Nguyên PCT Hội BVNTD: Giá điện tăng ảnh hưởng lớn đến gia đình tôi

04/07/2012 10:02
Hà Nhi
(GDVN) - Nguyên Phó Chủ tịch, Tổng thư ký của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam, ông Đỗ Gia Phan cho biết: tăng giá điện lần này cũng ảnh hưởng lớn tới gia đình ông, việc tắt điện tiết kiệm diễn ra thường xuyên và các nhu cầu tối thiểu cũng bị cắt giảm.
Theo Thông tư số 17/2012/TT-BCT của Bộ Công thương quy định về giá bán điện và hướng dẫn thực hiện, kể từ ngày 1/7/2012, giá bán điện bình quân là 1.369 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tăng 65 đồng/kWh (5%) so với giá bán điện bình quân đang áp dụng (1.304 đồng/kWh).

Tính cả đợt điều chỉnh lần này, từ 2009 đến nay giá điện đã tăng 5 lần. Các chuyên gia kinh tế đã đồng quan điểm khi cho rằng, không nên để Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng như những ngành nghề độc quyền, mang tính xã hội có quyền quyết định tăng giá. Chỉ cần 10 lần tăng 5% thì mức tăng sẽ là 50% và như vậy giá điện có còn hợp lý không?

Ông Đỗ Gia Phan.
Ông Đỗ Gia Phan.
Trao đổi với báo điện tử Giáo Dục Việt Nam, ông Đỗ Gia Phan, Nguyên Phó Chủ tịch, Tổng thư ký của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam cũng cho biết: Theo thông tư đã ban hành, EVN có quyền tăng giá điện dưới 5% mà không cần báo với Chính phủ, “làm như thế thì cứ thỉnh thoảng EVN lại điều chỉnh lặt vặt thêm 5%/lần… Điện lực sẽ vì lợi ích của họ mà làm hại lợi ích của người tiêu dùng”.

Theo ông Phan: “Việc đưa ra nguyên tắc tăng dưới 5% cho phép được điều chỉnh, tôi cho một sơ hở cần điều chỉnh lại”. Ông Đỗ Gia Phan cho rằng: “Hiện nay, việc phân phối điện vẫn độc quyền, chưa có cơ chế cạnh tranh nên việc quản lý của Nhà nước là hết sức cần thiết”.

Việc tăng giá điện tuy không lớn nhưng đã ảnh hưởng nặng nề tới sản xuất của nhiều doanh nghiệp và đè lên gánh nặng tài chính vốn đã kiệt quệ của người dân.

Nhiều doanh nghiệp chia sẻ: họ đang oằn mình trong khó khăn khi giá điện tăng mà không thể tăng giá sản phẩm vì sức mua trên thị trường đang giảm mạnh. Ông Văn Đức Mười - TGĐ Vissan cho biết: Với mức tăng 5%, Vissan mỗi tháng phải trả thêm 50 triệu đồng tiền điện. Theo ông Mười, tăng giá điện thời điểm này là mạo hiểm, tạo hiệu ứng tâm lý không tốt cho DN khi các DN đang phải chống đỡ với nợ xấu, hàng tồn kho… Hơn nữa, “lý do tăng giá điện mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đưa ra là để bù lại thất thoát tiền điện cũ là chưa thuyết phục”. 

Ông Nguyễn Văn Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam khi chia sẻ với báo điện tử Giáo Dục Việt Nam cũng than thở: Việc tăng giá điện là một cú sốc đối với doanh nghiệp xi măng. Trước đó, ngành xi măng đã điêu đứng vì giá than tăng, giờ lại thêm gánh nặng về giá điện, “tôi e là kinh doanh rất khó khăn”.

Theo quan điểm của nguyên Phó Chủ tịch, Tổng thư ký của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam, thời điểm này chưa phải là thời điểm thích hợp để tăng giá điện.

Giá điện tăng khiến người tiêu dùng lẫn các doanh nghiệp đều điêu đứng.
Giá điện tăng khiến người tiêu dùng lẫn các doanh nghiệp đều điêu đứng.



“Hiện tại, Nhà nước ta đang cố gắng sử dụng mọi biện pháp với mong muốn kích cầu tiêu dùng lên, trong khi đó, việc tăng giá của điện lại làm ngược lại với mong muốn kích cầu đó khiến người tiêu dùng dè dặt hơn khi mua sắm” – ông Phan nói.

Ông Phan cho rằng: Không những các sản phẩm thiết yếu có liên quan trực tiếp tới điện có thể tăng giá mà còn nhiều các mặt hàng khác “tát nước theo mưa” khiến sức mua sẽ giảm, ảnh hưởng tới nền kinh tế. Và người thiệt nhất vẫn là người tiêu dùng.

‘Tất nhiên việc tăng giá điện cũng ảnh hưởng tới cả gia đình tôi”, ông Phan cho biết. Ngoài việc thường xuyên tắt điện thì các nhu cầu tất yếu trong cuộc sống gia đình cũng dần được cắt, giảm bớt để hạn chế lượng tiêu thụ điện – ông Phan chia sẻ.

Hà Nhi