Kỳ 2: Những khám phá đầy bất ngờ ở gần Buford của Phạm Đình Nguyên

12/04/2012 17:03
Nhật Nam
(GDVN) - Dẫu chỉ còn lại trong lòng thị trấn xưa một trạm xăng, một cửa hàng và một vài công trình xây dựng khác, Buford ngày nay là ngã ba thiên đường.
Không ngoa tí nào khi Don Sammsons trả lời trước báo giới trong ngày bán lại thị trấn của mình cho doanh nhân Phạm Đinh Nguyên, rằng, nơi đây có hàng nghìn người tới viếng thăm mỗi ngày.
Dẫu chỉ còn lại trong lòng thị trấn xưa một trạm xăng, một cửa hàng và một vài công trình xây dựng khác cùng một công dân duy nhất sống tại đây gần 30 năm, song Buford ngày nay là ngã ba thiên đường, dẫn du khách vào thế giới của cao nguyên đá cổ, kim tự tháp Ames và công viên Curt Gowdy..
Cao nguyên đá granite hàng tỷ năm tuổi.
Bắt đầu từ khoảng 16 dặm về phía Tây thành phố Cheyenne, tức khu vực Granite – cửa ngõ vào Buford - người ta nói đến một hình thành địa chất có tên là: Gangplank, nơi mà các đá trầm tích phẳng của Great Plains được bảo tồn dọc theo sườn phía đông dãy núi Laramie, hình thành một con đường đá cổ tuyệt đẹp.
Tuyệt sắc cao nguyên đá cổ ở Buford vào mùa đông.
Trong khu vực Granite ở phía đông thị trấn Buford cá đá granite thường có niên đại hơn một tỷ năm tuổi (tiền kỳ Cambri), các đá trầm tích khoảng 10 triệu năm tuổi (hậu kỳ Miocen). Khu vực này vốn là đỉnh của những ngọn núi cao khoảng 20.000 feet thuộc dãy Laramie chạy từ phía nam xuống đã bị ăn mòn, hình thành nên một vùng núi đá thấp trải rộng trên bình diện cao.
Năm 1869, Albert D. Richardson, một phóng viên cho tờ New York Tribune trong một lần theo chân những người xây dựng đường sắt liên lục địa tới đây, đã mô tả: “Tôi chưa từng thấy một cao nguyên đá cổ với tập hợp của đá granite màu hồng được ước tính là hơn 1,4 tỷ năm tuổi, đá granit xâm nhập được ước tính là 1,7 tỷ năm tuổi đẹp như nơi này. Đặc biệt, sự hình thành của những đá trầm tích trẻ, chống sườn bao bọc xunh quanh một thị trấn (Buford – PV) đã biến cả một cao nguyên tưởng như thô ráp thành một thế giới của tạo hình kỳ thú.
Sự xuất hiện của những dạng cây cỏ tái mép xen lẫn trong từng kẽ đá bên cạnh những thân sồi Sherman như mọc lên từ đá hồng thực sự làm mê hoặc những ai tới đây. Cả khu vực vừa như lòng một bàn tay khổng lồ vừa một chiếc vương miện đá, lấp lánh muôn màu...”
Ngày nay, Buford vẫn điểm chính giữa của cái “lòng bàn tay” mà xưa kia Albert D. Richardson từng ca ngợi. Từ Buford tỏa ra hướng nào cũng gặp một bảo tàng tạo hình nghệ thuật của đá -  một bảo tàng tự nhiên do Chúa trời sắp đặt.
Độc đáo kim tự tháp Ames
Nằm cách Buford khoảng 7 dặm về hướng Tây là khu vực cao nhất của bình diện cao nguyên đá cổ. Từ xa lộ 80, rẽ về hướng trái, băng qua những dấu tích của làng mạc xưa đã bỏ hoang là bắt gặp một kim tự tháp lớn có tên Ames.
Kim tự tháp Ames cách Buford 7km về hướng Tây là "kẻ cướp hồn" những ai chiêm ngưỡng nó.
Kim tự tháp này được thiết kế bởi Henry Hobson Richardson và dành riêng cho anh em Oakes Ames và Oliver Ames, những người khởi xướng xây dựng tuyến đường sắt xuyên lục địa cuối thế kỷ 19.
Oakes là đại diện đến từ Massachusetts trong Quốc hội Hoa Kỳ và là người khởi xướng ra tuyến đường sắt xuyên lục địa. Trong khi đó, Oliver là Chủ tịch của Liên minh Đường sắt Thái Bình Dương (1866-1871). Chính sự kết hợp của anh em nhà Ames đã thuyết phục được Quốc hội Hoa Kỳ lúc bấy giờ thông qua việc xây dựng tuyến đường huyền thoại này.
Năm 1873, Oakes bị nghi ngờ trong gian lận liên quan đến tài chính của tuyến đường sắt, ông bị chỉ trích nặng nề và buộc phải từ chức rồi qua đời cùng năm này.
Đài tưởng niệm kim tự tháp Ames được xây dựng để ghi nhớ công lao của anh em nhà Ames và cũng là mốc đánh dấu điểm cao nhất (8.247 feet = 2.514 m) trên cả tuyến đường sắt xuyên lục địa. Do quá trình xây dựng tại khu vực Tây Buford gặp khó khăn về địa hình, tuyến đường khi tới Albany County đã phải di dời xuống phía nam, bỏ lại Đài tưởng niệm kim tự tháp Ames và những làng mạc xung quanh.
Ngày nay, cả cao nguyên ở phía Tây Buford vẫn hoang vu và chỉ mình kim tự tháp Ames còn lừng lững đâm lên trời. Tuy nhiên chính sự cô độc của kim tự tháp Ames lại gợi lên sự tò mò, muốn được khám phá đối với những ai dừng chân tại Buford.
Công viên Curt Gowdy
Curt Gowdy State Park thuộc Quận Laramie, tiểu bang Wyoming, được thành lập năm 1971 và được đặt theo tên của BLV thể thao nổi tiếng Curt Gowdy (1919-2006) vào năm 1973. Nó là một phần của dãy núi Laramie có diện tích 3.400 mẫu Anh (1.400 ha), chia thành bảy phần với ba hồ chứa gồm: Granite Springs, Crystal, và Bắc Crow.
Vẻ đẹp hoang dã không thể cưỡng lại được của công viên Curt Gowdy gần Buford.
Curt Gowdy State Park nằm giữa hai thành phố Cheyenne và Laramie trên lộ 210, giống như Buford nằm giữa Cheyenne và Laramie trên lộ 80. Thế nhưng với những ai mê dã ngoại và ngắm cảnh, họ thường chọn cung đường mòn tới công viên này từ ngã ba Buford – cung đường dài khoảng 30km, băng qua cao nguyên đá cổ ở phía Bắc thị trấn.
Nhờ địa hình chủ yếu là đồi núi nhô cao với đá granite sắc nét, xen lẫn các hồ nước cùng hệ động thực vật đa dạng, đặc biệt là các loài cá hồi, Curt Gowdy State Park là điểm đến lý tưởng cho những người ưa thích chèo thuyền, trượt nước, câu cá, cắm trại, bắn cung, leo núi, cưỡi ngựa… Hơn tất cả, môn thể thao mà người vùng Wyoming rất chuộng là đi bộ theo đường mòn. Bở lẽ ấy, ngã ba thị trấn Buford chính là điểm xuất phát không thể chối từ.
*Còn nữa…
Kỳ cuối: Doanh nhân Việt có thể kiếm được gì từ thị trấn Buford?
Nhật Nam