Những phát ngôn khiến Diễn đàn Kinh tế Mùa thu 2013 "nổi sóng"

28/09/2013 13:07
Hồng Minh (Tổng hợp)
(GDVN) - Rất nhiều những phát biểu thẳng thắn chỉ ra những yếu kém tồn tại của tình hình kinh tế Việt Nam được các chuyên gia, chính khách đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế Mùa thu 2013 khiến diễn đàn "nóng" hơn bao giờ hết trong những ngày qua. Mời độc giả cùng Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam điểm lại những phát biểu gây chú ý này.
Diễn đàn Kinh tế Mùa thu 2013 với chủ đề “Kinh tế Việt Nam 2013, triển vọng 2014: Nỗ lực thực hiện ba đột phá chiến lược” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức vừa qua (26/9) tại TP.Huế thu hút đông đảo sự quan tậm của dư luận bởi những góc nhìn đa chiều thẳng thắn của các chuyên gia, các nhà khoa học, quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp và cán bộ quản lý về nền kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, không ít các ý kiến cho rằng, những góc nhìn đưa ra từ diễn đàn này phần nhiều "soi" vào những góc tối nền kinh tế, phê phán chỉ trích nhưng chưa đưa ra những giải pháp cần thiết cụ thể mà vẫn ở mức chung chung. Như TS Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phát biểu: “Có quá nhiều diễn đàn, hội thảo như thế này và cũng có rất nhiều người nói rất hay về tồn tại, yếu kém của nền kinh tế đất nước nhưng hầu như không chỉ ra địa chỉ cụ thể và cùng với nó là giải pháp”.

Toàn cảnh Diễn đàn Kkinh tế mùa thu 2013.
Toàn cảnh Diễn đàn Kkinh tế mùa thu 2013.

Mở màn Diễn đàn Kinh tế Mùa thu 2013, PGS.TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã gây chú ý khi trong bài phát biểu của mình, ông nhận định: Tình thế kinh tế Việt Nam bị “nghẽn mạch tăng trưởng” nặng nề. Từ năm 2005-2007, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam cao vượt trội nhưng từ năm 2008, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam giảm dần trong khi các nước trong khu vực vượt lên.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, năm 2013 dù đã có một điểm khác biệt căn bản, xu hướng ổn định tái lập với mức độ tin cậy cao hơn nhưng đó là xu hướng tái lập ổn định vĩ mô trên một nền tảng rất yếu- nghĩa là mức độ rủi ro vẫn rất lớn. Bên cạnh đó, tái cơ cấu kinh tế vẫn chưa có hành động chiến lược, đầu tư chưa đụng đến cốt lõi cơ chế vận hành ngân sách (ngân sách “mềm”, phân cấp...). Đối với hệ thống ngân hàng vẫn còn tình trạng nợ xấu và sở hữu chéo. Các tập đoàn kinh tế nhà nước đề án trên giấy, không thể đồng khởi, vẫn y nguyên yếu kém. Bộ máy biên chế thừa và hệ thống lương thiếu-đói...

Trong khi đó, Đại biểu Quốc hội - Tiến sĩ kinh tế Trần Du Lịch thẳng thắn cho rằng, kinh tế Việt Nam vẫn yếu ớt và vẫn ở trong tình trạng tăng trưởng dưới tiềm năng. TS Trần Du Lịch khẳng định: Nếu bây giờ mà lơi lỏng, không kiên định ổn định kinh tế vĩ mô thì lạm phát sẽ quay trở lại, phải bằng mọi cách xây dựng củng cố niềm tin thị trường.

Tại diễn đàn, các đại biểu một lần nữa nhìn lại nền tảng kinh tế yếu kém của Việt Nam, các cơ sở tăng trưởng yếu hơn hẳn các năm trước, cụ thể tăng trưởng tín dụng 6 tháng 6,5%, về ngân sách khó khăn, thu-chi đạt thấp chưa từng thấy, đầu tư xã hội thấp chỉ chiếm 30% GDP. Trong 6 tháng đầu năm 2013 có gần 25.000 doanh nghiệp (những doanh nghiệp có “thực lực”) đóng cửa.

PGS.TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam gây chú ý bằng với phát biểu cho rằng: Tình thế kinh tế VN bị “nghẽn mạch tăng trưởng”
PGS.TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam gây chú ý bằng với phát biểu cho rằng: Tình thế kinh tế VN bị “nghẽn mạch tăng trưởng”

Tổng vốn đầu tư xã hội 6 tháng đầu năm chỉ đạt 40% kế hoạch năm. Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) 8 tháng đầu năm tăng 5,3% thấp hơn cùng kỳ 2012 (6,5%); chỉ số quản lý sức mua (PMI) liên tiếp 3 tháng gần đây dưới ngưỡng 50... Trong 9 tháng đầu năm, các DN trong nước xuất khẩu tăng 4,4%, trong khi các doanh nghiệp FDI tăng 22,4%...
Cũng phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Xuân Thành - chuyên gia của Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) khẳng định, nền kinh tế Việt Nam hiện đang trải qua giai đoạn tăng trưởng thấp nhất kể từ Đổi mới và thấp nhất gần như so với thời kỳ hậu khủng hoảng tài chính của khu vực 1997-1998. Một phần nguyên nhân liên quan đến những trục trặc của các nền kinh tế ở Liên minh Châu Âu và Bắc Mỹ. Tuy nhiên, lý do chính khiến nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm lại chính là vì 3 trong 4 cỗ máy động cơ tăng trưởng này là khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN), khu vực tư nhân trong nước, nông nghiệp và khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài. “Từ khi các tổng công ty được chuyển ào ạt thành tập đoàn kinh tế, những yếu kém cơ bản của khu vực DNNN bộc lộ ngày càng rõ, đặc biệt là dưới tác động của kinh tế bất ổn vĩ mô trong nước và khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Kết quả là sự sụp đổ của một số tập đoàn kinh tế và sự kém hiệu quả của khu vực DNNN đã được phơi bày. Những điều này đã góp phần tạo ra những trục trặc hiện nay của hệ thống ngân hàng...”- ông Thành nhấn mạnh.

Trong khi đó lý giải tình trạng kinh tế "dưới đáy" triền miên suốt 6 nằm qua, ông Lê Quốc Lý - Học viện Chính trị hành chính quốc gia cho rằng nguyên nhân do các chính sách bị thắt chặt quá mức đột ngột.

“Chính sách tiền tệ thắt chặt quá mức như thế làm doanh nghiệp chết, kinh tế suy kiệt là đương nhiên. Như thế làm gì có năng lượng mà tăng trưởng", ông nói.

Nhìn lên đoàn chủ tịch, ông Lý nói: "Thời anh Giàu (ý nói ông Nguyễn Văn Giàu, từng là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước) làm thống đốc, tổng phương tiện thanh toán tăng 43% thì đương nhiên dẫn đến lạm phát. Mức tăng này chỉ còn 6% là quá chặt”, ông nói,và cho rằng con số này lẽ ra nên tăng khoảng 15%.

Bên cạnh đó, chính sách của Ngân hàng Nhà nước về vàng đang mắc sai lầm nghiêm trọng. Ông Lý cho rằng, cắt giảm đầu tư công cũng làm cho kinh tế thêm kiệt quệ. Theo ông Lý, vẫn phải cần tăng đầu tư cho những lĩnh vực mà doanh nghiệp không làm.

“Chúng ta mang ngoại tệ ra mua vàng về để cất vào tủ. Chúng ta đấu thầu vàng có lãi, nhưng là móc túi người dân để cho vào túi… Chúng ta lại cắt hết đầu tư công đi. Đến 77,3% ngân sách nhà nước chỉ để tiêu dùng thì kinh tế lạm phát và sa sút là đương nhiên”, ông nóivà giải thích lẽ ra nguồn lực này được đưa vào sản xuất thì sẽ tạo ra tăng trưởng.

“Chúng ta kiên định ổn định kinh  tế vĩ mô nhưng không phải bằng các liệu pháp sốc. Kiên định nhưng phải có bước đi, rồi tiến hành cải cách thể chế dần dần để doanh nghiệp và nền kinh tế không chết”, ông Lý nêu ra quan điểm trên sau khi Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương Võ Trí Thành cho rằng cần phải kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, dù có đau đớn.

Cũng tại diễn đàn, các chuyên gia kinh tế cũng đồng tình với vào quan điểm của TS Trần Đình Thiên về 5 đặc điểm nổi bật mang tên “tình thế tiến thoái lưỡng nan” của nền kinh tế, đó là tâm lý kiếm tiền dễ ăn sâu, khuynh hướng đầu cơ chi phối, vốn liếng bị “chôn” trong nợ xấu do đầu cơ tài sản, muốn bơm tiền để cứu nhanh tài sản, nợ xấu nhiều và ngân hàng ít có động lực bơm tiền cho sản xuất kinh doanh. 

Ông Trần Xuân Hòa, Chủ tịch Tập đoàn Than - Khoáng sản VN nhấn mạnh: “Nghe ông Thiên nói nhiều về kinh tế rồi, có nhiều chỗ tôi không đồng tình lắm, nhưng riêng hôm nay nhất trí với cách nhìn nhận của TS Thiên”. 

“Tập đoàn tôi hiện có 140.000 lao động, nếu tái cơ cấu thì có đến 40.000-50.000 lao động dôi ra. Nếu cứ căn cứ vào con số thất nghiệp do bộ chức năng công bố là chỉ từ 2,8 - 3% thì nói thật không thể nào có được, làm được cái gì hết. Đổi mới như thế nào? Tôi xin nói có những nghị định, quyết định của Chính phủ có từ lâu rồi, nhưng các bộ, ngành không có văn bản hướng dẫn, hoặc có nhưng sai lệch. Và như vậy thì làm sao DN không khó khăn, suy kiệt được” - ông Hòa chua chát.

Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: "Không thể nói cả nền kinh tế tê liệt đất nước vẫn đang tiếp tục phát triển"
Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: "Không thể nói cả nền kinh tế tê liệt đất nước vẫn đang tiếp tục phát triển"

Trước khi Diễn đàn Kinh tế Mùa thu 2013 kết thúc, điểm lại những ý kiến nhiều chiều của Diễn đàn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: Phải nhìn cả điểm sáng chứ không thể chỉ nhìn vào điểm tối của nền kinh tế. 

"Không thể nói cả nền kinh tế tê liệt, đất nước vẫn tiếp tục phát  triển, đời sống nhân dân vẫn được quan tâm, cho dù có khó khăn có trì trệ", sau nhận định này, Phó Chủ tịch “phê” báo chí đưa tin chỉ nói mặt trái, "làm Diễn đàn u ám quá".

"Sau ba phiên thảo luận, các ý kiến khá thống nhất về khó khăn chung của nền kinh tế, nhưng nguyên nhân và giải pháp còn khác nhau… Có người bảo không, có người bảo có, rất nhiều ý kiến khác nhau, nhưng cũng chưa thể nói là có tăng hay không, mà vấn đề này theo thẩm quyền thì Quốc hội sẽ biểu quyết ", bà Ngân nói.
Hồng Minh (Tổng hợp)