Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh, nhấn mạnh điều này khi trao đổi với Báo điện tử Chính phủ về những thành tựu và dấu ấn trong nhiệm kỳ vừa qua, trước thềm Hội nghị Chính phủ với các địa phương dự kiến diễn ra đầu tuần tới.
Khẳng định thế nước đang lên, niềm tin trở lại, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc cho rằng, có thể kể ra rất nhiều mục tiêu kép đã đạt được trong cả nhiệm kỳ: Phát triển kinh tế xã hội và chỉnh đốn xây dựng Đảng; ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì tăng trưởng; đối nội và đối ngoại; hội nhập và tự chủ; đẩy lùi dịch bệnh và duy trì được sinh kế cho dân… Đúng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhiều lần khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng tại phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 14 khóa XII. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Kinh tế vĩ mô ổn định hơn hẳn, cải cách thể chế được đẩy mạnh
Riêng trên mặt trận kinh tế, thành quả lớn nhất là Chính phủ đã thiết lập được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định hơn hẳn so với các nhiệm kỳ trước đây, thể hiện ở việc kiềm chế lạm phát, nợ công ở mức thấp, cán cân thanh toán vãng lai ổn định, xuất khẩu kỷ lục, dự trữ ngoại tệ tăng lên… Nước ta đã có “của ăn của để” và nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định là một bệ đỡ rất quan trọng để chúng ta có thể vững vàng, ổn định đất nước, kiên cường chống chịu và tăng trưởng trong bối cảnh khó khăn.
Cùng với đó, cải cách thể chế kinh tế mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh. Trong nhiệm kỳ, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; Chính phủ đã phát động thành công 3 đợt sóng cải cách hành chính lớn. Năm 2016, xoá bỏ hàng ngàn giấy phép con. Năm 2018, cắt giảm, đơn giản hoá 50% điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành.
Năm 2020, đưa ra mục tiêu tiếp tục cắt giảm và đơn giản hoá 20% các quy định hành chính về kinh doanh và tiến hành tổng rà soát để xoá bỏ tình trạng chồng chéo, bất cập trong các quy phạm pháp luật về kinh doanh hiện hành.
Chính phủ yêu cầu chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro giảm thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, mỗi năm chỉ thanh tra và kiểm tra doanh nghiệp một lần...
Chính phủ điện tử cũng được đẩy mạnh, dịch vụ công trực tuyến được áp dụng. Việt Nam tăng 20 bậc về môi trường kinh doanh, tăng 10 bậc về năng lực cạnh tranh theo các bảng xếp hạng toàn cầu. Khoảng cách điểm số về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nước ta so với nhóm các nước dẫn dầu ASEAN đang thu hẹp lại.
Doanh nghiệp phát triển, hội nhập đỉnh cao
Đại diện cộng đồng doanh nghiệp cũng nhắc tới những dấu mốc cho thấy sự quan tâm chưa từng có của Đảng, Nhà nước với các doanh nghiệp trong nhiệm kỳ này.
Đảng ta ra Nghị quyết về phát triển các thành phần kinh tế, nhấn mạnh vai trò động lực quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân. Nghị quyết về kinh tế tư nhân được mang tên Nghị quyết số 10, mang theo niềm tin: sự phát triển khu vực kinh tế tư nhân sẽ là động lực đưa nền kinh tế Việt Nam tới đích mạnh giàu, giống như khoán 10 trong nông nghiệp đã mở đầu cho hành trình đổi mới ở Việt Nam. Quốc hội đã sửa Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa…
Lần đầu tiên trong lịch sử, Chính phủ ra Nghị quyết số 35/NQ-CP về Chương trình phát triển doanh nghiệp cho cả nhiệm kỳ với phương châm “doanh nghiệp là động lực, Chính phủ sẽ đồng hành” và ban hành loạt Nghị quyết 19, 02/NQ-CP hằng năm, xác lập hành trình cải cách để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh ở Việt Nam theo những chuẩn mực toàn cầu. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: “Vấn đề của doanh nghiệp phải được ghi trên trang đầu tiên trong cuốn sổ tay công tác của những nhà lãnh đạo các địa phương”.
Nhờ đó, tổng số doanh nghiệp trong cả nước đã tăng gấp 1,5 lần chỉ trong 5 năm, đây là kỳ tích. Cùng với đó, đất nước đã không chỉ có hơn 800.000 doanh nghiệp mà còn có 5,4 triệu hộ kinh doanh và theo quan niệm phổ biến của thế giới thì đó cũng là doanh nghiệp – doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (MSMEs) trong nền kinh tế.
“Chúng ta vui mừng khu vực kinh tế tư nhân trong nước đã đóng góp hơn 40% GDP cho đất nước và đang ngày càng khởi sắc. Chúng ta đã có những tập đoàn doanh nghiệp tư nhân và thương hiệu Việt được vinh danh trong các bảng xếp hạng toàn cầu. Các sản phẩm Made in Việt Nam; Make in Việt Nam; Made by Việt Nam được thế giới ngày càng ưa thích. Đó là "mầu cờ sắc áo" Việt Nam trong cuộc đua tranh kinh tế toàn cầu”, ông Vũ Tiến Lộc chia sẻ.
Cũng trong 5 năm qua, Việt Nam đã lên đường cao tốc ra thế giới và cam kết vươn tới những chuẩn mực toàn cầu. Phát triển bền vững được nhấn mạnh, quan hệ lao động được đề cao, thân thiện với môi trường, phát triển bao trùm là hướng đi đúng đắn… CPTPP, EVFTA và các hiệp định thương mại tư do không chỉ mở không gian thị trường mà còn mở không gian cải cách của nền kinh tế Việt.
Vị thế của Việt Nam trong quan hệ quốc tế được tăng cường. Việt Nam là Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc. Việt Nam đã đăng cai thành công các cuộc hội ngộ lịch sử: APEC 2017, ASEAN 2020. Việt Nam đã ghi dấu ấn không chỉ là thành viên tích cực mà còn là thành viên đóng vai trò kiến tạo trong cộng đồng quốc tế; là mẫu hình của một đối tác năng động và có trách nhiệm trong nền kinh tế toàn cầu.
“Lửa thử vàng” và khát vọng hùng cường
Nhắc tới câu nói được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần nhấn mạnh “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc cho rằng, thời đại dịch, thế giới trở nên mong manh, sức mạnh của các cường quốc kinh tế và công nghệ bị đe doạ, nền kinh tế thế giới lún sâu trong khủng hoảng, nhưng Việt Nam đã kiềm chế được dịch bệnh và duy trì tăng trưởng dương trong tâm thế vững vàng.
“Một lần nữa khi đất nước khó khăn thì tinh thần đoàn kết và ý chí kiên cường của dân tộc Việt lại bừng dậy. Cả hệ thống chính trị vào cuộc. Sự lãnh đạo của Đảng, sự chung tay của Quốc hội, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ và sự đồng lòng của toàn dân là nguyên nhân để chúng ta làm nên chiến thắng trong công cuộc “chống dịch như chống giặc”.
Khả năng chống chịu, kiên cường đang trở thành một năng lực canh tranh cốt lõi của người Việt và nền kinh tế Việt trong bối cảnh một thế giới bất định và biến đổi khó lường. Bạn bè quốc tế khâm phục và Việt Nam đang trở thành điểm đến an toàn của các nhà đầu tư quốc tế trên hành trình chuyển dịch làn sóng đầu tư có trách nhiệm và bền vững toàn cầu”, TS Vũ Tiến Lộc nói.
Sau một phần tư thế kỷ, từ đổ nát của chiến tranh, công cuộc Đổi mới của Việt Nam do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã làm nên một kỳ tích: 45 triệu người dân Việt thoát khỏi đói nghèo và Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình (thấp) và đang khát vọng trở thành một đất nước hùng cường.
Dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đặt mục tiêu đến năm 2030 kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập nước, Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, để thực hiện được các mục tiêu này, việc xây dựng một thể chế kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập phải là bệ đỡ và phát triển nền kinh tế số phải là đôi cánh để bay lên. Ba mũi giáp công: thể chế, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng là các khâu đột phá. Quốc gia khởi nghiệp là hệ sinh thái dẫn đường.
“Bác Hồ nói: “Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng”. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị” và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kỳ vọng: “Các doanh nghiệp – doanh nhân sẽ định hình tương lai của đất nước này”.
Do đó, theo tôi, doanh nghiệp phải là lực lượng chủ công trong công cuộc phát triển lâu dài sắp tới, hiện thực hóa khát vọng đất nước tự cường, thịnh vượng”, ông Vũ Tiến Lộc chia sẻ.