“Lên đời” hàng thùng thành hàng xách tay cao cấp

10/11/2011 07:22
Quần áo hàng thùng  được các chủ shop thời trang cao cấp mua ở chợ, giặt là, rồi đem bán như đồ mới với lời giới thiệu "hàng hiệu xách tay"...
Chị Nga, ở Nghĩa Đô Hà Nội hào hứng khoe với bạn đồng nghiệp về chiếc áo hiệu AX mới mua giá 890.000 đồng. Thế nhưng, chị bạn tỏ ra rất ngạc nhiên, vì chiếc áo giống hệt được mua tại chợ Hàng Da từ đầu vụ đông, chỉ có giá 280.000 đồng.

Không tin chiếc áo hàng hiệu của mình được bạn mua với giá rẻ bất ngờ, chị Nga theo bạn đến khu bán hàng thùng của chợ Hàng Da. Dừng lại trước một kiot chuyên áo len, chị thấy rất tò mò vì chủ cửa hàng cho biết: "Mở kiện mà có khách mua đến gần 200 chiếc áo len mỏng, mặc đến hè có lẽ cũng chưa hết". Thắc mắc với chủ một kiot tại đây, chị này tiết lộ: "Họ mua về 'làm hàng', bán tại các shop thời trang lớn đấy".

Những chiếc áo hàng thùng mang nhãn hiệu như CK, AX, Bebe, Chloe', Mastina... sau khi được làm mới sẽ trở thành hàng xách tay. 

Theo chủ kiot này, những chủ buôn chọn hàng rất chuyên nghiệp, họ chỉ nhìn lướt qua là có thể biết được kiểu dáng, chất liệu, độ mới, và nhãn mác nơi sản xuất... Riêng những chiếc áo bị ố, nếu có thể khắc phục được, họ sẽ ép giá chủ cửa hàng để mua giá hời, giảm 50- 70% giá ban đầu của chiếc áo. Với những chiếc áo còn nguyên mác, chủ cửa hàng sẽ bán giá cao hơn, vì đó là áo hàng tồn của các hãng, chưa qua sử dụng.

Chủ các shop thời trang mua vào khoảng 40.000 đồng đến 80.000 đồng mỗi chiếc áo len (mua với số lượng lớn) nhưng giá bán ra khoảng 250.000 đến 400.000 đồng mỗi chiếc. Hoặc đắt hơn nữa nếu những chiếc áo này mang nhãn hiệu như CK, AX, Bebe, Chloe', Mastina... Chủ các shop thời trang này thường thích buôn hàng len bởi chi phí bỏ ra ít nhưng hàng bán chạy, hợp với khí hậu Việt Nam.

Áo khoác, vest, măng tô có giá nhập vào khoảng 150.000 đến 600.000 đồng mỗi chiếc, có những áo giá lên tới 1-2 triệu đồng. Tuy nhiên, các chủ shop thời trang vẫn nhập vào bởi bán ra vẫn có lãi khoảng 400.000 đồng - 1,5 triệu đồng mỗi chiếc.

Một chủ shop thời trang cao cấp ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) tiết lộ, nếu "đánh hàng" từ nước ngoài chi phí sẽ rất cao như: ăn ở, đi lại, thuê phiên dịch (thuê "tai"), vận chuyển hàng hóa... Điều này cộng thêm nhiều chi phí khác, việc bán giá giá phải cao hơn gốc từ 30% đến 50% thì chủ buôn mới có lãi và khiến cho hàng khó bán.

Trong khi đó, nếu kinh doanh hàng thùng, giá bán ra mềm hơn, quần áo cũng tương tự sau khi làm mới nên kinh doanh dễ hơn. Tuy nhiên, khi bán hàng thùng dưới mác hàng mới, các chủ buôn phải "làm hàng" rất kỹ. Quần áo "đánh" tại các chợ về phải giặt là cho hết mùi đặc trưng, tẩy vết ố bẩn, tẩy trắng, thay cúc áo...
Các chủ buôn hàng thùng về bán tại shop thời trang thường được gọi đến đầu tiên, mở kiện và có thể chọn một lúc cả trăm chiếc áo. Ảnh: Thanh Hoa
Các chủ buôn hàng thùng về bán tại shop thời trang thường được gọi đến đầu tiên, mở kiện và có thể chọn một lúc cả trăm chiếc áo. Ảnh: Thanh Hoa
Phần nhiều loại quần áo này không còn nhãn mác nên chủ cửa hàng sẽ thay bằng mác và logo của cửa hàng, rồi bán lẫn với quần áo nhập. Đối với các đồ hàng hiệu đã qua sử dụng, sau khi được "làm hàng", chủ shop sẽ bán dưới tên gọi hàng xách tay với giá mềm hơn chính hãng nhưng đắt hơn nhiều so với hàng thùng.

Chủ shop thời trang cao cấp ở quận Ba Đình (Hà Nội) cho hay, kinh doanh loại hàng này sợ nhất là gặp phải chính khách hàng đã vào shop của mình. Do đó, thay vì đến các kiot hàng thùng tại chợ Hàng Da hay khu Kim Liên, các chủ buôn chọn cách đến tận nhà người bán, chọn hàng, mở kiện trước khi chúng được chở đến chợ.

Ngoài các shop thời trang, một số bạn sinh viên còn kinh doanh loại hình này trên các trang web dưới hình thức "thanh lý đồ hiệu". Họ chào hàng: Hàng mới chỉ mặc 1-2 lần hoặc mới đến 99%, được mua tại Hàn Quốc, Hong Kong... nhưng đột ngột "phát tướng" mới quyết định thanh lý...

Theo Vnexpress