McDonald's: “Tôi không kinh doanh Hamburger. Tôi kinh doanh BĐS"

20/07/2013 07:50
Tiểu Phương
(GDVN) - Khi nói đến cái tên McDonald's, chuyên gia marketing Đỗ Anh Tú nhắc tới “cây cổng vàng “M” kinh điển”.
Ngày 15/7 vừa qua, McDonald's đã chính thức công bố có đối tác nhượng quyền tại thị trường Việt Nam là Công ty Good Day Hospitality.
Theo McDonald's, Việt Nam là một trong hơn 65 thị trường trên toàn thế giới được cấp phép nhượng quyền thương mại. Đây là mô hình McDonald đã ứng dụng trong hơn 30 năm qua để phát triển thương hiệu toàn cầu.
Sự xuất hiện của đế chế McDonald được coi là hiểm họa cho các thương hiệu thức ăn nhanh từ Mỹ KFC, Jollibee - "ông trùm McDonald’s của Philippines" hay Lotteria từ Hàn Quốc đang kinh doanh tại Việt Nam.

McDonald's -“cây cổng vàng “M” kinh điển”.
McDonald's -“cây cổng vàng “M” kinh điển”.
Theo đánh giá của chuyên gia marketing Đỗ Anh Tú: “McDonald's là thương hiệu thức ăn nhanh số 1 thế giới. Chiếc bánh kẹp Hamburgers giờ thân thuộc với đại đa số giới trẻ - Điều này đã quá nhiều người biết. Trị giá thương hiệu của McDonald’s luôn nằm trong Top 10 các thương hiệu hàng đầu thế giới với trị giá khoảng 80 tỷ USD”.
Ông Tú cho biết thêm: “Câu chuyện thành công kinh điển của thương hiệu đã đi vào sách giáo khoa của ngành Marketing thế giới. Nguyên lý "Thương hiệu toàn cầu, chiến lược tiếp thị phù hợp địa phương" đi vào bài học căn bản marketing của tập đoàn này đã giúp tạo ra thêm một thương hiệu toàn cầu khác nữa là HSBC với câu Slogan quen thuộc "Ngân hàng toàn cầu - Am hiểu địa phương".
"Nếu chỉ là sự thành công kì diệu của việc bán những suất ăn với gà rán và bánh kẹp mà tạo ra cả một tập đoàn khổng lồ thì ngoài McDonald’s, chúng ta còn thấy cả KFC, vốn không xa lạ. Tuy nhiên, điểm khác biệt của McDonald’s so với các tập đoàn thức ăn nhanh khác ở chỗ, nếu không xét đến thương hiệu, về bản chất, kinh doanh tập đoàn này là một tập đoàn bất động sản hàng đầu thế giới. 
Điều kì diệu là các cửa hàng McDonald’s làm cho các bất động sản họ sở hữu tăng giá trị nhiều lần sau khi mua và ngược lại, các vị trí bất động sản đẹp nhất họ sở hữu sẽ tạo ra sự thành công về lợi nhuận cả trên phương diện thu phí nhượng quyền cũng như thu tiền thuê mặt bằng từ các nhà nhận quyền” – chuyên gia Đỗ Anh Tú nhấn mạnh.
Trên thực tế, McDonald's đang sở hữu 45% và 70% nhà hàng trong chuỗi 34.500 cửa hàng của mình trên toàn thế giới - và đó luôn là nguồn thu rất lớn của hãng thức ăn nhanh số 1 thế giới này. 
Như trong bài viết trước, báo Giáo dục VN đã đề cập: Trong 4 hình thức nhượng quyền mà McDonald's đang thực thi thì hình thức ưu tiên hàng đầu của McDonald's là BFL Frandchises "Business facilities Lease", cấp nhượng quyền dưới hình thức cho thuê cơ sở vật chất kinh doanh. 
Thông qua BFL, bên nhận quyền có thể mua lại toàn bộ tài sản sau năm đầu tiên kinh doanh và gia hạn thời gian nhượng quyền kinh doanh thêm 20 năm sau kỳ đầu tiên của hợp đồng. Điều này giúp McDonald's hưởng được một phần chênh lệch giá rất nhiều khi bán lại cho đối tác nhượng quyền của mình. 
Chính vì vậy, khi nhìn thấy cánh cổng vàng chữ M của McDonald's, chuyên gia marketing Đỗ Anh Tú nhắn nhủ: “Hãy nhớ đến câu nói nổi tiếng của Ray Kroc, người sáng lập McDonald’s: “Này các bạn, tôi không kinh doanh Hamburger. Tôi kinh doanh bất động sản!”…
Tiểu Phương