"Không bao giờ có chủ trương phá giá đồng tiền để hỗ trợ cho xuất khẩu"

28/10/2018 08:03
Kiến Văn
(GDVN) - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh nội dung này tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội ngày 27/10.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, về chất lượng tăng trưởng kinh tế, mục tiêu xuyên suốt là cần phải có phát triển nhanh để rút ngắn khoảng cách với các nước, để ngăn ngừa nguy cơ tụt hậu nhưng mặt khác vẫn phải đảm bảo phát triển bền vững theo tinh thần Quốc hội đã có nghị quyết để thực hiện chương trình phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc đến năm 2030.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh một số điểm đáng chú ý:

Thứ nhất, tăng trưởng trong những năm qua toàn diện ở 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Trong nông nghiệp, toàn diện cả về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và lâm nghiệp thể hiện rõ rệt, hiệu quả của tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Trong công nghiệp, giảm dần phụ thuộc vào công nghiệp khai khoáng, nhất là đối với dầu thô, than đá và công nghiệp chế biến, chế tạo tăng tốc độ nhanh, góp phần giữ vai trò động lực của tăng trưởng; dịch vụ, đặc biệt du lịch phát triển rất ấn tượng.

Thứ hai, tăng trưởng không chỉ dựa vào đầu tư và xuất khẩu mà còn chú trọng đến thị trường trong nước. Đáng mừng, 3 năm vừa rồi, tổng mức kim ngạch bán các loại hàng hóa đều tăng trên 2 con số, trên 10% và năm nay tốc độ tăng thị trường trong nước cũng tương đương với tăng xuất khẩu là khoảng 11,2%.

Thứ ba, về năng suất lao động đã có gia tăng, nước ta là một trong những nước có tốc độ tăng năng suất lao động cao nhất trong khu vực với mức bình quân trong 3 năm là 5,62% vượt xa mức 4,3% của 5 năm trước và vượt mục tiêu đặt ra cho nhiệm kỳ này là 5%.

Thứ tư, là đóng góp của các nhân tố tổng hợp TFT trong tăng trưởng ngày một tăng lên với mức bình quân là 42,1% so với 5 năm trước là 33,5% và với mục tiêu là 30% đến 35%.

Thứ năm, hệ số ICO đã tốt hơn, giảm từ mức 6,91 cho đến 6,32. Sức cạnh tranh của nền kinh tế tăng lên và 3 năm vừa rồi chúng ta liên tục có những thứ hạng cao trong các xếp hạng năng lực cạnh tranh cũng như cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Phó Thủ tướng thẳng thắn nói: "Cũng cần phải thẳng thắn thừa nhận chất lượng tăng trưởng của chúng ta có tiến bộ nhưng còn chậm và còn chưa đáp ứng được nhu cầu và cũng còn có những yếu tố không củng cố thì sẽ thiếu bền vững.

Đúng như trong báo cáo của Chính phủ, các Ủy ban của Quốc hội đã thẩm tra và ý kiến của rất nhiều đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại hội trường cũng như ở tổ cũng đều nói đến vấn đề này. Chất lượng về thể chế, kết cấu kinh tế hạ tầng, xã hội, nguồn nhân lực cũng đang còn rất nhiều hạn chế. Các chỉ số về đổi mới khoa học công nghệ, quản trị còn thấp. Đặc biệt, năng suất lao động của chúng ta tuy tăng nhanh nhưng so với các nước trong khu vực thì chúng ta còn rất thấp.

Chuyển dịch cơ cấu lao động chậm và không tương thích với chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Hiện nay trong nông nghiệp chúng ta đã giảm mạnh từ 47%, bây giờ còn 38% lao động nông nghiệp và chỉ làm ra 14,8% GDP. Vì vậy, nhìn chung năng suất lao động thấp, năng suất lao động tăng chủ yếu là do vốn và đóng góp vào đầu tư và một phần phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài. Nguy cơ tụt hậu trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 vẫn đang hiện hữu".

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định: "Không bao giờ có chủ trương phá giá đồng tiền để hỗ trợ cho xuất khẩu". ảnh: TTXVN.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định: "Không bao giờ có chủ trương phá giá đồng tiền để hỗ trợ cho xuất khẩu". ảnh: TTXVN.

Phó Thủ tướng cho biết, trong thời gian tới phải tăng cường cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tiếp tục phát triển cả về đầu tư xuất khẩu và thị trường ở trong nước, tăng cường đổi mới và sáng tạo. Thủ tướng cũng đã đề nghị và diễn đàn kinh tế thế giới cũng đã đồng tình là hỗ trợ cho chúng ta xây dựng trung tâm để đổi mới sáng tạo thời gian tới, thúc đẩy yếu tố năng suất lao động trong điều kiện cách mạng 4.0.

"Không bao giờ có chủ trương phá giá đồng tiền để hỗ trợ cho xuất khẩu" ảnh 2

Đại biểu Quốc hội chỉ rõ thất thoát lớn từ đất đai nông lâm trường

Tiếp tục phấn đấu đẩy nhanh tốc độ hơn nữa tăng trưởng khu vực kinh tế trong nước để kinh tế tư nhân ngày càng là động lực quan trọng trong tăng trưởng kinh tế. Thu hút chọn lọc hơn FDI theo hướng công nghệ cao thân thiện môi trường, có quản trị tốt, sẵn sàng kết nối các doanh nghiệp trong nước.

Một vấn đề khác là phải tiếp tục giữ vững là ổn định kinh tế vĩ mô. Đặc điểm nước ta có độ mở rất lớn, đến nay tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu bằng 1,9 đến gần 2 lần GDP, trong khi đó kinh tế thế giới có diễn biến phức tạp, khó lường đặc biệt về bảo hộ, thương mại, căng thẳng thương mại và chiến tranh thương mại giữa các nước lớn. Căng thẳng chính trị cũng làm cho giá cả thế giới diễn biến bất thường nhất là giá dầu thô.

Chính sách về lãi suất của Cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ, giá đô la tăng, nhiều nước bên cạnh ta giảm giá đồng tiền nên lãi suất thế giới tăng cao gây áp lực lớn đến điều hành của Việt Nam.

Vì vậy, nhất quán từ đầu nhiệm kỳ là Chính phủ coi kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô là ưu tiên hàng đầu, đảm bảo các cân đối của nền kinh tế như là năng lượng, điện, lương thực, thu chi ngân sách và đảm bảo bền vững về nợ công, cán cân thương mại và cán cân thanh toán vãng lai, tăng cường dự trữ ngoại hối. Hiện nay chúng ta có mức dự trữ ngoại hối kỷ lục trên 60 tỷ đô la.

"Chúng tôi báo cáo Quốc hội, Chính phủ coi trọng vấn đề kinh tế vĩ mô và trong mục tiêu tổng quát năm nay cũng như năm sau là củng cố hơn nữa nền tảng kinh tế vĩ mô. Tăng khả năng chống chịu của hệ thống tài chính ngân hàng cũng như kinh tế của chúng ta trước biến động của thị trường thế giới.

Trước sức ép lạm phát lớn, nhất là biến động tỷ giá lãi suất trên thế giới và căng thẳng thương mại giữa các nước lớn, chúng ta cần tăng tính độc lập tự chủ của nền kinh tế và cơ cấu lại các ngành, các lĩnh vực còn có những hạn chế.

Đặc biệt, Chính phủ nhất quán chính sách ổn định giá trị đồng tiền. Nhân đây, chúng tôi báo cáo là Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chưa bao giờ và sẽ không bao giờ có chủ trương phá giá đồng tiền của chúng ta để hỗ trợ cho xuất khẩu.

Chúng ta thực hiện một chính sách về tài khóa chặt chẽ nhưng thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng và linh hoạt theo tín hiệu thị trường, đồng thời Chính phủ không có một động thái nào trong việc nới lỏng kiểm soát về lạm phát", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Về thị trường tài chính, Phó Thủ tướng cho biết, điểm sáng trong nhiệm kỳ này là Quốc hội đã ban hành được Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu và sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 07 về cơ cấu lại thu chi ngân sách và đảm bảo bền vững về nợ công.

"Chúng tôi báo cáo thêm là một số đại biểu Quốc hội băn khoăn về chuyện nợ nước ngoài của quốc gia tăng sát trần thì chúng tôi cũng xin báo cáo là nợ nước ngoài quốc gia bao gồm nợ nước ngoài của Chính phủ và nợ nước ngoài của khối doanh nghiệp. Nợ nước ngoài của Chính phủ chúng ta đã giảm được từ mức 60% trước đây xuống còn 40% trong cơ cấu nợ.

Khối nợ nước ngoài thì một số giao dịch vừa rồi cũng có tăng lên, Thủ tướng đã có một hạn mức rất chặt chẽ cho mức nợ nước ngoài của quốc gia cho nên chúng tôi cũng hứa với Quốc hội sẽ tiếp tục kiểm soát chặt vấn đề này, nhất là trong điều kiện tỷ giá thế giới tăng mà nợ nước ngoài chúng ta gia tăng lên thì nghĩa vụ trả nợ quốc gia là rất lớn", Phó Thủ tướng cho biết.

Kiến Văn