Maritimebank: Nợ xấu nghìn tỷ tăng vọt mỗi năm

10/05/2014 06:53
Theo Thời báo kinh doanh
Tại ĐHCĐ năm 2014 mới đây, một lãnh đạo Maritimebank đã thừa nhận với cổ đông rằng tỷ lệ nợ xấu thực tế của ngân hàng cao hơn báo cáo.

Thông tin về tình hình nợ xấu của Ngân hàng Maritimebank được phản ánh khá hạn chế trong các báo cáo tài chính năm 2013. Có điều đáng chú ý là, số liệu trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ xấu, nợ có nguy cơ mất vốn… đã tăng vọt, thậm chí gấp đôi số dự phòng của năm trước.

"Quả đắng" cho vay

Thời gian qua, Maritimebank đã gây ngạc nhiên về tốc độ tăng tín dụng "chóng mặt" trong hệ thống ngân hàng. Năm 2010, tăng trưởng tín dụng của nhà băng này đã cán mốc 32% và nằm trong nhóm có tín dụng tăng "nóng" nhất.

Tuy nhiên, từ năm 2011, thực hiện chủ trương siết chặt tín dụng của Nhà nước, Maritimebank đã phải điều chỉnh giảm tỷ lệ tăng trưởng tín dụng xuống dưới mức 20%. Thực tế, cuối năm 2011, tổng dư nợ cho vay của nhà băng này chỉ tăng 18,6%, tương ứng 37.753 tỷ đồng và chỉ tăng 8,2% năm 2013, đạt 45.910 tỷ đồng dư nợ.

Trong đó, nhóm khách hàng DN (tư nhân, công ty cổ phần, DNNN…) chiếm tỷ trọng hơn 90,5% tổng dư nợ. Các lĩnh vực "nóng" được tập trung "rót" vốn chủ yếu là bất động sản, chứng khoán, kinh doanh vàng bạc, ngoại tệ, bên cạnh mảng cho vay có lợi thế là vận tải kho bãi, công nghiệp chế tạo…

Thế nhưng, sau những cuộc đua tín dụng với "thành tích" tăng dư nợ nhanh chóng, Maritimbank đã phải đối mặt với bài toán nợ xấu gia tăng. Cụ thể, đến cuối năm 2011, nợ xấu từ nhóm 3 - 5 là khoảng 856 tỷ đồng, chiếm 2,27% tổng dư nợ, khiến ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro thêm 18%...

Năm 2012, tỷ lệ nợ xấu nhóm 3 - 5 đã tăng vọt lên 2,65%, tương ứng 726,8 tỷ đồng và chiếm 2,71% dư nợ vào cuối năm 2013. Nguyên nhân khách quan là do giai đoạn năm 2011 - 2013, nền kinh tế rất khó khăn, nhiều DN làm ăn thua lỗ nên đã ảnh hưởng đến tiến độ trả nợ cho ngân hàng.

Tại ĐHCĐ năm 2014 mới đây, một lãnh đạo Maritimebank đã thừa nhận với cổ đông rằng tỷ lệ nợ xấu thực tế của ngân hàng cao hơn báo cáo. Dù vậy, nợ xấu của ngân hàng vẫn ở mức thấp hơn toàn ngành và cố gắng kiểm soát ở mức dưới 3% trong năm 2014. Vậy số nợ xấu thực tế hiện là bao nhiêu và đã xử lý, thu hồi đến đâu, hiện vẫn chưa được công bố rõ ràng?

Điều có thể thấy rõ trong các báo cáo tài chính là Maritimebank đã liên tục phải tăng trích dự phòng rủi ro cho vay, nhất là các khoản nợ xấu mất vốn với tỷ lệ trích lập từ 20 - 100%.

Cụ thể, số trích lập dự phòng rủi ro cho vay khách hàng trong năm 2012 - 2013 lần lượt là 755 tỷ đồng, 733 tỷ đồng. Con số này đã tăng gấp đôi so với hồi cuối năm 2011 (trích dự phòng rủi ro hơn 364 tỷ đồng) và chưa kể phần dự phòng rủi ro công nợ tiềm ẩn, các cam kết ngoại bảng…

Năm 2013, Maritimebank cũng không cho biết kết quả xử lý thu hồi nợ xấu, sử dụng nguồn dự phòng rủi ro để bù đắp cho nợ vay mất vốn, nợ không đòi được. Trước đó, năm 2012, ngân hàng chỉ thu hồi được 3,8 tỷ đồng nợ quá hạn đã xử lý, hoàn nhập dự phòng 102,2 tỷ đồng và chi 80,2 tỷ đồng để xử lý rủi ro cho hàng trăm khách hàng.

Nợ xấu cho vay tàu biển?


Maritimebank đang phải xử lý khối nợ vay đầu tư tàu lên tới cả nghìn tỷ đồng của các công ty tài chính, DN vận tải biển trong giai đoạn trước.

Đáng chú ý, năm 2011, Maritimebank đã nhận lại hơn hai chục con tàu của Công ty cho thuê tài chính ALC 1 và ALC 2 (thuộc Ngân hàng Agribank), do 2 DN này gặp khó khăn về tài chính, thua lỗ nặng, có nhiều sai phạm trong hoạt động…

Hàng loạt con tàu đóng dở dang, tàu cũ đã qua sử dụng được bàn giao sang cho Maritimebank quản lý, như loạt 11 con tàu trọng tải 5.200 tấn, loạt 3 tàu 7.200 tấn của Công ty Công nghiệp tàu thủy Thái Sơn, tàu Star 88, Hufa Star, Hoàng Cương 28, Sunrise 15, tàu Phú Đạt…

Những khoản nợ của ALC 1 và ALC 2 chuyển giao sang Maritimebank chủ yếu được thế chấp bằng chính tài sản là tàu đóng mới (tài sản hình thành trong tương lai) hoặc tàu mua cũ. Phía ngân hàng đã tiến hành đánh giá lại tình trạng tàu, giá trị của tàu để quyết định sẽ bán thanh lý, thu hồi vốn hay tiếp tục "đổ" thêm tiền hoàn thiện tàu.

Tuy nhiên, từ năm 2011 cho đến nay, giá trị thực tế của tàu biển đã sụt giảm mạnh do thị trường mua bán tàu cũ suy giảm, khấu hao tự nhiên, cung vượt cầu… Do đó, để xử lý khối nợ này, Maritimebank đã phải bán thanh lý một số tàu với giá sắt vụn, xử lý nợ xấu. Số tàu vẫn còn khả năng khai thác được chuyển sang cho một công ty để tiếp tục sửa chữa, khôi phục hoạt động…

Trong các báo cáo tài chính công bố thời gian qua, Maritimebank không cho biết tổng dư nợ tàu biển của ALC 1 và ALC 2 chuyển giao sang, hiện còn lại bao nhiêu, đã xử lý thu hồi được mấy phần…? Ngân hàng đã thực hiện phân loại những khoản nợ này, trích dự phòng rủi ro ra sao, có ảnh hưởng tới lợi nhuận… cũng không được công bố rõ ràng? Vì nếu ngân hàng không tính khấu hao giá trị tài sản tàu như cách mà Vinalines đã làm, thì có thể che giấu lỗ của loạt tàu bắt về, dẫn tới số liệu tài chính phản ánh không chính xác.

Trong năm 2012 - 2013, lợi nhuận trước thuế của Maritimebank khá khiêm tốn, chỉ đạt 248 tỷ đồng và 411 tỷ đồng, không chia cổ tức cho cổ đông. Năm 2014, ngân hàng dự kiến lợi nhuận giảm chỉ còn 401 tỷ đồng và cổ tức bằng 0%.

Theo Thời báo kinh doanh