Không cắt giảm sản lượng dầu, Ả Rập Saudi phải trả giá đắt

27/12/2014 08:01
Lâm Giang
(GDVN) - Quyết định không cắt giảm sản lượng để đẩy giá dầu lên có thể khiến Ả Rập Saudi phải trả giá đắt.

Quyết định không cắt giảm sản lượng để đẩy giá dầu lên có thể khiến Ả Rập Saudi phải trả giá bằng khoản thâm hụt ngân sách lên tới 39 tỉ USD trong năm 2015, mức thâm hụt thương mại kỷ lục.

RT dẫn báo cáo của Bộ Tài chính Ả Rập Saudi hôm 26/12 cho biết, chính phủ sẽ cố gắng tiết kiệm ngân sách bằng cách cắt giảm tiền lương, chi tiêu công và các khoản phụ cấp khác vốn chiếm khoảng 50% tổng chi ngân sách.

Bộ trưởng dầu mỏ Ả Rập Saudi, Ali Al-Naimi.
Bộ trưởng dầu mỏ Ả Rập Saudi, Ali Al-Naimi.

Tuy nhiên, động thái này có thể thu hút sự giận dữ của giới thanh niên Ả Rập, những người đang phải vật lộn để trang trải các chi phí sinh hoạt trong nước.

Theo thống kê của  Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), khoảng 2/3 dân số Ả Rập Saudi làm việc cho chính phủ.

Bộ Tài chính Ả Rập Saudi ước tính, chi tiêu công năm 2015 khoảng 860 tỉ riyal (khoảng 229,3 tỉ USD), trong khi doanh thu chỉ đạt khoảng 715 tỉ riyal (190,7 tỉ USD). Ả Rập Saudi hứa sẽ bù chênh lệch thu chi bằng cách mở các khoản dự trữ.

Tại cuộc họp mới nhất của OPEC ở Vienna (Áo), các thành viên của tổ chức này đã quyết định không cắt giảm sản lượng trần 30 triệu thùng mỗi ngày, mặc dù giá dầu đã sụt giảm gần 50% trong vài tháng qua.

Bản thân Ả Rập Saudi cũng đã nói rõ ràng rằng không muốn cắt giảm sản lượng ngay cả khi giá dầu tiếp tục sụt giảm sâu hơn nữa. Tuần trước, Bộ trưởng dầu mỏ  Ali Al-Naimi cho biết, sản lượng sẽ không bị cắt giảm thậm chí nếu giá xuống tới mức 20 USD một thùng.

Sự tự tin này của Ả Rập Saudi xuất phát từ thực tế là quốc gia này đã tích trữ được khối tài sản khổng lồ trong nhiều năm dầu đạt đỉnh cao về giá. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, về lâu dài tình trạng giá dầu sụt giảm có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với quốc gia này.

Quyết định này của Ả Rập Saudi, theo các chuyên gia, là một nỗ lực để loại bỏ những đối thủ cạnh tranh mới đến từ Bắc Mỹ.  Tuy nhiên, giá dầu thấp cũng gây thiệt hại trực tiếp các nền kinh tế khác như Nga, Iran và Venezuela.

Một số chuyên gia kinh tế lo ngại rằng thâm hụt ngân sách năm 2015 có thể còn lớn hơn cả tính toán của Ả Rập Saudi.

"Tôi tin rằng chúng ta đang hướng đến một năm đầy khó khăn trong năm 2015. Tôi nghĩ rằng Ả Rập Saudi có thể thâm hụt tới 53 tỉ USD vì doanh thu thực tế sẽ thấp hơn so với ước tính", nhà kinh tế Ả Rập Saudi - Abdulwahab Abu-Dahesh nhận định.

Theo Bộ Tài chính Ả Rập Saudi, ngân sách năm tài chính 2014 của nước này đã thâm hụt 14,4 tỉ USD. Đây là lần đầu tiên Ả Rập Saudi phải đối mặt với tình trạng thâm hụt ngân sách kể từ năm 2009./.

Lâm Giang