Máy bay mất tích khiến Malaysia Airlines giảm mạnh sức cạnh tranh

10/03/2014 07:22
NHẤT NGÔN (Dịch&TH)
(GDVN) - Theo đánh giá của giới quan sát, vụ việc có thể sẽ khiến Malaysia Airlines trong thời gian tới gặp nhiều khó khăn hơn, trong việc cạnh tranh với các đối thủ.

Malaysia Airlines được xếp hạng an toàn cao

Được biết, Malaysia Airlines là hãng hàng không quốc gia Malaysia, khai thác khoảng 100 máy bay, trong đó có 15 chiếc Boeing 777-200ER. 

Trong lịch sử hoạt động, hãng Malaysia Airlines gặp không nhiều tai nạn. Một chiếc máy bay nhỏ Twin Otter rơi trong lúc hạ cánh ở bang Sabah (đảo Borneo, Malaysia) tháng 10/2013 làm thiệt mạng một phi công và một hành khách.

Năm 1977, một chiếc máy bay của hãng này rơi tại miền Nam Malaysia, 93 hành khách và phi hành đoàn 7 người thiệt mạng. 

Vụ tai nạn gần đây nhất hãng Malaysia Airlines gặp phải là vào năm 1995 khi một chiếc máy bay của hãng này rơi gần TP Tawau (bang Sabah, Malaysia) làm 34 người chết.

Vụ tai nạn thiệt hại nhân mạng nhất trong lịch sử hàng không Malaysia xảy ra vào ngày 4/12/1977, một máy bay cũng của hãng Malaysia Airlines bị không tặc tấn công và rơi tại Tanjung Kupang (bang Johor, Malaysia) làm toàn bộ 100 người trên máy bay thiệt mạng. Trong số nạn nhân có cả quan chức cấp cao chính phủ Malaysia và quốc tế (bộ trưởng Nông nghiệp Malaysia, đại sứ Cuba tại Nhật).

Theo thống kê của tờ The Guardian, 8/26 vụ tai nạn máy bay thảm khốc nhất từ năm 1974 đến 2009 xảy ra khi đang được chuyên chở bởi máy bay Boeing (747 và 767). Những chiếc máy bay này thuộc sở hữu của các hãng hàng không Hàn Quốc, Ai Cập, Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ... Bên cạnh Boeing, Airbus (300 và 310) là loại máy bay có “tần suất” xếp thứ hai trong số các vụ tai nạn hàng không. 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Malaysia Airlines sẽ ra sao sau vụ máy bay mất tích?

Tờ Wall Street Journal cho biết, trong mấy năm gần đây, Malaysia Airlines phải đối mặt với thua lỗ liên miên sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt từ làn sóng các hãng bay giá rẻ, nhất là AirAsia Bhd. Air Asi là hãng hàng không giá rẻ đầu tiên của Malaysia vươn ra thị trường bên ngoài.

Những khó khăn của Malaysia Airlines càng thêm phần trầm trọng do sự can thiệp của Chính phủ Malaysia vào hoạt động của hãng, cũng như sự phản đối quyết liệt của các tổ chức công đoàn đối với các nỗ lực cải tổ thông qua cắt giảm chi phí.
Năm 2013, Malaysia Airline System Bhd, công ty điều hành Malaysia Airlines, đã thua lỗ 1,17 tỷ Ringgit, tương đương gần 360 triệu USD, sau khi lỗ 432 triệu Ringgit trong năm 2012. Trước đó năm 2011, mức thua lỗ là 2,52 tỷ Ringgit, mức thua lỗ lớn chưa từng có trong lịch sử hãng này.
Thua lỗ tài chính có vẻ như không ảnh hưởng gì đến vấn đề an toàn của Malaysia Airlines, cho tới khi xảy ra vụ việc với chuyến bay mang mã hiệu MH370, đang trên đường từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh, cùng với 239 hành khách và phi hành đoàn.
Theo đánh giá của giới quan sát, vụ việc có thể sẽ khiến Malaysia Airlines trong thời gian tới gặp nhiều khó khăn hơn, trong việc cạnh tranh với các đối thủ.
Năm 2011, Giám đốc điều hành (CEO) Tony Fernandes của AirAsia đã nhất trí hoán đổi cổ phiếu giữa hãng này với Malaysia Airlines để giúp Malaysia Airlines xây dựng lại thương hiệu. Tuy nhiên, thỏa thuận này nhanh chóng đổ vỡ, và ông Fernandes đổ lỗi cho việc các tổ chức công đoàn ngăn không cho thực hiện những thay đổi vô cùng cần thiết trong hoạt động của Malaysia Airlines.
Khi có thông tin chuyến bay bị mất tích, ông Fernandes viết trên Twitter rằng: “Thức dậy và không thể thốt lên lời. Cầu mong cho tất cả mọi người được an toàn”.

Gần đây, CEO Ahmad Jauhari Yahya của Malaysia Airlines đã bắt đầu một nỗ lực mới để vực dậy hãng này, nhưng chưa đi đến thành công nào.

NHẤT NGÔN (Dịch&TH)