Nghi án: Chiếm dụng vốn CT3 Trung Văn, không tìm được chủ đầu tư?

07/08/2012 06:02
Bình An
(GDVN) - Sau nhiều lần liên hệ không được, nhiều khách hàng mua nhà tại chung cư CT3 Trung Văn nghi ngờ ông Phạm Như Quỳnh, Giám đốc Công ty Hạ Long đã bỏ trốn?

Hai tháng nay, khách hàng mua nhà tại CT3 B Trung Văn, Từ Liêm, Hà Nội như ngồi trên đống lửa vì Công ty Hạ Long - đơn vị phân phối chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với chủ đầu tư khiến họ có nguy cơ không được bàn giao nhà dù đã đóng đến 90% giá trị căn hộ.

Sau nhiều lần liên hệ không được, nhiều khách hàng mua nhà tại chung cư CT3 Trung Văn nghi ngờ ông Phạm Như Quỳnh, Giám đốc Công ty Hạ Long đã bỏ trốn.

Những cuộc gặp bất thành
Trong thời gian phát hiện Công ty Hạ Long chiếm dụng 20% vốn mua nhà, không thanh toán cho chủ đầu tư CT3 Trung Văn khiến khách hàng có nguy cơ mất nhà, nhiều người đã tìm đến Công ty Hạ Long nhưng không bao giờ gặp được giám đốc Phạm Như Quỳnh mà chỉ được nhân viên công ty này thông báo: “Sếp đi vắng, sếp em đi công tác, chúng em sẽ báo cáo lại với sếp”.
Hợp đồng mua bán giữa khách hàng với Công ty Hạ Long
Hợp đồng mua bán giữa khách hàng với Công ty Hạ Long
Theo phản ánh của các khách hàng, việc tìm gặp ông Quỳnh còn khó hơn gặp ông trời. Khi khách hàng phản ánh mạnh, họ chỉ nhận được thông báo bàn giao nhà của Công ty Hancic gửi cho khách hàng chung chung chứ không đề cập gì đến chuyện chưa hoàn thành nghĩa vụ và có khả năng không được bàn giao nhà. Công ty Hạ Long lấy thông báo của Hancic để trấn an khách hàng rằng “họ vẫn được giao nhà khi chủ đầu tư bàn giao cho khách”.
Anh Nguyễn Hữu Đức cho biết: Nhiều lần anh và đại diện các khách hàng tìm gặp ông Phạm Như Quỳnh nhưng đều chỉ gặp được những nhân viên của Công ty Hạ Long. Gọi trực tiếp cho ông Quỳnh nhưng điện thoại của ông luôn trong tình trạng không liên lạc được. Đại diện khách hàng cũng nhiều lần gửi công văn sang Công ty Hạ Long nhưng không nhận được hồi âm từ vị giám đốc này. Hợp đồng mua bán giữa các khách hàng với Công ty Hạ Long đều do giám đốc Phạm Như Quỳnh ký nên khi sự việc xảy ra chỉ ông Quỳnh mới có thể đứng ra trả lời thỏa đáng các vấn đề với khách hàng. Bà Nguyễn Thùy Dương (Phó Tổng giám đốc Hancic) cũng cho rằng, khách hàng mua nhà qua kênh phân phối Công ty Hạ Long cần gặp giám đốc của công ty để đối chất càng sớm càng tốt. Bà Dương cũng định liệu khả năng bỏ trốn của vị giám đốc này là rất lớn. Theo phân tích của các luật sư, căn cứ vào hợp đồng Công ty Hạ Long đang có dấu hiệu lừa đảo, chiếm dụng vốn của khách hàng và khi sự việc bung bét khả năng công ty phá sản hay giám đốc công ty bỏ trốn đều có thể xảy ra.“Thà từ chối bảy lượt chứ không được sai hứa một lần”? Biểu ngữ này là câu nói cửa miệng của vị giám đốc Công ty Hạ Long Phạm Như Quỳnh mỗi khi gặp khách hàng hay tiếp xúc với báo giới. Tuy nhiên gần đây liên hệ công việc với ông Quỳnh là điều hết sức khó khăn khi tất cả các số điện thoại của ông Quỳnh đều báo không liên lạc được hoặc trong tình trạng “kênh máy”. Từng chia sẻ như sau: “Một đồng tiền đối với mình có thể là không lớn lao nhưng đối với những hộ nghèo là cả một niềm vui lớn nên đối với anh chia sẻ là một niềm vui, tâm thiện, hành thiện là một điều tâm niệm trong mỗi bước đường lập nghiệp”, thế nhưng với chính những bức xúc của khách hàng mình, ông Quỳnh lại "bặt vô âm tín"?
Giám đốc Công ty Hạ Long Phạm Như Quỳnh. Ảnh Công ty Hạ Long
Giám đốc Công ty Hạ Long Phạm Như Quỳnh. Ảnh Công ty Hạ Long
Điều 5 trong hợp đồng mua bán nhà giữa Công ty Hạ Long và chủ đầu tư Hancic cũng quy định cụ thể trách nhiệm của bên B như sau: “Không được bán, chuyển nhượng căn hộ trong thời gian chưa hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng”. Tuy nhiên, trong thời gian còn chưa thanh toán hợp đồng với chủ đầu tư thì bên Công ty Hạ Long vẫn mua bán, chuyển nhượng hợp đồng cho các khách hàng.

Tuy nhiên, theo các khách hàng, chủ đầu tư là Công ty Hancic cũng không nên làm ngơ. Mặc dù theo hợp đồng mua bán thì Hancic không có trách nhiệm nhưng trong việc này “khi khách hàng mua nhà tại CT3 B Trung Văn đang không biết đòi công lý từ ai thì Hancic cũng nên đứng về phía khách hàng để “đấu tranh” với Công ty Hạ Long”.

Bình An