Penhouse Hà Nội, nỗi "ám ảnh" của nhà đầu tư

14/09/2012 09:47
Theo Vnexpress
Sau 2 năm hoàng kim, những căn hộ được mệnh danh là "biệt thự trên cao" từng là hàng hiếm thì nay trở thành gánh nặng cho nhà đầu tư khi liên tục rớt giá.
Đầu tư 2 căn áp mái ở một dự án phố Nguyễn Huy Tưởng rộng từ 245 đến 251 m2 nhưng anh Tuấn Anh ngán ngẩm vì thị trường đi xuống. Nhờ quan hệ ngoại giao, mua được giá gốc 27 triệu nhưng nay anh rao bán mãi cũng không ai mua. Điều kiện bán hàng linh hoạt như "sẵn sàng bao tên vào hợp đồng và thương thảo giá" nhưng chờ suốt nửa năm nay, anh vẫn chưa gặp khách. "Nếu thị trường tiếp tục đi xuống, căn hộ không bán được, tôi sẽ phải hạ giá bán lỗ", anh than. Cùng tâm trạng trên, anh Duy, người rao bán penthouse rộng 242 m2 ở đường Đê La Thành cũng phá giá thị trường khi hạ xuống còn 29 triệu đồng mỗi m2 nhưng vẫn chưa đẩy được hàng. Căn hộ 3 phòng ngủ kèm 2 phòng phụ rộng rãi thoáng mát, tính ra cũng lên tới hơn 7 tỷ đồng, một số tiền không nhỏ trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Căn hộ càng cao cấp càng khó bán. Ảnh: Hoàng Lan
Căn hộ càng cao cấp càng khó bán. Ảnh: Hoàng Lan
"Cách đây vài tháng, một căn penthouse ở đây được chào giá 31-32, có lúc 34 triệu đồng nhưng nay, giá cả hạ tới 5 triệu mỗi m2, mức giảm nhất kể từ đầu năm nay", anh chia sẻ. Trong trường hợp không bán được, anh cho biết sẽ cho thuê với giá khoảng 15 triệu đồng mỗi tháng. Trên nhiều trang rao vặt, penthouse đang được nhiều nhà đầu tư thứ cấp rao bán nhiều. Những căn đắt nhất ở khu vực Mỹ Đình có thời lên đến gần 4.000 USD nay cũng chỉ còn khoảng 2.400- 3.000 USD mỗi mét vuông. Hapulico hiện khoảng 30-34 triệu đồng mỗi m2, còn làng việt kiều châu Âu khoảng 20-25 triệu đồng mỗi m2. Anh Tuấn Minh, một môi giới tại khu Mỹ Đình tiết lộ, trong bối cảnh địa ốc trầm như hiện nay, khách hàng chỉ quan tâm tới những căn hộ đã hoặc sắp hoàn thiện giá phải chăng nên penthouse rất khó bán. Sàn của anh còn mấy căn khách gửi cũng không tìm được người mua. Theo anh Minh, trên thị trường hiện nay, rất hiếm chủ đầu tư bán căn penthouse mà chủ yếu là nhà đầu tư thứ cấp xả hàng. "Trường hợp xả hàng, chủ đầu tư sẽ buộc phải tự lập mưu tính kế, chia nhỏ căn hộ giống như một doanh nghiệp ở khu vực Hà Đông đã làm để dễ bán", anh Minh nói. Lãnh đạo một dự án ở khu vực quận Thanh Xuân thừa nhận, trong bối cảnh hiện nay, chủ đầu tư dự án sẽ phải tìm mọi cách để hạ thấp giá căn hộ, đặc biệt là penthouse. Doanh nghiệp của ông, năm 2010, thời từng địa ốc vàng son đã kỳ vọng bán căn hộ đẳng cấp này với đầy đủ sàn gỗ, điều hòa, bình nóng lạnh, tủ bếp, tủ quần áo, tủ lạnh 2 cánh, giường với giá 10 tỷ nhưng nay đã bị "vỡ mộng". Chủ dự án buộc phải thay đổi chiến thuật, chỉ dám bàn giao thô thay vì hoàn thiện. Vậy là căn hộ 4 phòng ngủ, 1 phòng đọc sách, 1 phòng tập... chỉ xây thô "không kèm nội thất" và nhờ vậy, giá giảm xuống còn khoảng 5-6 tỷ đồng. "Trước đây, khi khách hàng xếp hàng đòi mua căn penthouse thì chúng tôi không bán lẻ, nhưng đến nay thì chẳng có ai mua. Đành phải chờ thời cơ khi thị trường tốt lên mới dám bán", ông nói. Cũng theo vị lãnh đạo này, sở dĩ chủ đầu tư có thể tự ý xoay chuyển tùy cục diện thị trường bằng cách thay đổi thiết kế là vì Việt Nam chưa có chuẩn cho căn hộ cao cấp. Trên thế giới, penthouse mang đẳng cấp riêng có đầy đủ vườn treo với sân vườn rộng rãi kèm bể bơi, hệ thống camera và cầu thang riêng giống như một biệt thự trên không, còn ở Việt Nam "chưa dự án nào làm được". Trao đổi với pv bên lề buổi hội thảo tìm vốn cho thị trường bất động sản vừa diễn ra, ông Đào Ngọc Thanh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico) thừa nhận, cả phân khúc căn hộ cao cấp và penthouse hiện đều rất khó khăn. Mặc dù số lượng căn hộ thông tầng không nhiều song do đổ vốn đầu tư phần hoàn thiện nên khi không bán được nhà thì doanh nghiệp rơi vào thế bí. Ngoài việc ảnh hưởng chung của thị trường, theo ông, một lý do khiến penthouse ế là phong tục tập quán chuộng nhà đất.  "Với số tiền lớn hàng chục tỷ đồng, người ta vẫn thích không gian riêng của biệt thự hơn. Bởi nhiều căn hộ hạ tầng còn chưa có, không gian lại bị bó hẹp", ông nói.
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những ý kiến của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Theo Vnexpress