Những đại gia chung cư hợp lực đối phó chủ đầu tư "cứng đầu"

20/09/2011 10:24
Trần Nguyên - Tiểu Phương
(GDVN) - Ít ai biết rằng, nhiều mâu thuẫn vẫn đang tồn tại âm ỉ tại các khu chung cư cao cấp, vì thế cuộc tranh đấu của cư dân tại đây vẫn âm thầm tiếp diễn...

Mới đây, ban đại diện cư dân của một số chung cư cao cấp như The Manor, Golden Westlake, Keangnam, Sky City, 93 Lò Đúc đã có buổi họp bàn ký vào một đơn thư gửi UBND TP.Hà Nội, kiến nghị cơ quan lãnh đạo của TP khẩn thiết ban hành quy định về mức giá trần đối với phí quản lý nhà chung cư.

Đừng cho rằng cư dân sống ở chung cư cao cấp là những... “con bò sữa”

“Hiện nay cư dân sinh sống ở các chung cư cao cấp đang bị chủ đầu tư tòa nhà chỉ định các công ty dịch vụ cung cấp dịch vụ quản lý tòa nhà với các mức phí rất cao và tùy tiện. Ngay tại chung cư 93 Lò Đúc, vừa qua chủ đầu tư là Công ty TNHH Khách sạn Kinh Đô đã tự ý thông báo tăng gấp đôi phí quản lý chung cư nhưng không dựa trên bất kỳ căn cứ pháp lý nào, không tham khảo ý kiến của Ban quản trị do dân bầu, không tổ chức lấy ý kiến của cư dân”, bà Phan Minh Thúy - đại diện chung cư Kinh Đô 93 Lò Đúc cho biết.
Bà Trương Thúy Mai - thành viên ban đại diện lâm thời cư dân Keangnam - cho rằng việc thành lập tổ dân phố chính thức là một vấn đề quan trọng để nhằm đối phó với những việc "cứng đầu" của chủ đầu tư
Bà Trương Thúy Mai - thành viên ban đại diện lâm thời cư dân Keangnam - cho rằng việc thành lập tổ dân phố chính thức là một vấn đề quan trọng để nhằm đối phó với những việc "cứng đầu" của chủ đầu tư
Cũng theo bà Phan Minh Thúy: “Với suy nghĩ lệch lạc nhầm tưởng những cư dân sống tại các chung cư cao cấp đều là những người giàu sang, thừa tiền nên nhiều nhà đầu tư nghĩ muốn thu bao nhiêu tiền dịch vụ, tiền phí gửi xe cũng được".
Trong khi đó, bà Trương Thúy Mai - thành viên ban đại diện lâm thời cư dân Keangnam đề xuất: Để đối phó với chủ đầu tư thì cần phải thành lập một tổ dân phố chính thức. Tổ dân phố là chính quyền cơ sở thấp nhất được pháp luật công nhận, mặc dù có ban đại diện lâm thời nhưng chỉ giải quyết những vấn đề đơn giản nhất.


Dù quy chế đặt ra rất nhiều nhưng không thế thực hiện theo pháp luật được. Nên người dân đang rất mong muốn và tha thiết thành lập tổ dân phố chính thức, đại diện cư dân Keangnam nêu ý kiến.

Mâu thuẫn biến đối tác thành... đối thủ

Việc sở hữu chung, sở hữu riêng là vấn đề quan trọng và được bàn tán nhiều nhất trong cuộc họp.
Theo anh Tô Hồng Sơn - đại diện cho cư dân chung cư Golden Westlake: nổi cộm nhất hiện nay mà các chung cư cao cấp đang còn vướng mắc và đang có nhiều tranh cãi là vấn đề sở hữu chung, riêng giữa chủ đầu tư và cư dân cũng như phí dịch vụ.

Chẳng hạn như ở Golden Westlake, sảnh tòa nhà không được chủ đầu tư công nhận của chung mà coi đó là riêng của chủ đầu tư. Khi xảy ra tranh chấp với cư dân, chủ đầu tư đã đặt một bảng quy định chung nhưng toàn tiếng Trung Quốc nên người dân ở đây cứ nghĩ là cột mốc "phân ranh giới".
Cuộc họp bàn diễn ra chiều ngày 18/9 giữa các bên đại diện cho các chung cư cao cấp trên địa bàn Hà Nội
Cuộc họp bàn diễn ra chiều ngày 18/9 giữa các bên đại diện cho các chung cư cao cấp trên địa bàn Hà Nội
Theo anh Sơn: "Ngay từ ban đầu, khi phê duyệt các dự án chung cư, phải có quy định rạch ròi, đâu là sở hữu riêng của chủ đầu tư, đâu là sở hữu chung của cư dân. Chính vì không có quy định cụ thể nên chủ đầu tư mặc nhiên coi sảnh lễ tân, tầng hầm để xe là sở hữu riêng gây khó khăn cho sinh hoạt của cư dân”.

"Nếu không xác định được đâu là của chung đâu là của riêng, mà cứ lập lờ thì việc xảy ra các ý kiến trái chiều và tranh cãi giữa chủ đầu tư với cư dân. Hơn nữa, nếu sảnh tòa nhà hay nhà xe mà thuộc chủ đầu tư thì họ thích bán khi nào là việc của họ, người dân chẳng có quyền lợi gì", anh Sơn chia sẻ.

Còn theo Bà Nguyễn Nhung Hạnh - tổ trưởng Tổ dân phố số 3 The Manor cho biết: Qua 4 năm kể từ khi khu chung cư cao cấp này đi vào hoạt động, nhìn bề ngoài có vẻ êm êm nhưng những mâu thuẫn chính giữa cư dân The Manor với chủ đầu tư BITEXCO vẫn âm ỉ.

Trong khi cư dân xem tầng hầm của The Manor thuộc sở hữu chung thì chủ đầu tư lại khăng khăng thuộc sở hữu riêng của chủ đầu tư nhưng không đưa ra được chứng cứ cụ thể chứng minh. Người dân đã về sống ở The Manor được 4 năm nhưng chủ đầu tư cố tình không đứng ra tổ chức họp và thành lập ban quản trị nhà chung cư theo quy định của pháp luật.

Bà Hạnh nhấn mạnh, chính vì những vấn đề rắc rối này chưa được giải quyết nên phí dịch vụ quản lý của The Manor vẫn do chủ đầu tư quyết định.
Vấn đề được bàn đến nhiều nhất trong buổi họp là mức giá trần, phí quản lý.
Vấn đề được bàn đến nhiều nhất trong buổi họp là mức giá trần, phí quản lý.

Và cứ thế, mâu thuẫn mới lại tiếp nối những mâu thuẫn cũ. Nếu việc này cứ tiếp tục diễn ra thì hành trình tranh đấu đòi lại quyền lợi về phí dịch vụ của người dân ở các khu chung cư cao cấp vẫn còn dài.

Sau khi thống nhất, đại diện cư dân của các khu chung cư: The Manor, Keangnam, Sky City 88 Láng Hạ, Golden West Lake, 93 Lò Đúc đã gửi một bản kiến nghị đề nghị UBND TP.Hà Nội xem xét và sớm ban hành quy định về mức giá trần đối với phí quản lý, đầy là cơ sở để các chung cư đàm phán, thương lượng với chủ đầu tư – công ty quản lý về mức phí, để quản lý phù hợp và được toàn thể cư dân chấp thuận.

Trần Nguyên - Tiểu Phương