Mức phí trần: Chủ đầu tư muốn bỏ, cư dân Keangnam, The Manor bảo không

27/01/2013 07:41
Hà Nhi
(GDVN) - Trong Hội thảo về quản lý chung cư do Sở Xây dựng Hà Nội tổ chức, không ít doanh nghiệp đề xuất bỏ mức trần giá dịch vụ chung cư, tuy nhiên, phía người dân lại phản đối ý kiến này.

Mức phí trần quản lý nhà chung cư – Liệu có còn cần thiết?
Vừa qua, trong Hội thảo về quản lý chung cư do Sở Xây dựng Hà Nội tổ chức, không ít ý kiến cho rằng: Nhà nước không nên đưa ra mức giá trần, bởi mức phí bao nhiêu sẽ do thị trường quyết định. Nếu Nhà nước đưa ra mức giá trần, sẽ càng dễ gây ra tranh chấp tại các khu chung cư.
Một đại diện của Sở Tư pháp Hà Nội cũng đồng thuận với quan điểm này.
Các chủ đầu tư - doanh nghiệp xây dựng than thở rằng, việc áp trần giá dịch vụ khiến họ có nhiều khó khăn. Giá trần Nhà nước đưa ra quá thấp so với chi phí họ phải bỏ ra để làm công tác quản lý.
Tuy nhiên, trao đổi với báo Giáo dục Việt Nam, những người dân hiện đang sinh sống tại các khu chung cư lại khẳng định: Mức trần giá dịch vụ nhà chung cư không thể bỏ.

Theo cư dân Keangnam, nếu Nhà nước bỏ mức phí trần quản lý nhà chung cư, chủ đầu tư tự áp đặt mức phí, mâu thuẫn sẽ tiếp tục "nảy lửa" (Ảnh minh họa VNE)
Theo cư dân Keangnam, nếu Nhà nước bỏ mức phí trần quản lý nhà chung cư, chủ đầu tư  tự áp đặt mức phí, mâu thuẫn sẽ tiếp tục "nảy lửa" (Ảnh minh họa VNE)

Ông Thụy, Chủ tịch hội người cao tuổi, chủ căn hộ A2110 Keangnam cho biết: “Quản lý nhà chung cư là một dịch vụ không thể thiếu và là một món lợi kinh doanh rất lớn. Người dân cần dịch vụ, còn công ty quản lý cần lợi nhuận. Mâu thuẫn ở đây là mâu thuẫn đối kháng về mặt lợi ích. Nhà nước cần phải có vai trò và trách nhiệm trong việc điều tiết thị trường này, tránh loạn giá, hạn chế mâu thuẫn giữa cư dân và chủ đầu tư dẫn đến mất ổn định trật tự xã hội, thậm chí, tránh tình trạng đóng băng thị trường BDS nhà chung cư vì dân “sợ hãi” chung cư”.  
Cũng theo ông Thụy, mức phí trần trong quyết định 4520 của UBND TP.Hà Nội đã qui định rất cụ thể các dịch vụ cơ bản thiết yếu đi kèm theo từng mức giá áp dụng đối với từng loại chung cư. Đó chính là dịch vụ tối thiểu cơ bản mà chủ đầu tư phải cung cấp. Nếu chủ đầu tư muốn thu phí cao hơn thì phải cung cấp dịch vụ phụ trội và phải thỏa thuận với cư dân. Chủ đầu tư không được quyền áp đặt mức phí. 
Bà Nhung Hạnh – Ban quản trị Chung cư, tổ trưởng Tổ dân phố The Manor cũng nói: Nếu mức phí trần đã đưa ra không còn phù hợp với giá cả thị trường thì nhà nước có thể xem xét điều chỉnh lại cho phù hợp, chứ không nên để doanh nghiệp “tự tung, tự tác”, người dân sẽ chịu thiệt.
Trên thực tế, theo khảo sát của phóng viên Giáo dục Việt Nam, các dịch vụ quản lý nhà chung cư hiện nay rất đa dạng với chất lượng và tần suất khác nhau. 
Ngoài việc thu mức phí trần do nhà nước qui định, nếu chủ đầu tư muốn thu cao hơn thì họ có thể thảo luận với cư dân, chào giá cho các dịch vụ vượt trội. Cư dân ai có nhu cầu thì mua dịch vụ phụ trội. 
Cư dân Golden Westlake ký hợp đồng mua căn hộ chấp nhận mức phí bằng đô la Mỹ và bây giờ họ vẫn đang trả phí theo đúng mức đã ký trong hợp đồng.
Còn cư dân Keangnam ký hợp đồng mua căn hộ có điều khoản mức phí quản lý do nhà nước qui định. Tuy nhiên, cư dân Keangnam cho biết: Họ chấp nhận trả mức phí cao để hưởng dịch vụ tốt, nhưng đơn vị quản lý do chủ đầu tư chỉ định hoàn toàn không có khả năng cung cấp dịch vụ tốt như cư dân mong đợi. Mâu thuẫn xuất phát từ đây chứ không phải mâu thuẫn từ mức phí quản lý cao hay thấp. Không giải quyết được vấn đề chất lượng thì cư dân quay sang không chấp nhận mức phí cao vô lý.

Phương án nào?

Hiện trạng phổ biến hiện nay là quản lý nhà chung cư trở thành dịch vụ độc quyền của các công ty đầu tư xây dựng và bán bất động sản. Người dân đã mua căn hộ không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải chấp nhận mức phí quản lý do chủ đầu tư đưa ra, phải chấp nhận chất lượng dịch vụ mà chủ đầu tư cung cấp. 
Để giải quyết mâu thuẫn trong quản lý nhà chung cư đã tồn tại suốt thời gian qua, tại hội thảo trên, Sở Xây dựng Hà Nội đã đề xuất 3 phương án xây dựng và ban hành giá dịch vụ. Theo đó, phương án 1, công bố khung giá dịch vụ chung cư kèm thông tin tham khảo. Phương án 2, không quy định giá dịch vụ nhà chung cư. Phương án 3, điều chỉnh giá theo giá tại thời điểm hiện tại.
Theo ghi nhận của phóng viên Giaoduc.net.vn, phương án 1 và 3 được liên minh các chung cư rất ủng hộ. 
Cư dân chấp nhận khung giá trần trong quyết định 4520 có thể được điều chỉnh hàng năm cho phù hợp với giá cả thị trường. Tuy nhiên với điều kiện công ty quản lý nhà chung cư cần phải minh bạch thu chi và có kết quả kiểm toán hàng năm.
Còn phương án 2 thì cư dân phản đối. “Nói như ông Đỗ Văn Khởi - Cục phó Cục Quản lý nhà (Bộ Xây dựng) thì dịch vụ nhà chung cư là loại hình đặc biệt nên nhà nước phải có trách nhiệm ban hành và quản lý giá. Nếu không có mức giá trần và qui định dịch vụ cơ bản thì chủ đầu tư tha hồ áp đặt mức phí, dẫn đến mâu thuẫn triền miên gây bất ổn trật tự xã hội, chẳng ai dám mua nhà chung cư nữa” – Bà Bùi Bảo Quyên – Chủ căn hộ A610, Tổ phó tổ dân phố Keangnam đưa ra quan điểm.
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Hà Nhi