Muachung: Mua rẻ thành đắt, mua cả bực mình

18/06/2011 00:13
(GDVN) - Đổ xô đi mua chung theo phong trào, nhiều phụ nữ ham thích đồ rẻ đã mất tiền oan vì mua phải dịch vụ kém chất lượng hoặc "mua về nhưng dùng không hết".

(GDVN) – Bỏ ra 200.000 đồng để mua voucher tại muachung.xxx cho một lớp học trang điểm 6 buổi tại một tiệm Spa, Ngọc sung sướng vì mình lựa chọn được dịch vụ giá rẻ, tuy nhiên, chỉ sau buổi học đầu tiên, cô nàng đã "ngã ngửa": Đúng là… “tiền nào của nấy”.

>> Áo chống nắng siêu đắt chống tia tử ngoại: Cẩn thận quảng cáo lừa!

>> Khách hàng bức xúc tiếp tục tố nhạc chờ phản cảm của Viettel

Mua chung: Rẻ thành đắt!

Đánh vào tâm lý ham thích đồ rẻ của phụ nữ Việt Nam, hiện nay không ít các website đã ra đời kinh doanh theo hình thức mua hàng theo nhóm. Với mức giá giảm từ 30 - 70%, thậm chí là 90% so với giá gốc, kèm theo sự tiện lợi không phải đến tận nơi để chọn từng mặt hàng, những ai có nhu cầu có thể xem thông tin và hình ảnh trên website rồi đăng kí online, gửi tiền qua tài khoản với người bán hàng.

Hình thức mới xuất hiện ở Việt Nam khoảng gần cuối năm 2010 này đang được giới văn phòng và các bạn trẻ đặc biệt ưa thích vì 2 lý do: tiện dụng và rẻ tiền. Đây được xem là hình thức mua sắm, tiêu dùng mới thuận lợi cho những người bận rộn. Có lẽ, cũng bởi vậy, hình thức mua chung này trên các trang web trên thường được rất đông người vào xem và đặt mua, ít thì vài trăm, nhiều thì vài nghìn lượt người vào đăng kí mua mỗi sản phẩm.

a
Mua chung 6 set ăn, mất 1,5 triệu đồng nhưng Lan lại để "mốc meo",
vì quá bận rộn mà không dùng hết. 
 
Thường xuyên la cà trên facebook, thấy bạn mình like nhiệt tình vào hội nhóm mua chung, Vũ Tuyết Lan, nhân viên kinh doanh của một công ty truyền thông quốc tế cũng bắt đầu để ý tới hình thức này.

Từ làm đẹp, ăn uống, du lịch, mỹ phẩm, điện thoại... tất cả từ dịch vụ đến hàng hoá đều rất phong phú, chỉ cần khách hàng có nhu cầu, không cần đòi hỏi quá nhiều thời gian, với một vài cái click chuột tìm kiếm là mọi thứ đều bày ra trước mắt. Lan nhìn thấy những banner đỏ nổi bật với những con số giảm giá sốc bất ngờ, bắt mắt từ 34% đến 47% hay 63 – 70%... Thêm vào đó, những banner quảng cáo của các dịch vụ, hàng hóa này lại thường xuyên được treo “trang trọng” trên một số tờ báo lớn, uy tín nên Lan đặc biệt tin tưởng.

Là một người sành ăn uống, khi thấy trang mua quảng cáo với lời lẽ mời chào như: “Cùng nếm hương vị thịt nướng kiểu Nhật với set 8 món ăn dành cho 2 người tại nhà hàng A chỉ với 250.000 đồng”, giảm giá tới hơn 50% cùng với những hình ảnh hấp dẫn, không cần suy nghĩ, Lan đã nhanh tay điện thoại và đặt ngay 3 set cho 6 người. Tuy nhiên, sau đó, Lan và ông xã chỉ sắp xếp đi ăn cùng nhau đúng một lần, còn 2 set vẫn “mốc meo” chẳng biết khi nào mới rảnh rang để có thể tổ chức đi ăn tiếp.

Một chị bạn khác của Lan thì đã mua set ăn cho từ nay tới cuối năm và ngay từ giây phút này, chị sẽ phải sắp xếp lịch để “đi ăn cho bằng hết”.

“Mình thấy đôi khi mọi người mua theo phong trào, thấy giá rẻ, các chị, các em đổ xô đi mua thì mình cũng bon chen mua “kẻo phí”. Nhưng thực tình, mua về có khi lại không sử dụng đến hoặc không sử dụng hết, rất lãng phí. Như vậy, tưởng là rẻ, mua vào là thông minh nhưng hóa ra lại rất tốn kém mà chẳng thông minh chút nào” – Chị Ngọc Linh (cư ngụ tại Ba Đình, Hà Nội) nhận xét.

Không ít các bà mẹ vì bạn bè lôi kéo, rủ rê, mới chỉ thấy “hay hay” đã sẵn sàng bỏ tiền túi ra mua để rồi lại phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

Một khách hàng có tên Hải Hòa kể: Hồi tháng 5, khi thấy bạn bè gửi đường link mua chung cho mình qua yahoo, giới thiệu về bộ Lego dành cho con trẻ với giá chỉ có 400.000 đồng, trong khi giá gốc là 800.000 đồng. Nhìn hình ảnh lung linh đăng tải trên website, Hòa rất thích, tuy nhiên, khi mua về mới phát hiện ra, “ồ, con mình chưa đủ tuổi để có thể chơi được thứ này”, thế là đành phải cất đi. “Lẽ ra mình chưa mất 400.000 đồng cho việc mua Lego, nhưng vì nghĩ giá như vậy là quá rẻ nên mình chẳng ngần ngại mua ngay, bất chấp việc đó có hợp lý hay không. Vô hình chung, mình bị tốn tiền mà chưa chắc đã dùng được”, Hải Hòa nói.

Chất lượng: Không thể kiểm soát?


Với hình thức mua sắm theo nhóm, mua chung, khách hàng luôn cảm thấy mình là người có lợi, nên rất nhiều người đã đặt mua. Tuy nhiên, chỉ sau khi mất tiền, khách hàng mới ngã ngửa về dịch vụ phía sau cái giá rẻ chỉ bằng một nửa so với thực tế.

Làm việc trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, quen biết ngoại giao rộng nhưng Ngọc lại chưa từng theo học một lớp trang điểm để có thể tự làm đẹp cho mình một cách chỉn chu và bài bản, sau khi tìm hiểu thông tin đăng tải trên mạng mua chung, Ngọc đã quyết định bỏ ra số tiền 250.000 đồng để trang bị “hành trang” tân trang lại nhan sắc cho mình với 6 buổi học.

Theo thông tin đăng tải trên website muachung.xx, khi học “trang điểm chuyên nghiệp, xinh tươi tự tin sánh vai bên bạn bè, người ấy”, 06 buổi học tại Spa Minh T. (Tống Duy Tân, Hà Nội) bình thường phải mất 1 triệu đồng học phí nhưng với muachung, khách hàng có thể tiết kiệm tới 75%.
a
Bỏ ra 250.000 đồng để mua vé học trang điểm nhưng nhiều bạn gái
đã phải thất vọng về chất lượng của dịch vụ mua chung này.

Lần đầu tiên đi học, Ngọc rất hí hửng bởi từ lâu, cô đã ao ước mình biết cách “ngụy trang” khuyết điểm qua lớp phấn để không thua bạn kém bè, đặc biệt là ngang tầm phải lứa với nhóm đồng nghiệp vốn có năng khiếu thẩm mỹ. Nhưng thực tế lại không như Ngọc tưởng tượng. “Họ dạy mình cách trang điểm ấn tượng, mắt xanh, môi đỏ lòe loẹt, giống như đi biểu diễn tại các lễ hội hóa trang, trong khi đó, cái mình cần là phong cách trang điểm nhẹ nhàng, năng động, phù hợp với công việc hàng ngày và công sở. Ban đầu, mình nghĩ đó là quan điểm chủ quan của cá nhân mình nhưng hỏi bạn bè xung quanh, ai cũng có nhận xét tương tự”.

Cũng cùng chung cảnh ngộ với Ngọc tại lớp học trang điểm đó, Nguyễn Lan Chi (Hoàng Văn Thái, Thanh Xuân, Hà Nội) sau 2 buổi tới lớp cũng đã “tẩy chay” luôn. “Mình không đi học nữa bởi biết có học thêm cũng không khá khẩm lên được, lại tốn thời gian. Phấn, kem trang điểm thì không có tên tuổi, không có hạn sử dụng, chẳng biết thế nào mà lần. Thêm nữa, cách dạy thì qua quýt, nhanh nhanh chóng chóng cố nhồi nhét kiến thức để rút ngắn thời gian học, chỉ kéo dài cùng lắm là 3 buổi. Chán với kiểu dịch vụ này” – Chi than thở.

Không chỉ mất tiền oan trong lĩnh vực trang điểm, đối với dịch vụ ăn uống, nhiều khách hàng cũng bị một “vố đau” trông thấy.Ngay trên website của nhommua.xx, có không ít các “thượng đế” sau khi thưởng thức các món ăn, quá bức xúc đã lên chính trang web của người rao bán để “hả giận”.

a
Nhiều phản hồi bức xúc về chất lượng quán ăn được post thẳng
trên website của một nhóm mua chung. (Ảnh chụp màn hình).

Bỏ ra 50.000 đồng để mua 1 voucher, khi thanh toán sẽ được giảm giá 150.000 đồng nhưng sau khi đi ăn về, bạn voisuamap không giấu nổi vẻ bực tức bày tỏ: “Chỗ này cứ như lừa đảo ấy, giá niêm yết trên biển 1 kiểu, giá trong menu đưa khách 1 kiểu. Hôm trước, mình đi ăn thử 2 voucher. Mình không được ngồi bàn 2, phải ngồi chung với 1 bàn có 3 người khác không hề quen biết. Tưởng sẽ ăn được gì, ai ngờ đó là: một đĩa dê tái chanh 85.000 đồng/đĩa gồm 15 miếng thịt dê con con, nhiều xả và rau, ăn thì hôi. Một đĩa dê nướng 100.000 đồng, gọi là đĩa thôi, chứ nó chỉ bằng 2 cái xiên nướng bán 5.000/cái ngoài chợ, đếm được 13 miếng con con. Tiếp đến là món cơm cháy, ở biển ghi là cơm cháy tim cật dê 70.000 đồng nhưng khi nhân viên bê ra, mình mới ngã ngửa: Đó là cơm cháy với nước cà chua không hơn không kém… sau đó, lúc tính tiền, phát hiện ra thêm một điều giật mình: một đĩa lạc con con và 1 quả dưa chuột “chém” 34.000 đồng. Ăn xong mình với bạn gái phải đi ăn tiếp chỗ khác. Còn voucher mà chán quá, chẳng buồn tới ăn nữa”.

Trao đổi với đại diện một trang web mua chung, vị đại diện này cho biết, trước khi bán ra cho khách hàng, nhân viên của trang web này đã đi thực tế để khảo sát chất lượng dịch vụ. Đối với các cửa hàng ăn uống, nhân viên của website mua chung phải đến ăn thử và yêu cầu cửa hàng đó bày món ra để chụp ảnh, đăng tải trên website “khách hàng đi ăn có thể nhìn theo đó mà đối chiếu và kiểm tra chất lượng”. Đối với các dịch vụ du lịch, mua chung cũng yêu cầu kê khai chương trình và menu các bữa ăn, điều tra về dịch vụ và hoạt động của công ty này trước đó.

Tuy nhiên, đại diện của nhóm mua chung này cũng thừa nhận: Không thể kiểm soát hết được tất cả các dịch vụ, phần lớn dựa trên “sự thành thật của đối tác là chủ yếu”.

Tiểu Phương
 
>> Áo chống nắng siêu đắt chống tia tử ngoại: Cẩn thận quảng cáo lừa!

>> Khách hàng bức xúc tiếp tục tố nhạc chờ phản cảm của Viettel

>> Dán mác an toàn, “lên đời” rau chợ, rau bẩn thành rau siêu thị