Mua nhà ở thương mại được vay vốn từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng

15/05/2013 13:43
H.L
(GDVN) - Không chỉ dừng ở đối tượng thuê mua và thuê nhà ở xã hội, nhà ở thương mại chuyển đổi công năng thành nhà ở xã hội mà cả những người mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2 và giá bán không quá 15 triệu đồng/m2cũng sẽ được vay ưu đãi lãi suất.
Sau thời gian lấy ý kiến, Thông tư về gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường và giải quyết nợ xấu được Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng ký kết ban hành trong ngày hôm nay (15/5). Ông Nguyễn Viết Mạnh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, các khâu chuẩn bị của thông tư hướng dẫn cho vay mua nhà ở xã hội theo Nghị quyết 02/NQ-CP đã vào giai đoạn hoàn tất và nội dung quan trọng là đối tượng vay sẽ được mở rộng.
Theo đó, đối tượng được duyệt mua nhà ở xã hội bao gồm cán bộ công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước; công nhân làm việc tại khu công nghiệp; người thu nhập thấp tại khu vực đô thị, trong đó người thu nhập thấp là người không thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân, hoặc những người có nơi ở chật chội dưới 5m2 sàn/người…
Gói tín dụng 30.000 tỉ đồng hỗ trợ mua nhà xã hội được kỳ vọng là chìa khóa hỗ trợ thị trường BĐS (ảnh minh họa).
Gói tín dụng 30.000 tỉ đồng hỗ trợ mua nhà xã hội được kỳ vọng là chìa khóa hỗ trợ thị trường BĐS (ảnh minh họa).
Không chỉ dừng ở đối tượng thuê mua và thuê nhà ở xã hội, nhà ở thương mại chuyển đổi công năng thành nhà ở xã hội mà cả những người mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2 và giá bán không quá 15 triệu đồng/m2 cũng sẽ được vay ưu đãi lãi suất.

Ngoài ra, trong dự thảo thông tư vừa có chỉnh sửa này, ông Mạnh cũng cho biết đã thay đổi thời hạn cho vay ưu đãi, cụ thể, mức lãi suất dự kiến 6%/năm sẽ là mức tối đa theo từng năm, trong 10 năm mà người mua được vay.
Cụ thể, nếu lãi suất thị trường lên cao hơn mức hiện tại, người vay cũng sẽ được hưởng mức 6%, còn nếu xu hướng lãi suất đi xuống mạnh, NHNN sẽ xem xét giảm thêm lãi suất cho người vay. Như vậy, nhà ở xã hội sẽ phải cạnh tranh với nhà ở thương mại cùng phân khúc, bởi cả hai đều có thể tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi như nhau.
Trước đó, Bộ Xây dựng và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) ký kết Thỏa thuận phối hợp triển khai chương trình xây dựng nhà ở xã hội giai đoạn 2013-2015 với gói tín dụng cho vay lên tới 30.000 tỷ đồng. Theo đó, doanh số cho vay tối đa đối với chủ đầu tư thực hiện dự án là 10.500 tỷ đồng (chiếm 35% gói tín dụng); Mức cho vay tối đa là 70% trên tổng mức đầu tư của dự án; Lãi suất cho vay bằng lãi suất của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB); Thời gian cho vay tối đa 5 năm.
Đối với người mua nhà, doanh số cho vay tối đa là 19.500 tỷ đồng (chiếm 65% gói tín dụng); Mức cho vay tối đa là 85% trên giá trị căn nhà; Lãi suất cho vay thấp hơn 10% (khoảng 6% tức chỉ bằng 90%) so với mặt bằng lãi suất cho vay bình quân các tổ chức tín dụng; mức lãi suất có thể thấp hơn trong trường hợp Nhà nước có cơ chế hỗ trợ; Thời gian cho vay tối đa 15 năm.
Tuy nhiên khi đưa ra thảo luận lấy ý kiến, gói giải pháp hỗ trợ 30.000 tỉ đồng giải quyết khó khăn thị trường BĐS nhận được nhiều ý kiến tranh cãi. Trong đó các ý kiến thắc mắc về mức lãi suất ưu đãi 6% và thời hạn cho vay. Nhiều ý kiến lo ngại việc lãi suất 6% chỉ cố định trong 3 năm và thời hạn cho vay 10 năm quá ít với một khoản vay mua nhà ở. 
Bên cạnh đó, với người thu nhập thấp - đối tượng chủ yếu của gói cứu trợ này, lãi suất sau 3 năm thả nổi sẽ gây rất nhiều bất ổn và khả năng mất chi trả có thể xảy ra. Hơn nữa với diện tích nhà nhỏ hơn 70m2 và giá dưới 15 triệu đồng/m2 sẽ không được hỗ trợ…
Cũng liên quan đến vấn đề này trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, TS Phạm Sĩ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam cho rằng, số tiền 30.000 tỉ là rất lớn nhưng liệu có giải quyết được khó khăn của thị trường BĐS hay không cần phải làm rõ con số tồn đọng của BĐS cả nước. “30.000 tỉ rất lớn khoảng 1.5 tỉ USD nhưng nếu không quản lý tốt thì sẽ chỉ như muối bỏ bể” – TS Phạm Sĩ Liêm nhấn mạnh.
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
H.L