Kinh tế Việt Nam còn nhiều thách thức

12/07/2019 05:58
Vũ Phương
(GDVN) - Chính phủ nỗ lực mạnh mẽ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, chống tham nhũng đã tạo động lực, lòng tin của doanh nghiệp.

Ngày 11/7, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia (Bộ Kế Hoạch và Đầu tư) tổ chức Tọa đàm khoa học Báo cáo tổng quan kinh tế giữa kỳ 2019.

Tiến sĩ Trần Thị Hồng Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia cho biết: “Sáu tháng đầu năm 2019: Trong bối cảnh thương mại, đầu tư toàn cầu không khả quan như dự báo, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại với nhiều yếu tố rủi ro gia tăng, đáng chú ý là căng thẳng giữa các nền kinh tế lớn, kinh tế Việt Nam vẫn đạt nhiều kết quả tích cực.

Tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt 6,76%. Tuy thấp hơn cùng kỳ năm 2018 (7,05%) nhưng vẫn là mức cao so với cùng kỳ các năm từ 2011 đến 2017.

Khu vực công nghiệp và xây dựng 6 tháng đầu năm 2019 tăng 8,93% (thấp so với mức 9,07% năm 2018), tiếp tục giữ vai trò động lực thúc đẩy tăng trưởng toàn kinh tế khi đóng góp 51,8% vào tốc độ tăng trưởng GDP chung (so với mức đóng góp 48,9% của cùng kỳ năm 2018 và so với mức đóng góp 6% và 42,2% tương ứng của khu vực nông lâm thủy sản và khu vực dịch vụ năm 2019).

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn duy trì mức tăng trưởng khá 2,39% (thấp hơn mức 3,93% cùng kỳ năm 2018, nhưng cao hơn mức tương ứng 2,36% và -0,18% của năm 2015-2016);

Khu vực dịch vụ có tốc độ tăng trưởng 6,69%, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2017-2018 (tương ứng 6,89 và 6,9%) nhưng cao hơn so với cùng kỳ các năm từ 2012 đến 2016 , nhờ đóng góp đáng kể của nhóm ngành bán buôn, bán lẻ”.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, 6 tháng đầu năm kinh tế Việt Nam đạt được những kết quả rất tích cực. Ảnh: V.P.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, 6 tháng đầu năm kinh tế Việt Nam đạt được những kết quả rất tích cực. Ảnh: V.P. 

Bà Trần Thị Hồng Minh cũng cho rằng: “Ổn định vĩ mô được duy trì: lạm phát trong tầm kiểm soát, với CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2019 chỉ tăng 2,64%, mức thấp nhất trong 3 năm trở lại đây ; lãi suất liên ngân hàng có xu hướng giảm ở hầu hết các kỳ hạn; tăng trưởng tín dụng thấp, phù hợp với mục tiêu tăng 14% trong năm 2019; cân đối thu chi ngân sách nhà nước được đảm bảo.

Có được kết quả như vậy là nhờ sự điều hành kịp thời và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được Chính phủ đề ra nhằm thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, cũng như nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng và ổn định vĩ mô”.

Cũng theo Lãnh đạo Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia, đằng sau những kết quả đạt được là nhiều khó khăn, thách thức: Ngành nông nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả lợn Châu Phi lây lan trên diện rộng; xuất khẩu nông sản chịu áp lực cạnh tranh lớn và sự gia tăng các rào cản thương mại nhất là từ thị trường Trung Quốc, trong khi đây là mặt hàng khó dịch chuyển thị trường.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng chậm lại (ở mức 11,18%, thấp hơn so với 12,87% của cùng kỳ năm 2018), do sức cầu đối với mặt hàng điện tử, điện thoại giảm sút. Giải ngân vốn đầu tư công, cổ phần hóa và thoái vốn ở các doanh nghiệp nhà nước tại nhiều địa phương còn chậm.

Nguy cơ lạm phát vẫn hiện hữu do tác động xu hướng tăng giá dầu thô trên thị trường quốc tế và việc thực hiện lộ trình tăng giá đối với một số mặt hàng thiết yếu (điện, dịch vụ y tế, giáo dục).

Việt Nam quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh
Việt Nam quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh

Tại buổi tọa đàm, Tiến sĩ Trần Thị Hồng Minh cũng phân tích 6 tháng còn lại của năm 2019: “Trên thế giới, tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới, mặc dù dự báo sẽ thấp hơn so với năm 2018, nhưng dự kiến vẫn đạt mức khá (3,44% trong năm 2019 ), do kỳ vọng vào tăng trưởng của một số nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, cũng như sự ổn định của giá cả hàng hóa thế giới, qua đó tác động tích cực đến Việt Nam.

Một số yếu tố có thể tác động cả tích cực và tiêu cực đến kinh tế Việt Nam cũng cần quan tâm, như: việc phá giá đồng nhân dân tệ của Trung quốc, đối tác thương mại lớn của Việt Nam; diễn biến của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung; hay sự căng thẳng giữa Mỹ và Iran trong vấn đề dầu mỏ.

Trong nước, việc Chính phủ tiếp tục tập trung tiến trình cải cách cải thiện môi trường đầu tư, cũng như tận dụng những cơ hội của hội nhập quốc tế (nhất là trong điều kiện Hiệp định CPTPP bắt đầu có hiệu lực thực thi với Việt Nam từ năm 2019 và Hiệp định EVFTA dự kiến được phê chuẩn nội bộ các bên và chính thức có hiệu lực vào cuối năm 2019) sẽ là các yếu tố quan trọng quyết định cục diện kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm cũng như cả năm 2019”.

Trong bối cảnh đó, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019 ở mức 6,86%, vượt mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019 (6,6-6,8%).

Trong đó, tăng trưởng của các khu vực kinh tế lớn lần lượt là: Nông lâm thủy sản 3,02%; công nghiệp và xây dựng 8,61% và Dịch vụ 6,84%. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2019 dự kiến tăng 3,13% (so với Kế hoạch khoảng 4%).

Tiến sĩ Lê Xuân Sang cho rằng, bên cạnh những thuận lợi, kết quả tăng trưởng ấn tượng 6 tháng đầu năm, những tháng còn lại cũng không ít thách thức. Ảnh: V.P.
Tiến sĩ Lê Xuân Sang cho rằng, bên cạnh những thuận lợi, kết quả tăng trưởng ấn tượng 6 tháng đầu năm, những tháng còn lại cũng không ít thách thức. Ảnh: V.P. 

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về tình hình kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2019, Tiến sĩ Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá: "Kết quả Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Khu vực nông nghiệp đầu năm nay có phần chững lại, kém hơn so với năm trước. 

Có thể chỉ ra một số động lực tác động tăng trưởng kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm. Như khu vực chế biến chế tạo tiếp tục phát triển, tăng trưởng.

Động lực tiếp theo đó là khu vực FDI tiếp tục tăng trưởng mạnh. Dưới tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, các hiệp định thương mại như Việt Nam - EU, CPTTP...

Ngoài ra, Chính phủ nỗ lực mạnh mẽ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, chống tham nhũng đã tạo động lực, lòng tin của doanh nghiệp. Đó là những nhân tố tích cực giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng". 

Tiến sĩ Lê Xuân Sang cũng chỉ ra những thách thức, điểm nghẽn 6 tháng cuối năm 2019: "Trước hết lĩnh vực xuất khẩu nông sản kỳ vọng 6 tháng cuối năm sẽ bứt phá thì cần phải có những giải pháp hiệu quả. 

Điểm nghẽn 2 năm nay chưa xử lý được đó là đầu tư công từ vốn ngân sách trung ương, cũng như nguồn vốn ODA đó là vấn đề giải ngân chậm. Đó là những thách thức 6 tháng còn lại. 

Ngoài ra cuộc chiến Mỹ - Trung có thể diễn ra khó lường. Mức tăng trưởng của chúng ta có thể bị ảnh hưởng". 

Vũ Phương