Mất cắp hành lý sân bay: Phải làm sao để nhân viên... không muốn lấy?

09/10/2015 07:18
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống
(GDVN) - "Để giải quyết tình trạng mất cắp tài sản trong hành lý ký gửi, quan trọng nhất là để nhân viên không muốn lấy", PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nêu quan điểm.

LTS: Con số 292 trường hợp khiếu nại, mất cắp tài sản trong hành lý ký gửi tính từ đầu năm đến nay do Cục Hàng không Việt Nam đưa ra cho thấy tình trạng mất trộm tài sản trong hành lý ký gửi diễn ra trong thời gian dài, có hệ thống. Đã có những ý kiến giải pháp khác nhau như lắp đặt thêm camera tại điểm bốc dỡ hành lý, gắn camera vào quần áo, mũ nhân viên… nhằm giảm dần số vụ mất cắp tiến tới triệt bỏ dứt điểm tình trạng này.

Ở góc nhìn chuyên gia hàng không, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống – nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật Hàng không, Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM đã có ý kiến phân tích cụ thể tình trạng mất trộm hành lý cũng như giải pháp lâu dài. Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xin gửi đến độc giả bài viết của PGS.TS Nguyễn Thiện Tống:

Nút thắt quản trị hệ thống và nhân lực

Tờ Vnexpress mới đây đăng tải thông tin về buổi kiểm tra của ông Trần Hoài Phương Giám đốc Cảng vụ miền Bắc, đã nêu ra thực trạng khá lo ngại khi Cảng vụ kiểm tra đột xuất hơn 300 lượt nhân viên phục vụ tại sân bay Nội Bài, phát hiện và xử lý 24 cá nhân vi phạm, như: không khai báo tài sản, giữ tài sản của người khác....

Điều này cho thấy dù trước đó cơ quan quản lý đã phát hiện bắt giữ, thậm chí xử lý hình sự nhiều trường hợp trộm cắp hành lý tại sân bay nhưng hiện tượng trên vẫn tồn tại.

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống (Ảnh: HL)
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống (Ảnh: HL)

Trước hiện tượng trên, nhiều biện pháp được đưa ra như gắn thêm camera vào người nhân viên làm việc ở những nơi nhạy cảm, gắn camera vào thùng hàng máy bay… Ý tưởng này được đưa ra nhằm làm sao để nhân viên phục vụ tuân thủ 3 không: "Không muốn, không dám và không thể".

Trước hết phải khẳng định việc tăng cường hệ thống camera giám sát là cần thiết và cũng là biện pháp giảm bớt hiện tượng lấy trộm hành lý, bởi camera giám sát như mắt thần khiến người có ý đồ xấu không dám trộm đồ do lo sợ bị phát hiện.

Tuy nhiên dù lắp thêm camera, trang bị phương tiện hiện đại đến đâu, quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người. Then chốt trong đó là yếu tố tuyển dụng và quản trị nhân lực của doanh nghiệp dịch vụ mặt đất tại các cảng hàng không.

Nếu khâu tuyển dụng không chặt chẽ, có tiêu cực lọt vào hệ thống những đối tượng xấu luôn trực chờ cơ hội để ăn cắp hành lý thì dù có thêm camera cũng không kiểm soát được. Mặt khác, nếu quản lý hệ thống camera đó lại tiếp tay cho kẻ trộm đồ thì dù công nghệ kiểm soát ra sao cũng không có ý nghĩa.

Mất cắp hành lý sân bay: Phải làm sao để nhân viên... không muốn lấy? ảnh 2

Chống mất trộm hành lý, cần cấm nhân viên bốc xếp sân bay dùng điện thoại

Mất cắp hành lý sân bay: Phải làm sao để nhân viên... không muốn lấy? ảnh 3

Mất cắp hành lý ở sân bay: Đề nghị Bộ Công an điều tra

Chưa tính số vụ việc từ những năm trước, con số 292 trường hợp khiếu nại mất cắp tài sản trong hành lý ký gửi tính từ đầu năm đến nay do Cục Hàng không đưa ra cho thấy tình trạng mất trộm tài sản trong hành lý ký gửi diễn ra trong thời gian dài, có hệ thống. Hệ thống ở đây là việc có người lấy tài sản rồi có người giúp đưa ra ngoài tiêu thụ. 

Do đó quan trọng nhất là vấn đề quản trị hệ thống và đào tạo tuyển chọn nhân lực.

Đừng nghĩ rằng nhân viên bốc dỡ thì có thể tùy ý lựa chọn và để xảy ra tiêu cực trong quá trình tuyển chọn. Nên nhớ vận chuyển hành lý hàng không nói riêng và hàng không nói chung đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu. Nếu để lọt đối tượng xấu vào phục vụ bốc dỡ hàng hóa, hậu quả sẽ lớn hơn cả việc mất trộm đồ.

Nên học theo các nước

Để giải quyết tình trạng mất cắp tài sản trong hành lý ký gửi, quan trọng nhất là để nhân viên không muốn lấy. Làm được việc này, ngoài việc tuyển dụng lao động cần hệ thống quản trị tốt siết chặt giám sát ở các bộ phận.

Trước đến nay mới chỉ xử lý nhân viên lấy trộm tài sản trong hành lý nhưng không xử lý người đứng đầu doanh nghiệp, đứng đầu cơ quan có nhân viên lấy trộm hành lý đó. 

Điều này giảm vai trò lãnh đạo, chỉ đạo quản lý của người đứng đầu đơn vị, lỗ hổng này cần được tăng cường. Vì vậy cần có biện pháp xử lý song hành lãnh đạo các cơ quan đơn vị để xảy ra việc nhân viên ăn cắp tài sản trong hành lý ký gửi

Mặt khác để tránh trường hợp người có hành vi xấu liên kết tạo thành hệ thống với nhau cần thực hiện hoán đổi vị trí, hoán đổi ca, kíp trực. Bằng nghiệp vụ phối hợp giữa lực lượng an ninh hàng không với công an và hải quan để giám sát quá trình vận chuyển hành lý.

Không nên để đồ có giá trị trong hành lý ký gửi.
Không nên để đồ có giá trị trong hành lý ký gửi.

Cùng với đó chúng ta cần học hỏi các nước, mô hình kiểm soát an ninh hàng không các nước tránh tình trạng ăn cắp tài sản hành lý. Xem họ sử dụng các biện pháp như thế nào để học tập và áp dụng phù hợp với thực tế tại Việt Nam.

Cũng phải nói thêm rằng hành khách trên chuyến bay cần lưu ý những khuyến cáo của các hãng hàng không về việc cất giữ tài sản quý giá. Cụ thể các hãng hàng không đều khuyến cáo hành khách không nên để tài sản quý như tiền, vàng, máy ảnh, máy quay… trong hành lý ký gửi. Trong trường hợp mất tài sản trong hành lý hành khách cần báo ngay hãng hàng không hay các cơ quan an ninh tại sân bay để truy tìm thủ phạm.

Kết hợp việc tăng cường hệ thống giám sát camera, tăng cường phương pháp quản trị nhân lực, con người thiết nghĩ tình trạng mất trộm tài sản trong hành lý ký gửi sẽ giảm xuống trong thời gian tới.  

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống