Những quyết định lịch sử của bà Mai Kiều Liên tại Vinamilk

22/08/2016 10:33
Mai Anh
(GDVN) - Trong thời điểm lịch sử, những quyết định của của bà Mai Kiều Liên – TGĐ Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã tạo nên bước ngoặt mang đến thành công.

Bước cùng Vinamilk trong suốt chặng đường từ ngày đầu khó khăn đến thành công ngày nay, có thể nói những quyết định của ban lãnh đạo Vinamilk, đứng đầu là bà Mai Kiều Liên, đã tạo bước ngoặt lịch sử cho sự phát triển của doanh nghiệp. 

Hai quyết định "phá rào" 

Công ty sữa - cà phê Việt Nam (tiền thân của Vinamilk) ra đời trong bối cảnh đất nước vừa thống nhất, doanh nghiệp trong nước nói chung và Vinamilk nói riêng gặp muôn vàn khó khăn, thiếu thốn về máy móc thiết bị, công nhân kỹ thuật, nguyên liệu cho sản xuất phải nhập khẩu hoàn toàn trong khi không chủ động được nguồn ngoại tệ. 

Thời điểm những năm 1976 đến 1980, ngành sữa Việt hoàn toàn không có gì, kể cả đàn bò. Máy móc, thiết bị cũ, mọi nguyên liệu đều phải ngoại nhập. Khi đó Vinamilk có 2 nhà máy công suất thiết kế 196 triệu tấn một năm, nhưng thực tế chỉ sản xuất 8 triệu tấn. Một nhà máy vì không có nguyên liệu, công nhân nghỉ việc nên phải đóng cửa.

Bà Mai Kiều Liên - Tổng giám đốc, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk, người có những quyết định lịch sử mang đến thành công cho Vinamilk hôm nay.
Bà Mai Kiều Liên - Tổng giám đốc, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk, người có những quyết định lịch sử mang đến thành công cho Vinamilk hôm nay. 

Vinamilk phải đối mặt với việc làm sao có thể phục hồi sản xuất, tiếp cận nguồn nguyên liệu giá rẻ tiến tới chủ động nguồn nguyên liệu, từ đó giảm giá thành sản phẩm đưa công ty phát triển bền vững? 

Đứng trước những khó khăn đó, Vinamilk chủ động tìm lối đi cho mình. Sự chủ động của Vinamilk mang trong đó mong muốn mang đến nguồn dinh dưỡng cho trẻ em Việt Nam để các em có thể phát triển thể lực, trí tuệ.

Xác định chìa khóa để vực dậy sản xuất doanh nghiệp là vốn và máy móc kỹ thuật, bà Mai Kiều Liên đã có hai quyết định táo bạo được coi “phá rào” thời điểm ấy.

Cụ thể, để có ngoại tệ nhập khẩu thiết bị máy móc “nữ tướng” Vinamilk đã hợp tác với doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước. Sau khi giải quyết bài tốn vốn ngoại, để có thể mua nguyên liệu sản xuất, Vinamilk lại đối mặt với khó khăn về máy móc thiết bị khi hầu hết đã cũ và hỏng hóc nhiều. 

Nhiệm vụ lúc này phải nâng cấp, sữa chữa máy móc, khi đó bà Liên quyết định bỏ qua 2 nhà thầu nước ngoài bởi chi phí quá sức, trên dưới hơn 3 triệu USD và tìm đến đội ngũ giảng viên, kỹ sư tại các trường đại học kỹ thuật trong nước với gói hợp đồng thi công 500.000 USD - nhưng khi hoàn thiện chỉ mất 200.000 USD. Sau đó không lâu, nhà máy sản xuất sữa bột Việt Nam đầu tiên được vận hành.

Chia sẻ quyết định thời điểm đó bà Mai Kiều Liên chia sẻ: "Với mong ước dành cho thế hệ trẻ nguồn dinh dưỡng quý giá và khát vọng đưa sữa Việt đi khắp 5 châu trở thành động lực tinh thần, thôi thúc tất cả thế hệ công nhân viên dồn tâm trí để lao động sáng tạo”.

Cuộc "cách mạng trắng" năm 1991

Khi nhà máy sản xuất sữa bột được vận hành nhưng lúc này hoàn toàn nguyên liệu Vinamilk phải nhập khẩu.

Bài toán nguyên liệu được Vinamilk đặt ra. Khi đó bà Mai Kiều Liên và lãnh đạo Vinamilk đã phát động phong trào “Thi đua hiến kế tìm nguồn nguyên liệu, phục hồi sản xuất, đưa doanh nghiệp phát triển lớn mạnh và bền vững” đã mở ra thành công cho Vinamilk.

Trang trại bò sữa thứ 7 tại Hà Tĩnh trong hệ thống trang trại chuẩn quốc tế Global G.A.P. trải dài khắp Việt Nam của Vinamilk đã xây dựng hoàn chỉnh và chính thức được đưa vào hoạt động.
Trang trại bò sữa thứ 7 tại Hà Tĩnh trong hệ thống trang trại chuẩn quốc tế Global G.A.P. trải dài khắp Việt Nam của Vinamilk đã xây dựng hoàn chỉnh và chính thức được đưa vào hoạt động.

Để tháo gỡ khó khăn hướng đến chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất sữa, bà Mai Kiều Liên cùng lãnh đạo Vinamilk cụ thể hóa bằng giải pháp xây dựng vùng nguyên liệu nội địa, thế là “cuộc cách mạng trắng” 1991 ra đời.

Những năm đầu thập kỷ 1990, Vinamilk đã khẩn trương nhập máy móc hiện đại để sản xuất sữa tươi tiệt trùng và thu mua sữa của nông dân với giá cao hơn nguyên liệu sữa nhập khẩu; hỗ trợ nông dân con giống, thú y, kỹ thuật chăn nuôi; thiết bị bảo quản sữa và không ngần ngại giảm lãi để khuyến khích phát triển đàn bò sữa trong nước. 

Với mô hình liên kết với người nông dân mở rộng vùng chăn nuôi, đồng thời tự mình hình thành các trang trại chăn nuôi bò sữa từ Bắc chí Nam, nâng tổng đàn từ 3.000 con (năm 1991) lên tới 113.000 con (năm 2015).

Hiện nay, tổng đàn bò cung cấp sữa cho công ty bao gồm các trang trại của Vinamilk và bà con nông dân có ký kết hợp đồng bán sữa cho Vinamilk là hơn 120.000 con bò, cung cấp khoảng 750 tấn sữa tươi nguyên liệu để sản xuất ra trên 3.000.000 (3 triệu) ly sữa/ngày. 

Những quyết định lịch sử của bà Mai Kiều Liên tại Vinamilk ảnh 3

Vinamilk kỷ niệm 40 năm thành lập, đón nhận huân chương Độc lập hạng Ba

Những quyết định lịch sử của bà Mai Kiều Liên tại Vinamilk ảnh 4

Bà Mai Kiều Liên: Nội lực phải mạnh mới tính đến chuyện vươn xa

Những quyết định lịch sử của bà Mai Kiều Liên tại Vinamilk ảnh 5

Thương hiệu Việt vươn tầm thế giới

Trong kế hoạch phát triển các trang trại mới, Vinamilk dự tính sẽ đưa tổng số đàn bò từ các trang trại và của các nông hộ lên khoảng 160.000 con vào năm 2017 và khoảng 200.000 con vào năm 2020, với sản lượng nguyên liệu sữa dự kiến đến năm 2020 sẽ tăng lên hơn gấp đôi, là 1500 - 1800 tấn/ngày, đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu sữa thuần khiết dồi dào cho hàng triệu gia đình Việt Nam. 

Xuất khẩu

Phát triển thị trường trong nước là trọng tâm trong giai đoạn đầu thành lập, nhưng sau khi ổn định thị phần, công ty tính chuyện xuất khẩu. 

Kế hoạch này đã hiện thực hóa vào năm 1997, đích thân bà Liên đi vào vùng chiến sự tại Iraq để có thể ký kết hợp đồng với đối tác.

Nhớ lại khoảnh khắc này, lãnh đạo Vinamilk cho biết khi đó Iraq đang có chiến sự, nhu cầu nhập khẩu sản phẩm thực phẩm trong đó có sữa rất lớn. Tuy nhiên, không vì thế mà các sản phẩm nhập khẩu các nước có thể dễ dàng đến thị trường Iraq.

Ngược lại, phía Iraq đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng khắt khe, tuy nhiên do trước đó sản phẩm Vinamilk đã có mặt tại Iraq được người dân tại đây sử dụng và chấp nhận. Do đó việc đàm phán ký kết Vinamilk thuận lợi hơn. 

Từ năm 1997 đến nay, Vinamilk vẫn tiếp tục xuất khẩu với giá trị khoảng 300 triệu USD mỗi tháng, tăng trưởng trên 2 con số.

Bà nói: "Cứ chỗ nào có cơ hội thì mình nắm bắt".

Chính điều này đã giúp công ty nhanh chóng lọt vào danh sách 300 công ty năng động nhất châu Á, top 10 trong 1.000 thương hiệu hàng đầu châu Á...

"Cơ hội kinh doanh luôn hiện diện, nếu thị trường đã đầy đủ thì tìm ngách mà đi, tức là né những cái đối thủ đang có. Nếu những cái họ có mà mình làm tốt hơn thì vẫn có cơ hội", bà Mai Kiều Liên chia sẻ nói.

Từ chối liên doanh với đối tác ngoại

Cuối thập niên 90, Việt Nam là một trong những thị trường hấp dẫn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Mua bán sáp nhập sôi động hơn bao giờ hết. Vinamilk cũng từng đứng trước thời khắc lựa chọn "bán mình" hay "giữ mình".

Nhớ lại quyết định từ chối liên doanh, bà Liên cho biết, nếu đối tác nắm 70% cổ phần, công ty còn 30% đồng nghĩa với việc doanh nghiệp không còn tiếng nói trong điều hành.

Bà thừa nhận khi có đối thủ mạnh, công ty gặp khó khăn. Nếu chấp thuận lời đề nghị thì lương lãnh đạo rất cao nhưng thu nhập của công nhân lại không tốt

Chính sách giữ nhân sự, đặc biệt là những người gắn bó lâu năm cũng là tiêu chí để lãnh đạo công ty nghĩ đến. 

"Chúng tôi phân tích và tranh luận với nhau rất nhiều lần trong suốt một năm rồi cuối cùng đồng thuận không liên doanh. Chúng tôi nghĩ thôi chịu khó là đối thủ, vất vả hơn nhiều nhưng là điều tốt để tất cả mọi người cùng vận động, cạnh tranh lành mạnh để thị trường sữa càng phát triển", bà Mai Kiều Liên kể lại.

Đón làn sóng hội nhập, mua nhà máy sữa tại Mỹ

Việt Nam ra nhập WTO năm 2006, hoàn thành đàm phán TPP năm 2016 hay tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) những mốc son đánh dấu sự hội nhập của kinh tế Việt Nam đồng thời cũng mang đến thách thức cho doanh nghiệp Việt.

Đã có không ít lo ngại doanh nghiệp sữa trong nước sẽ mất thị phần khi sữa ngoại nhập tràn lan. Tuy nhiên theo bà Liên, sữa ngoại bán ở Việt Nam cũng không rẻ hơn hàng nội địa bởi doanh nghiệp Việt có máy móc, thiết bị tự động hóa thậm chí còn cao hơn đối thủ.

Vấn đề các doanh nghiệp sữa cần làm là duy trì chất lượng và phân phối. 5-10 năm tới, tỷ lệ sữa sản xuất tại Việt Nam đạt mức 50-60% là điều hoàn toàn có thể

Để đảm bảo sản phẩm sữa cạnh tranh, Vinamilk sớm đi trước đón đầu khi xây dựng nhà máy sữa hiện đại nhất Châu Á tại Bình Dương. Mua lại công ty sữa Driftwood Dairy tại Mỹ và cho ra đời sản phẩm sữa mang thương hiệu Việt Nam tại Mỹ và nhập khẩu về Việt Nam.

Để nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng xu hướng người tiêu dùng, thông qua công ty con do Vinamilk sở hữu 100% là Driftwood Dairy ở Mỹ hợp tác với California Natural Products (CNP), một trong những công ty sản xuất các sản phẩm Organic hàng đầu ở Mỹ, Vinamilk đã cho ra đời sản phẩm sữa tươi Vinamilk Organic vào tháng 6/2016 vừa qua.

Điểm nhấn đặc biệt, sản phẩm sữa tươi Vinamilk Organic được sản xuất, đóng gói tại Mỹ và được chứng nhận đạt chuẩn organic USDA Hoa Kỳ: Không biến đổi gen, Không sử dụng hormon tăng trưởng, Không sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc trừ sâu, phân bón hóa học. 

Với sản phẩm sữa tươi Vinamilk Organic, Vinamilk sẽ đảm bảo cạnh tranh với tất cả các thương hiệu sữa trên thị trường.

Bà Mai Kiều Liên sinh năm 1953 tại Paris, Pháp; Nguyên quán: Thị xã Vị Thanh, Tỉnh Hậu Giang, là người dân tộc Kinh.

1976: Tốt nghiệp Đại học từ năm 1976 về chế biến thịt và sữa tại Moscow, Liên Xô.

Từ năm 1976 – 1980: Kỹ sư phụ trách Khối sản xuất sữa đặc và sữa chua Nhà máy sữa Trường Thọ, Công ty Sữa – Cà phê Miền Nam (tiền thân của Công ty Sữa Việt Nam).

Từ năm 1980 – 1982: Kỹ sư Công nghệ Phòng Kỹ thuật Xí nghiệp Liên hợp Sữa Cà phê Bánh kẹo 1.

Từ năm 1982 – 1983: Trợ lý Giám đốc, Phó Giám đốc Kỹ thuật Nhà máy Sữa Thống Nhất, Xí nghiệp Liên hợp Sữa Cà phê Bánh kẹo 1.

Từ năm 1983 - 1984, bà đi học Quản lý Kinh tế tại Đại học Kinh tế Leningrad, Liên Xô.

Từ năm 1984 – 1992: Phó Tổng Giám đốc Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk).

Từ tháng 12/1992 - nay: Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk).

1996 - 2001: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá VIII 

11/2003 - 7/2015: Kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk).

Mai Anh