Lừa tiền qua nạp thẻ cào: Cảnh báo nhiều vẫn "sập bẫy"

11/10/2012 16:58
Lan Anh
(GDVN) - Lừa tiền qua nạp thẻ điện thoại không còn là hiện tượng mới, nhưng điều đáng nói là người sử dụng vẫn bị mắc lừa và bị lừa một cách dễ dàng.


Các chiêu thức “moi tiền” ngày càng đa dạng

Thời gian qua, nhiều phương tiện truyền thông đại chúng đã đưa tin cảnh báo về hiện tượng lừa tiền qua nạp thẻ điện thoại với đủ các chiêu thức như: bị lừa qua Yahoo, Mail hay đơn thuần là tin nhắn điện thoại. Tuy nhiên, với cách “moi tiền” ngày càng tinh vi và đa dạng hiện nay nên dù đã được cảnh báo, nhiều người vẫn bị lừa một cách dễ dàng.
Một hacker “dụ” người dùng nạp thẻ qua chát yahoo. (Ảnh: internet)
Một hacker “dụ” người dùng nạp thẻ qua chát yahoo. (Ảnh: internet)
Phản ánh đến báo điện tử Giáo dục Việt Nam, anh San 21 tuổi (Lào Cai) cho biết: Qua các phương tiện truyền thông anh cũng biết hiện có nhiều hình thức lừa tiền bằng cách nạp thẻ cào điện thoại, bạn bè anh cũng có nhiều người đã từng mắc lừa. Anh rất cảnh giác, nhưng vẫn không thoát khỏi “mánh khóe” khá lạ của “kẻ gian”.

Theo đó, vào khoảng tháng 7 vừa qua, anh San thường xuyên đăng nhập vào Ola chát làm quen với nhiều người. Anh nhận được thông tin của một nick chát đã quen lâu “nhận làm sim sinh viên giá 100.000 đồng”. Cách thức làm rất đơn giản: Chỉ cần thông tin họ tên, ngày tháng năm sinh và quê quán. Trả phí bằng cách gửi mã thẻ điện thoại 100.000 đồng. Sau khi gửi mã thẻ, anh nhận được tin nhắn từ một số thuê bao lạ, với đầu số là: 0166. Nội dung tin nhắn, thông báo mã xác nhận đã làm sim sinh viên thành công. Nhưng khi liên lạc lại, anh giật mìnhnhận ra mình đã bị lừa.  
 
Cũng là một trong những nạn nhân đã từng bị lừa thông qua Yahoo Mesenger, cô Huệ 47 tuổi (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: Tháng 8 vừa qua, khi chát trên Yahoo với chính nick của cô bạn thân ở nước Áo, cô có đề cập đến việc sẽ sang bên đó du lịch. Ngay lập tức, cô bạn thân nồng nhiệt chào đón và ngỏ lời giúp cô mua vé máy bay với mức giá rẻ nhất 7.000.000 đồng.
Cô Huệ cho hay, trên thị trường vé máy bay từ Việt Nam sang Bỉ hiện có giá tới 13 triệu đồng nên mức giá trên là quá rẻ. Khi cô hỏi phải trả tiền như thế nào, cô bạn nói chỉ cần gửi mã thẻ điện thoại. Mặc dù nhận thấy cách thức này khá kỳ lạ nhưng cô rất tin tưởng vì đó là nick chát của bạn thân.

Tuy nhiên, cô không mang đủ tiền nên chỉ mua được 2 thẻ điện thoại trị giá 1 triệu đồng. Chưa đủ số tiền, cô gọi điện cho cô bạn thân đợi chuyển tiếp thẻ điện thoại mới haycuộc nói chuyện vừa rồi không phải là người bạn thân, cô Huệ tá hỏa vì biết mình đã bị lừa.

Lợi dụng tên bạn bè, người thân các hacker dễ dàng lừa tiền nhờ việc nạp thẻ qua điện thoại. Các chiêu thức đó rất rộng rãi và thậm chí ngày càng lộ liễu. Những kẻ lừa đảo không cần hack nick hay đăng nhập bất cứ tài khoản nào mà vẫn lừa lọc một cách rất công khai.
Anh Ngọc 25 tuổi (Yên Lạc, Vĩnh phúc) cho biết: Một số điện thoại lạ nhắn tin xưng tên Hải đúng là tên của bạn thân và nhờ anh nạp tiền giúp. Anh nạp xong gọi cho bạn anh mới biết bị lừa. Một lần khác số điện thoại em gái ruột nhắn tin xin thẻ điện thoại, anh không nghi ngờ gì nạp thẻ 100.000 đồng cho em gái. Anh gọi lại thì không ai nghe máy. Sau đó anh biết được em gái anh đã bị mất điện thoại cách đó vài giờ.

Thâm nhập thông tin cá nhân: Quá đơn giản

Tài khoản Yahoo, Gmail được nhiều người sử dụng xem đó chỉ là phương tiện để trao đổi thông tin, giải trí nên không để ý. Lợi dụng điều đó, các hacker đánh cắp thông tin cá nhân rất đơn giản. Điều đó lý giải tại sao, nhiều người bị lừa một cách quá dễ dàng chỉ vì “đó là nick bạn thân”.

Bạn Thanh,  21 tuổi (sinh viên Đại học Quốc Gia) chia sẻ: Việc hack một tài khoản Gmail, Yahoo khá đơn giản, không đòi hỏi những kỹ thuật cao siêu. Chỉ cần tạo một trang web giả giống như trang web thật, người dùng thản nhiên đăng nhập mà không hề biết đó là trang web giả. Sau khi người dùng thoát, kẻ lừa đảo dễ dàng đăng nhập lại vào tài khoản đó, đổi mật khẩu khác đồng nghĩa với việc nick đó sẽ bị mất. Tạo điều kiện cho hacker có thể tùy tiện dùng nick đó và nắm giữ thông tin cá nhân của người dùng.
Giao diện trang web lừa đảo của các hacker (Ảnh: internet)
Giao diện trang web lừa đảo của các hacker (Ảnh: internet)
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Dzu (Giảng viên trường Đại học Aspace, Đại học Công nghệ thông tin TP.Hồ Chí Minh) cho biết: Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc nhiều người bị lừa nạp tiền trên các phương tiện liên lạc. Nguyên nhân đầu tiên là do thiếu thận trọng. Nếu bạn bè nhờ nạp tiền tại sao không xác minh bằng cách gọi điện thoại trực tiếp, đây là một lỗi sơ hở lớn. Do thiếu hiểu biết về thông tin trên mạng hoặc do không chịu đọc thông tin trên mạng đã cảnh báo trước đó. Hơn nữa, người sử dụng thiếu thận trọng trong việc sử dụng Gmail, Yahoo… hay đặt những mật khẩu quá đơn giản như: 123456, ngày tháng năm sinh… Và khi có thông báo đổi mật khẩu người dùng vẫn rất thờ ơ. Hậu quả mà các nạn nhân phải hứng chịu không quá lớn nhưng những hệ lụy mà tình trạng này gây ra không chỉ dành cho 1 - 2 người mà số nạn nhân sẽ được nhân lên rất nhiều lần, với nhiều mức thiệt hại khác nhau. Vậy phải làm sao để không bị hacker thâm nhập thông tin, trong khi những nick yahoo, gmail lại thường xuyên phải sử dụng? Trả lời câu hỏi trên, ông Dzu nhắc nhở:  Người quản trị mạng cần dùng Cơ cấu bảo mật an toàn. Bằng cách gửi một lá thư xác nhận thông tin cho chính chủ nhân của tài khoản Gmail, Yahoo, nếu là Gmail, Yahoo giả thì họ sẽ không thể đọc được và tài khoản coi như không tồn tại. Cơ cấu xác thực thông tin (HTTPS) bảo đảm không ai giả mạo được thông tin.
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Lan Anh