Làm ăn với người Trung Quốc: Phòng hơn chữa!

12/04/2013 10:11
(Nguồn: Doanh nhân)
Doanh nghiệp Việt Nam nên trực tiếp thẩm định văn phòng, hệ thống nhà xưởng, kho tàng, hệ thống phân phối của đối tác...
Không ít lần các doanh nghiệp Việt Nam dính “quả đắng” vì quá tin đối tác.Mất ít và mất trắng
Doanh nghiệp Hiệp Phát là một doanh nghiệp chuyên kinh doanh bạc đạn (ball bearing, một bộ phận kỹ thuật), có cả gần chục năm kinh nghiệm nhập khẩu. Sau này, lãnh đạo công ty quyết định chuyển hướng nhập hàng Trung Quốc thay vì hàng Nhật do giá rẻ hơn, mẫu mã đa dạng mà các tính năng cũng tương đương. Công ty đặt mua bạc đạn của một công ty khá uy tín ở Quảng Đông. Những chuyến hàng đầu tiên mọi thứ đều đúng phẩm cách, chất lượng. Đến chuyến hàng thứ năm, hàng nhận được là hàng loại thải, lỗi quy cách. Đáng nói hơn là khi hàng về đến kho, doanh nghiệp kiểm kê mới phát hiện ra lỗi.
Mặc dù kinh doanh buôn bán với đối tác Trung Quốc gặp nhiều rủi ro, nhưng các doanh nghiệp nhìn nhận khó bỏ được hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vì giá rẻ, mẫu mã đa dạng và lợi nhuận tốt.
Mặc dù kinh doanh buôn bán với đối tác Trung Quốc gặp nhiều rủi ro, nhưng các doanh nghiệp nhìn nhận khó bỏ được hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vì giá rẻ, mẫu mã đa dạng và lợi nhuận tốt.
Phía Trung Quốc biết rằng, đối với mã hàng bạc đạn, hải quan chỉ kiểm 5% số lượng, nên họ đã để đúng những mã hàng theo danh mục ngay cửa container. Hải quan chỉ kiểm tra mẫu đại diện, đối chiếu thấy đúng là cho doanh nghiệp thông quan. Tổng thiệt hại lô hàng lỗi này là cả tỷ đồng. Khi trao đổi với đối tác qua điện thoại, doanh nghiệp phía Trung Quốc thừa nhận, họ đã chuyển hàng thải, mong được thông cảm, rồi sẽ trừ dần tiền bồi thường vào những lô hàng sau. Kiện tụng ra tòa thì vừa tốn kém (rào cản ngôn ngữ, tiền thuê luật sư…), lại không biết khi nào đòi được tiền, còn không nhập hàng thì mất toàn bộ mối lợi và tiền bồi thường nên Hiệp Phát buộc phải đồng ý với giải pháp mà bên đối tác đưa ra. Trường hợp “trục trặc” của Công ty Cổ phần Thương mại Mê Kông cũng là do lỗi cố ý của đối tác Trung Quốc. Mê Kông nhập ba container giấy với trị giá gần 100.000 USD, nhưng khi rút hàng từ ngoài cảng, doanh nghiệp phát hiện có 2 cuộn giấy bị thấm nước để ở cuối container. Khi hãng tàu, giám định xuống kiểm tra, không phát hiện lỗi từ quá trình vận chuyển nên kết luận do phía xuất khẩu cố tình đưa hàng không đúng chất lượng. Dù đã mua bảo hiểm lô hàng, nhưng công ty bảo hiểm từ chối bồi thường do lỗi từ phía xuất khẩu và một phần khác là do Công ty Mê Kông chỉ mua phí bảo hiểm rủi ro cho quá trình vận chuyển, chứ không phải cho toàn bộ rủi ro. Các thiệt hại trên là theo từng lô hàng, vẫn còn “nhẹ” so với doanh nghiệp Phương Đông, một công ty vốn hoạt động trong lĩnh vực hàng hóa tiêu dùng và là nhà phân phối độc quyền cho một doanh nghiệp Trung Quốc. Phương Đông được hỗ trợ từ phía đối tác để xây dựng hệ thống phân phối, bán hàng. Sau nhiều năm hoạt động, gây dựng tốt hệ thống phân phối, phía đối tác Trung Quốc bèn nhảy vào trực tiếp kinh doanh cùng mặt hàng và cắt luôn nguồn hàng bán cho Công ty Phương Đông, nẫng toàn bộ công lao do Phương Đông gây dựng. Cú “ra đòn” này khiến Phương Đông buộc phải chuyển sang lĩnh vực kinh doanh mới và bỏ lại toàn bộ thị trường cho doanh nghiệp Trung Quốc chi phối.Phòng hơn chữa Mặc dù kinh doanh buôn bán với đối tác Trung Quốc gặp nhiều rủi ro, nhưng các doanh nghiệp nhìn nhận khó bỏ được hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vì giá rẻ, mẫu mã đa dạng và lợi nhuận tốt. Để loại trừ rủi ro, ông Lương Văn Thành, Giám đốc Công ty Hiệp Phát cho biết, sau sự cố trên, công ty vẫn tiếp tục nhập hàng từ doanh nghiệp cũ, nhưng ràng buộc họ bằng cách trả chậm qua L/C, sau 7 ngày kể từ khi hàng về mới chuyển tiền, cùng các điều khoản hợp đồng ràng buộc chặt chẽ hơn, chẳng hạn, tăng hạn mức phạt nếu không thực hiện đúng nghĩa vụ… Nhờ thế mà phía Trung Quốc không thể “giở trò” một lần nữa do sợ mất tiền. Hiệp Phát cũng chấp nhận tốn chi phí để cử người qua Trung Quốc giám sát quá trình đóng gói hàng từ trong kho doanh nghiệp cho đến khi giao qua mạn tàu. Tương tự, ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Công ty Vinamit, người có nhiều kinh nghiệm tại thị trường Trung Quốc khuyến nghị: để xem xét mức độ tin cậy của đối tác từ năng lực tài chính, tư cách pháp nhân, doanh nghiệp Việt Nam nên yêu cầu họ cho xem giấy phép kinh doanh. Cũng không nên tin hoàn toàn vào những giấy tờ họ đưa ra mà phải tìm hiểu thêm bằng việc hỏi các doanh nghiệp trong ngành hoặc Thương vụ, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc. Trước khi ký kết hợp đồng thương mại, doanh nghiệp Việt Nam nên trực tiếp thẩm định văn phòng, hệ thống nhà xưởng, kho tàng, hệ thống phân phối của đối tác. Thực ra, đã có nhiều doanh nghiệp làm như vậy, nhưng vẫn bị dính “quả đắng” do phía doanh nghiệp Trung Quốc thuê mướn văn phòng, cơ sở vật chất, kho tàng để “làm mặt” với doanh nghiệp Việt Nam hoặc cố tình qua mặt doanh nghiệp sau vài chuyến hàng. Do vậy, các doanh nghiệp Việt vẫn phải vừa làm vừa giám sát hoặc chọn phương thức thanh toán hợp lý để chủ động xử lý trong trường hợp đối tác giao hàng không đúng cam kết.
* Mời độc giả phản ánh về giá cước của các nhà mạng theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi
(Nguồn: Doanh nhân)