Nếu không quyết liệt, doanh nghiệp còn khổ vì "giấy phép con"

24/07/2017 07:05
Mai Anh
(GDVN) - Theo các chuyên gia kinh tế thì "giấy phép con" dẫn đến nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra gây phiền hà cho doanh nghiệp.

Giấy phép con “sinh” ra từ thông tư của bộ

Trong năm 2014, Việt Nam có hơn 400 ngành nghề kinh doanh có điều kiện với gần 7.000 điều kiện kinh doanh. 

Đến nay, con số này giảm xuống còn 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhưng vẫn còn tới 5.719, trong đó có không ít "giấy phép con" gây khó khăn cho hoạt động của doanh  nghiệp.

Chủ trương chung của Chính phủ là xóa bỏ "giấy phép con" để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động, nhưng trên thực tế, cắt cái này thì cái khác lại mọc lên.

Các bộ, ngành chưa thực sự muốn tự mình tước đi quyền quản lý đối với cộng đồng doanh nghiệp.

Đến nay vẫn còn 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện với 5.719 điều kiện kinh doanh, trong đó có không ít giấy phép con - ảnh nguồn VTC news.
Đến nay vẫn còn 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện với 5.719 điều kiện kinh doanh, trong đó có không ít giấy phép con - ảnh nguồn VTC news.

Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, các bộ ngành hiện nay đang quy định 3.407 điều kiện kinh doanh trong tất cả các lĩnh vực.

Số điều kiện kinh doanh trong ngành Công Thương là nhiều nhất (khoảng 700), tiếp đến là tài chính (490), giao thông vận tải (376), y tế (327) và nông nghiệp phát triển nông thôn (270). 

Nhiều điều kiện kinh doanh được coi là hợp lý, cần thiết, còn có những cái được coi là giấy phép con đang gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Nhìn vào thực tế quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện và con số điều kiện kinh doanh được bộ, ngành quy định, Thạc sĩ Nguyễn Văn Chiến - Nghiên cứu sinh ngành Kinh tế học tại Colombo University (Sri Lanka) cho rằng, kèm theo văn bản luật ban hành là nghị định, thông tư hướng dẫn.

Thông thường mỗi thông tư hướng dẫn lại kèm theo quy định đây chính là nguyên nhân dẫn giấy phép con.

Thạc sĩ Chiến phân tích, ảnh hưởng của các loại giấy phép con tới quá trình gia nhập hoạt động của các doanh nghiệp là rất lớn. Vì để tham gia hoạt động được trên thị trường đối với một số ngành nghề thì doanh nghiệp bắt buộc phải được cấp phép. 

Doanh nghiệp đã hoạt động và được cấp phép nhưng nếu hoạt động không đúng lĩnh vực, hoặc điều kiện giấy phép thay đổi thì buộc phải xin cấp phép lại. Nếu doanh nghiệp không đáp ứng đủ theo quy định mới của pháp luật thì cũng sẽ bị tạm ngừng, thu hồi giấy phép.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Chiến cho rằng, ảnh hưởng của các loại giấy phép con tới quá trình gia nhập hoạt động của các doanh nghiệp là rất lớn - ảnh: H.Lực
Thạc sĩ Nguyễn Văn Chiến cho rằng, ảnh hưởng của các loại giấy phép con tới quá trình gia nhập hoạt động của các doanh nghiệp là rất lớn - ảnh: H.Lực

“Ở một khía cạnh nào đó thì việc cấp giấy phép con là điều kiện để nhà nước quản lý các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp được tốt hơn, đặc biệt là một số hoạt động ngành nghề kinh doanh nhạy cảm có sự ảnh hưởng lớn đến xã hội.

Nhưng cái bất cập là điều kiện và quy trình cấp phép cụ thể lại khá phức tạp khiến cho doanh nghiệp khó khăn hơn khi tham gia hoạt động kinh doanh, từ đó bị mất đi thời cơ và có thể dẫn tới những thiệt hại lớn", ông Chiến cảnh báo.

Theo Thạc sĩ Chiến, điều kiện kinh doanh được xem là điển hình trong một số ngành kinh doanh tại Việt Nam hiện nay chính là cơ sở vật chất.

Ví dụ như Thông tư 46/2012 quy định về dịch vụ đào tạo lái xe, do Bộ Giao thông vận tải ban hành thì doanh nghiệp muốn mở trung tâm sát hạch lái xe đường bộ phải có đủ “hệ thống phòng học chuyên môn, phòng nghiệp vụ, đội ngũ giáo viên, xe tập lái, sân tập lái, tuyến đường tập lái…”.

Quy định về phòng ốc đặt ra với trung tâm sát hạch lái xe là không cần thiết, tạo gánh nặng khi doanh nghiệp.

Mặt khác, chất lượng của học viên lái xe vẫn được bảo đảm nhờ công tác sát hạch nghiêm túc, kỷ luật, không phải nằm ở chuyện phòng học thế nào, có bao nhiêu phòng. Bản thân các cơ sở đào tạo phải tự cân nhắc các hoạt động của mình.

Nếu không quyết liệt, doanh nghiệp còn khổ vì "giấy phép con" ảnh 3

Chặn "giấy phép con": Chỉ Chính phủ quyết liệt thôi thì chưa đủ

Một ví dụ khác, trước thời điểm Chính phủ ban hành Nghị định 42 (tháng 4/ 2017) thì Nghị định 59/2015 về quản lý dự án đầu tư xây dựng gây khó khăn cho doanh nghiệp xây dựng.

Cụ thể, trước đây theo Nghị định 59 doanh nghiệp sẽ gặp khó về việc xin thẩm định, phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng vì phân loại chưa rõ ràng. 

Sau khi Nghị định 42 ra đời và phân loại rõ dựa theo dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước; dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách; dự án sử dụng vốn khác doanh nghiệp với dễ dàng hơn.

Tác động lớn đến doanh nghiệp mới thành lập

Ngoài tác động đến hoạt động của doanh nghiệp, Thạc sĩ Chiến nhận định, điều kiện kinh doanh đang là một trong những nguyên nhân dẫn đến doanh nghiệp mới thành lập.

“Doanh nghiệp mới thành lập ngoài khó khăn về tiếp cận vốn, khó cạnh tranh còn gặp phải hàng loạt quy định về điều kiện kinh doanh. Để tránh đi lại nhiều lần doanh nghiệp buộc phải chi thêm tiền thuê đơn vị tư vấn  hoặc phí 'bôi trơn', mà cả hai yếu tố này thì đều khiến chi phí tăng, doanh nghiệp càng gặp khó khăn hơn”, Thạc sĩ Chiến cho biết.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 6 tháng đầu năm 2017,  tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động của cả nước là 76.655 doanh nghiệp, trong đó có 61.276  doanh nghiệp thành lập mới và 15.379 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. 

Tuy nhiên, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể 6 tháng qua cũng chiếm tới 5.443 doanh nghiệp; số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 14.377 doanh nghiệp; số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể 23.530 doanh nghiệp. 

Nếu không quyết liệt, doanh nghiệp còn khổ vì "giấy phép con" ảnh 4

Giáo sư Nguyễn Mại: Giấy phép con chặn chỗ này, mọc chỗ khác

Số doanh nghiệp ngừng hoạt động một phần đến từ điều kiện đầu tư, kinh doanh quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành còn quá nhiều.

Đồng quan điểm trên, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Bùi Trinh – Chuyên gia nghiên cứu kinh tế còn cho rằng: “Giấy phép con chính là nguyên nhân dẫn đến có doanh nghiệp một năm phải tiếp đến hơn 10 đoàn thanh tra, gây mất thời gian, ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh”.

Theo khảo sát của VCCI cho thấy, ở nhiều địa phương, doanh nghiệp phải tiếp 6-7 đoàn từ thanh tra, rồi tới kiểm toán; cá biệt có doanh nghiệp 1 năm tiếp 10 đoàn thanh, kiểm tra.

Hầu hết vấn đề thanh tra, kiểm tra đều liên quan đến thực hiện điều kiện kinh doanh như an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường, điều kiện cơ sở vật chất…

Theo Tiến sĩ Bùi Trinh, việc quy định nhiều điều kiện kinh doanh tạo cớ để cơ quan quản lý nhà nước từ thuế, an toàn thực phẩm, quản lý thị trường, đo lường… đi kiểm tra, thanh tra.

“Vấn đề không chỉ dừng lại ở việc làm mất thời gian của doanh nghiệp mà còn dẫn đến nguy cơ tham nhũng khi cán bộ cơ quan quản lý nhà nước nhũng nhiễu buộc doanh nghiệp phải bôi trơn. Cuối cùng làm tăng chi phí, ảnh hưởng đến doanh nghiệp”, ông Trinh cho biết.

Theo Tiến sĩ Bùi Trinh, dù Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu một năm không được thanh tra quá 1 lần với 1 doanh nghiệp, nhưng thực tế muốn giảm đợt thanh tra, kiểm tra phải giảm giấy phép con, giảm điều kiện kinh doanh; từ đó giảm bớt những lý do của việc thanh, kiểm tra.

Mai Anh