Nhập siêu từ Trung Quốc tăng 110 lần sau 12 năm

22/06/2014 08:17
Quân Phạm
(GDVN) - Riêng từ năm 2010 đến nay, nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm khoảng 1/4 tổng kim ngạch nhập khẩu hàng năm. Con số đó có thể tăng lên 25 tỉ USD trong năm 2014.

Con số nhập siêu tăng lến chóng mặt

Theo Tổng cục Thống kê năm 2013, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 13,1 tỉ USD trong khi nhập khẩu từ quốc gia này lên tới 36,8 tỉ USD, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm 2012 (tương đương 7,8 tỉ USD). Trung Quốc trở thành thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam với mức 23,7 tỉ USD.

Trung Quốc là thị trường lớn và quan trọng của Việt Nam. Tuy nhiên, việc chỉ số nhập siêu (giá trị nhập khẩu cao hơn xuất khẩu trong một thời gian nhất định) từ Trung Quốc quá cao, trong một thời gian dài, đã tác động xấu tới tình hình sản xuất trong nước, tạo sự lệ thuộc và thiếu chủ động nguồn nguyên liệu của các doanh nghiệp trong nước.

Từ đó, vấn đề giảm dần nhập siêu, từng bước cân bằng cán cân thương mại, kiểm soát và nâng cao chất lượng của hoạt động xuất-nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc đang là vấn đề cấp thiết đặt ra với Việt Nam trong quan hệ thương mại giữa hai nước.

Táo bán trên đường có xuất xứ Trung Quốc. Ảnh minh họa.
Táo bán trên đường có xuất xứ Trung Quốc. Ảnh minh họa.

Nếu năm 2001, nhập siêu từ Trung Quốc chiếm 15,88% trong tổng nhập siêu của Việt Nam (188,8 triệu USD), thì các năm tiếp theo, nhất là từ sau khi Việt Nam cùng ASEAN ký FTA với Trung Quốc, tỷ lệ này tăng rất nhanh lên mức 61,93% (năm 2005), 98,88% (năm 2010)... 

Năm 2012, lần đầu tiên sau 19 năm, tính chung cả nước, Việt Nam xuất siêu đạt 284 triệu USD và năm 2013 xuất siêu 863 triệu USD, bằng 0,7% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu.

Tuy nhiên, nhập siêu từ Trung Quốc lên tới 16,7 tỷ USD vào năm 2012 và 23,7 tỉ USD vào năm 2013 so với mức chỉ là 210 triệu USD vào năm 2001. Riêng năm 2013, sự bất cân bằng là rất lớn khi Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chỉ đạt 13,1 tỷ USD, tăng 2,1% (269 triệu USD), thì nhập khẩu từ Trung Quốc lại lên tới khoảng 36,8 tỷ USD, tăng 26,7% (7,8 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2012.

Như vậy, sau 12 năm, nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc tăng lên hàng trăm lần, cả về quy mô và tỷ trọng trong tổng nhập siêu cả nước và xu hướng vẫn liên tục tăng, bất chấp xu hướng cải thiện dần và tiến tới xuất siêu của Việt được ghi nhận trong 2 năm qua.

Việt Nam xuất siêu trên các thị truờng quốc tế khác và số đó dường như chỉ để bù cho nhập siêu từ Trung Quốc.  Dự báo năm 2014, Việt Nam sẽ xuất siêu sang thị trường Hoa Kỳ khoảng trên 22 tỷ USD, trong khi nhập siêu từ thị trường Trung Quốc cũng khó cải thiện so với năm 2013...

Nhập nhiều nhưng chất lượng tỷ lệ nghịch

Phần lớn nhóm hàng nguyên vật liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu của Việt Nam được nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong năm 2013, nhập khẩu nhóm máy móc, thiết bị, phụ tùng, dụng cụ chiếm khoảng 18% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ thị trường này; tiếp theo là nhóm nguyên phụ liệu dệt may da giày chiếm 15%; nhóm điện thoại các loại và linh kiện chiếm 15%; nhóm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện chiếm 12%; nhóm sắt thép các loại và sản phẩm chiếm 9%; còn lại là các nhóm hàng hóa khác.

Hàng Trung Quốc nhập khẩu rất đa dạng, từ "thượng vàng đến hạ cám", “phủ sóng” hầu khắp các chợ đến siêu thị, trung tâm thương mại. Một số mặt hàng gần như chiếm lĩnh thị trường như rau, củ, quả, hàng nông sản,... với khối lượng nhập khẩu hàng trăm đến hàng ngàn tấn mỗi ngày.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Hiệp hội Da giày Việt Nam cho biết năm 2013, tổng dung lượng thị trường nội địa ước chừng 130-140 triệu đôi/năm, tương đương 1,5 tỉ USD thì đã có tới 45% sản lượng tiêu thụ được nhập từ Trung Quốc chủ yếu qua con đường tiểu ngạch.

Ngoài ra, thị trường Việt Nam đang bị lệ thuộc khá lớn vào thị trường nhập khẩu một số nông sản tươi sống và than từ Trung Quốc. Hơn nữa, chỉ với vũ khí “giá bỏ thầu thấp”, Trung Quốc đang là “nhà vô địch” thắng thầu lớn nhất và là chủ thầu nhiều dự án nhất ở Việt Nam trong các lĩnh vực nhiệt điện, xi măng, khai khoáng…

Rất nhiều sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc là hàng giả, hàng kém chất lượng, thậm chí là hàng độc hại như đồ chơi chứa chất độc, sữa nhiễm khuẩn... khiến người tiêu dùng lo sợ.

Tuy nhiên, người bán hàng vẫn luôn ưu ái hàng Trung Quốc hơn vì hai tiêu chí mẫu mã và giá cả. Có nơi còn gắn mác hàng nội để đánh lừa người tiêu dùng như bắp cải, khoai tây, khoai lang, cam quýt Đà Lạt, Tiền Giang...

Việc nhập siêu quá nhiều từ một nước không chỉ dẫn đến nguy cơ bị phụ thuộc nguyên liệu, mà vô hình trung còn trở thành cầu nối xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh của Trung Quốc vào các thị trường khác.

Một nguy cơ khác là nếu không sớm hạn chế việc phụ thuộc quá nhiều vào nguyên phụ liệu từ Trung Quốc cho các ngành như dệt may, da giày, doanh nghiệp Việt Nam sẽ không tận dụng được lợi thế từ các cam kết hội nhập kinh tế trong thời gian tới.

Các chuyên gia kinh tế đang lo ngại, nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc sẽ trên 25 tỉ USD trong năm 2014 này.

Bởi vậy, giảm nhập siêu và giảm sự lệ thuộc một chiều vào thị trường một nước trở thành lựa chọn bắt buộc của Việt Nam trong thời gian tới.

Hạn chế nhập siêu “khủng” từ Trung Quốc bằng cách nào?

Để hạn chế nhập siêu từ Trung Quốc, nhiều chuyên gia cho rằng chúng ta cần xây dựng một nền sản xuất chủ động và có năng lực chính, từ đó, cần thiết kế một chiến lược tổng thể và lâu dài.

Thời điểm này có thể đã muộn, nhưng nếu có quyết tâm vẫn có thể xoay chuyển được tình thế. Điều quan trọng nhất là cần một tư duy mới trong huy động nguồn lực để phát triển công nghiệp và xuất khẩu.

Trước mắt cần đa dạng hóa danh mục hàng xuất khẩu, nên tính đến việc xây dựng và phát triển những sản phẩm mới sao cho phù hợp với thực lực quốc gia. Trước những giải pháp nhằm duy trì và phát triển thị trường xuất khẩu, Việt Nam cần rà soát những hạn chế tiêu cực có thể gây ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam cũng như xáo trộn thị trường trong nước.

Theo thống kê mới đây của Viện Nghiên cứu cơ khí (Bộ Công Thương), Việt Nam hiện có 20 dự án nhiệt điện thì có 15 công trình do phía Trung Quốc làm tổng thầu. Trước đó, số liệu của Ủy ban Tài chính và Ngân sách Quốc hội công bố, cũng cho thấy tính đến năm 2010, có đến 90% dự án tổng thầu EPC của Việt Nam do nhà thầu Trung Quốc đảm nhiệm, trong đó chủ yếu là dầu khí, hóa chất, điện, dệt kim.

Với tình hình đó, hàng năm chúng ta phải chi ra hàng chục tỷ USD để nhập khẩu máy móc, thiết bị phục vụ các dự án do doanh nghiệp Trung Quốc làm tổng thầu, cũng là điều dễ hiểu. Một số chuyên gia cho rằng để hạn chế nhập siêu, chúng ta phải bớt vay vốn của Trung Quốc và phải tỉnh táo trong thu hút đầu tư, mua sắm máy móc của Trung Quốc.

Trong một hội thảo đầu năm, TS. Phạm Chi Lan cho rằng việc hàng hóa Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường Việt một phần là do các doanh nghiệp trong nước quá thụ động. Các doanh nghiệp Việt đã bị ám ảnh quá nên lúc nào cũng tìm cách để cạnh tranh với Trung Quốc thay vì học tập từ họ.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Chi Lan, muốn cạnh tranh với Trung Quốc ngay trên thị trường Việt Nam không phải đi soi xem họ xấu gì, tránh gì mà phải tìm các ngách thị trường để đánh trúng thị hiếu và đối tượng khách hàng.

TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương thì cho rằng, chúng ta phải bớt vay vốn của Trung Quốc và phải tỉnh táo trong thu hút đầu tư, mua sắm máy móc của Trung Quốc. Chúng ta không thể không hợp tác trong kinh tế với Trung Quốc, nhưng phải tỉnh táo để có một mối quan hệ cân bằng.

Một số chuyên gia kinh tế khác thì cho rằng, muốn hạn chế được nhập siêu từ Trung Quốc, nhất định Việt Nam phải tự túc được nguyên liệu thì mới giải quyết được vấn đề. 

Quân Phạm