa phòng giao dịch ngày hôm qua để giải quyết vụ việc.

Ông Trần Đức Long – Phó trưởng phòng phụ trách, PGĐ phụ trách phòng giao dịch Trung Kính của Ngân hàng BIDV, cho biết, hiện đã báo cáo vụ việc lên Công an phường Yên Hòa để truy tìm người đã gây ra hành vi phản cảm nói trên.

Ngân hàng BIDV bị "khủng bố" bằng ...phân sáng 6/8, hôm nay đã hoạt động bình thường trở lại. Ảnh: Minh Tùng.
Ngân hàng BIDV bị "khủng bố" bằng ...phân sáng 6/8, hôm nay đã hoạt động bình thường trở lại. Ảnh: Minh Tùng.


Không chỉ phòng giao dịch của BIDV mà Công ty TNHH Bất Động Sản Phú Gia thuê mặt bằng kế bên tại tầng 1 tòa nhà F5 cũng bị “khủng bố” nhưng ở mức độ nhẹ hơn. Cửa kính của công ty này bị bôi bẩn bằng sơn màu xanh với những lời lẽ khiếm nhã như “cút”, “lũ chiếm nhà”…

Theo quan sát, hôm nay, phòng giao dịch BIDV và các công ty thuê mặt bằng tầng 1 tại tòa nhà F5 đã hoạt động bình thường trở lại nhưng an ninh được tăng cường cao hơn.

“Tôi làm bảo vệ cho ngân hàng tại đây đã 4 hơn năm nhưng chưa khi nào thấy xảy ra những vụ việc ảnh hưởng đến an ninh trật tự hay gây rối như vậy. Tối qua, lần đầu tiên tôi phải ngủ lại phòng giao dịch để đề phòng kẻ xấu”, Anh Tuấn Anh cho hay.

Được biết, tòa nhà F5 (KĐT mới Yên Hòa, phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) có 11 tầng do Công ty CP Đầu tư và Xây dựng dân dụng Hà Nội làm chủ đầu tư. Hiện, khu vực tầng 1 có 3 đơn vị đang thuê mặt bằng bao gồm Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Công ty TNHH Bất Động Sản Phú Gia, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kĩ thuật TS.

Sàn bất động sản Phú Gia kê bên cũng là "nạn nhân", vết tích vẫn còn lưu lại. Ảnh: Minh Tùng.
Sàn bất động sản Phú Gia kê bên cũng là "nạn nhân", vết tích vẫn còn lưu lại. Ảnh: Minh Tùng.


Trước khi sự việc “khủng bố” xảy ra, cư dân tòa nhà F5 đang tranh chấp gay gắt với chủ đầu tư về quyền sở hữu khu vực tầng 1 mà các công ty kể trên đang thuê mặt bằng để kinh doanh.

Trao đổi với PV, ông Phùng Đức Thịnh, Phó ban quản trị tòa nhà F5, cho hay, không biết rõ “thủ phạm” gây ra vụ gây rối phản cảm tại phòng giao dịch của BIDV là ai nhưng phỏng đoán rất có thể là một số cư dân do quá bức xúc về vụ việc tranh chấp khu vực tầng 1 kéo dài với chủ đầu tư  mà không được giải quyết.

Theo ông Thịnh, tòa nhà F5 bắt đầu được xây dựng từ năm 2005, đến năm 2007 thì bắt đầu đưa vào sử dụng. Thực chất, đây là nhà của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia (NXBCTQG) xin đất của Hà Nội để xây cho cán bộ, công nhân viên ở. Tại thời điểm năm 2005, 99 người có đóng góp lớn cho NXBCTQG được chọn đóng tiền xây nhà và Công ty CP Đầu tư và Xây dựng dân dụng Hà Nội khi đó được chọn làm đơn vị nhà thầu.

“Không hiểu vì sao sau khi xây dựng xong, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng dân dụng Hà Nội lại được toàn quyền sử dụng tầng 1, cho thuê mặt bằng, trong khi đó, toàn bộ 99 hộ dân của F5 không có lấy một phòng nhỏ để sinh hoạt cộng đồng, ma chay, hiếu hỉ… Nhiều năm nay, cư dân đã đề nghị lên UBND phường Yên Hòa, Sở xây dựng Hà Nội về việc xin một phần diện tích đất ở tầng 1 làm nơi sinh hoạt cho cả tổ dân phố nhưng chưa được chấp thuận. Vấn đề này tồn tại và kéo dài quá lâu khiến nhiều cư dân bức xúc”, ông Thịnh nói.

Bên cạnh đó, các vấn đề về thu phí điện nước, tiền bảo trì 2% theo quy định  mập mờ, hệ thống phòng cháy chữa cháy, các hạng mục  xuống cấp nhưng không được nâng cấp, bảo trì thường xuyên cũng gây ra nhiều bức xúc tại tòa nhà F5.
Theo Đất Việt