Lời giải cho bài toán phát triển kinh tế tri thức trong nông nghiệp

01/04/2015 10:00
Cao Nguyên
(GDVN) - Mô hình của TH góp phần khẳng định: Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp chính là lời giải cho bài toán phát triển kinh tế tri thức...

Kinh tế tri thức: Con đường ngắn nhất đưa nền kinh tế phát triển 

Hội thảo khoa học “Vai trò của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam” là nội dung trong Đề tài độc lập cấp nhà nước “Phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam đến 2020” do Trường Đại học Quốc tế Bắc Hà chủ trì phối hợp với Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN – Bộ Khoa học và Công nghệ và Tập đoàn TH tổ chức tại Hà Nội ngày 31/3 vừa qua. 

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho biết, trong 30 năm đổi mới, đất nước ta đã có bước phát triển mạnh mẽ, đạt nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội. Theo đó, phát triển kinh tế tri thức là con đường ngắn nhất, phương thức hữu hiệu nhất để đưa kinh tế xã hội nước ta tiến nhanh, bền vững và có cơ hội đạt được vị trí xứng đáng trong khu vực và trên thế giới. 

Trong phát triển nền kinh tế tri thức, Bộ KH&CN đánh giá cao vai trò của doanh nghiệp, vì thế trong xây dựng cơ chế chính sách, Bộ đã ban hành và đề xuất ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong ứng dụng công nghệ, đổi mới công nghệ. Bộ luôn lấy doanh nghiệp làm trung tâm, làm trọng tâm của quá trình đổi mới công nghệ quốc gia, là địa chỉ ứng dụng công nghệ quan trọng nhất và mang tính quyết định của nền kinh tế. 

Bộ trưởng Bộ Khoa học&Công nghệ Nguyễn Quân.
Bộ trưởng Bộ Khoa học&Công nghệ Nguyễn Quân.

“Quan điểm của Bộ KH&CN là luôn luôn hỗ trợ, khuyến khích, cùng với các doanh nghiệp trong việc nghiên cứu, ứng dụng, làm chủ công nghệ nhập ngoại, sáng tạo ra công nghệ nội địa và tích cực đổi mới công nghệ, tạo ra sản phẩm mới có sự cạnh tranh, sẵn sàng hội nhập thế giới”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo xếp hạng về chỉ số kinh tế tri thức (KEI) của World Bank, trong năm 2012, Việt Nam xếp hạng 104/146 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng chín bậc so với năm 2000, tăng một bậc trong 18 quốc gia châu Á trong bảng và thuộc nhóm trung bình thấp. So với các quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam chỉ đứng trên Indonesia, Lào, Campuchia, Myanmar. Về chỉ số sáng tạo toàn cầu (GII), năm 2011 Việt Nam xếp hạng 51/125 quốc gia và vùng lãnh thổ và năm 2012 là hạng 76/141.

Ở Việt Nam, trong thời gian qua theo chủ trương đổi mới, đã xuất hiện một số doanh nghiệp thành công phát triển dựa vào công nghệ và tri thức trên nhiều lĩnh vực như FPT, Viettel, tập đoàn TH, tập đoàn Sơn Kova…

Tại hội thảo, Tập đoàn TH đã đưa ra lời giải cho bài toán phát triển kinh tế tri thức trong nông nghiệp nông thôn với mô hình dự án sữa chăn nuôi bò sữa tập trung TH. Tập đoàn TH xác định: Để phát triển kinh tế trí thức trong nông nghiệp, đổi mới diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống nông dân cần tăng lợi nhuận trên một ha canh tác, tạo ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, có giá trị cao. Chìa khóa vàng cho mục tiêu này không gì khác, chính là ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào sản xuất nông nghiệp.

Mô hình thành công từ Tập đoàn TH

Năm 2008, các sản phẩm sữa gặp phải sự cố melamine khi mà các hộ nông dân chủ yếu là ở Trung Quốc vì muốn tăng lợi nhuận cho mình đã cho thêm nước và melanin vào sữa tươi. Điều này đã khiến người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ em có nguy cơ mắc chứng suy thận. Tuy Cơ quan chức năng khẳng định thị trường sữa Việt Nam không nhiễm độc hại này nhưng lúc ấy 92% sữa bột Việt Nam lúc đó được nhập khẩu từ nước ngoài mà chủ yếu là Trung Quốc. 

Xe chuyên dụng của TH đang thu hoạch cỏ Mombasa tại Nghĩa Đàn...
Xe chuyên dụng của TH đang thu hoạch cỏ Mombasa tại Nghĩa Đàn... 

Trước hiện thực ấy, TH Group đã quyết định đầu tư và ứng dụng công nghệ cao, đưa công nghệ đầu cuối hiện đại nhất của thế giới vào sản xuất nông lâm ngư nghiệp trong một chu kì khép kín để có được các loại thực phẩm xanh, sạch, tinh túy; quyết tâm trở thành nhà sản xuất thực phẩm sạch có nguồn gốc từ thiên nhiên đạt chuẩn Quốc tế ngay tại Việt Nam mà khởi đầu là dự án chăn nuôi bò sữa tập trung quy mô công nghiệp trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn, tình Nghệ An.

Dự án chăn nuôi bò sữa tập trung TH ra đời năm 2009 với một lộ trình đầu tư bài bản và chuyên nghiệp, bao gồm: quy hoạch vùng nguyên liệu, nhà máy sản xuất thức ăn, trang trại bò sữa và nhà máy chế biến lớn nhất Đông Nam Á cùng một hệ thống phân phối TH Truemart với những quy chuẩn công nghệ hiện đại bậc nhất thế giới.

Cho đến nay, TH đã sở hữu trang trại lớn nhất Đông Nam Á, hiện đại bậc nhất thế giới tại Nghĩa Đàn, Nghệ Anh, dự án chăn nuôi bò và chế biến sữa của TH với tổng mức đầu tư 1,2 tỷ USD, trên tổng diện tích 37.000 ha và tổng đàn bò 137.000 con đã đi gần nửa chặng đường. Cụ thể, đàn bò đã đạt 45.000 con trên diện tích 8.1000 ha đất. Tập đoàn TH cũng đã khánh thành nhà máy sản xuất sữa tươi sạch TH từ năm 2013 với quy mô lớn dây chuyền sản xuất hiện đại giai đoạn I đạt công suất 200 nghìn tấn/năm. Tổng công suất thiết kế của nhà máy dự kiến sẽ đạt khoảng 500 nghìn tấn/năm vào năm 2017.

Tuy nhiên, khi bắt đầu con đường sữa tươi sạch ở Nghĩa Đàn, TH đã gặp phải nhiều khó khăn, thách thức, cản trở mà khó khăn lớn nhất đầu tiên phải vượt quan là nhận thức, tư duy. Nhưng bằng sự kiên định với con đường sữa sạch, sữa tươi sạch TH true MILK đã tạo được vị thế và niềm tin trong lòng người tiêu dùng.

Kế  hoạch đến năm 2015, TH đáp ứng 50% nhu cầu sữa tươi sạch trên thị trường. Doanh thu thuần của TH true Milk năm 013 là 3.700 tỷ đồng, dự kiến năm 2015 là 15.000 tỷ đồng và năm 2017 là 27.000 tỷ đồng. 

Mô hình của TH góp phần khẳng định: Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp chính là lời giải cho bài toán phát triển kinh tế tri thức trong nông nghiệp. 

Nói về việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh, PGS.TS Nguyễn Thị Hòe - Chủ tịch Tập đoàn Sơn Kova chia sẻ: "Với những chính sách về Khoa học-Công nghệ ở Việt Nam như hiện nay thì không thể phát triển khoa học, khó thương mại hóa các đề tài nghiên cứu, hiện tượng "chảy máu chất xám" sẽ không ngừng gia tăng. Đời sống của các nhà khao học còn quá thấp, không thể duy trì được chất xám để tạo sản phẩm cho xã hội. Một doanh nghiệp vừa thành lập đã liên tục gặp khó k hăn, chính sách thì tốt nhưng sự thật diễn ra không tốt, quá nhiều cơ chế trung gian kìm hãm sản xuất...

"Chúng tôi lập doanh nghiệp và nhà máy ở Singapore, Malaysia chưa bao giờ phải chi phí tiền tiêu cực dù chỉ là 1 đô la nhưng ở Việt Nam thì nhiều khoản chi... Như vậy làm sao các nhà khoa học, các doanh nghiệp có thể ứng dụng khoa học vào đời sống xã hội", PGS.TS Nguyễn Thị Hòe nói. 

Cao Nguyên