Phải định nghĩa được Agribank là ngân hàng gì?

06/10/2014 12:08
Hồng Minh
(GDVN) - Đó là nhận định của chuyên gia tài chính ngân hàng trước cuộc “thay máu” lịch sử của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank).

“Phải định nghĩa Agribank là ngân hàng gì? Ngân hàng chính sách hay ngân hàng thương mại. Đến thời điểm này nó vẫn nhập nhằng giữa hai mô hình hoạt động này. Đây chính là lỗ hổng để những cá nhân trong Agribank gây lũng đoạn...”, một chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định.

“Thay máu” lịch sử

Quyết định bổ nhiệm 2 phó tổng giám đốc, 3 thành viên ban kiểm soát mới, thay kế toán trưởng Ngân hàng Agribank được cho là nhằm cụ thể hóa những phát biểu, trả lời trước đó của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình trước quốc hội.

Động thái thay đổi nhân sự cao cấp tại ngân hàng Agribank diễn ra ngay sau khi Thống đốc Nguyễn Văn Bình trả lời chất vấn trước Quốc hội, trong đó có nêu lên vấn đề yếu kém của Agribank.

Cụ thể trong phiên trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội ngày 29/9, Thống đốc thừa nhận Agribank là ngân hàng có rất nhiều yếu kém trước đây, để lại hậu quả nặng nề. Theo đó, việc tái cơ cấu ngân hàng này có hẳn một đề án lớn, tách ra 8 đề án nhỏ để dễ triển khai, hiện đã được Chính phủ phê duyệt.

Agribank tiến hành "thay máu" lịch sử sau quãng thời gian hoạt động yếu kém với nhiều sai phạm trong hoạt động cho vay.
Agribank tiến hành "thay máu" lịch sử sau quãng thời gian hoạt động yếu kém với nhiều sai phạm trong hoạt động cho vay.

Thống đốc cho biết, thực hiện tái cơ cấu, toàn bộ bộ máy quản trị, hội đồng thành viên, ban điều hành, ban kiểm soát… Theo Thống đốc, dù cán bộ của Agribank cũng có phần xao xuyến, nhưng phải quyết tâm làm. Nhiệm vụ của Agribank tập trung nhiệm vụ chung với ngành, với phát triển nông nghiệp nông thôn.

Trước đó, kết quả Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán trong năm 2012 cho thấy, số nợ có khả năng mất vốn tại Agribank lên tới 23.652 tỷ đồng, chiếm 59,23% tổng dư nợ xấu, bằng 89% vốn điều lệ (vốn điều lệ của Agribank tính đến 31/12/2013 là 29.605 tỷ đồng).

Kiểm toán nhà nước cũng khẳng định: Ngân hàng Agribank thường xuyên vi phạm tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất, tỷ lệ khả năng chi trả ngay và tỷ lệ khả năng chi trả 7 ngày đối với VND. Agribank có nhiều sai phạm trong hoạt động cho vay, tiềm ẩn rủi ro và khó thu hồi vốn.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, việc để Agribank hoạt động yếu kém, lãnh đạo ngân hàng này phải chịu trách nhiệm. Vấn đề dẫn đến yếu kém của AgriBank là nợ xấu, với số nợ có khả năng mất vốn cao và nợ xấu do hoạt động cho vay.

Ngoài khoản vay được chỉ định những khoản vay sai phạm, cho vay sai quy định, sai nguyên tắc trách nhiệm thuộc về lãnh đạo của Agribank.

Nguyên nhân dẫn đến sai phạm của Agribank

Đặt vấn đề nguyên nhân sai phạm yếu kém của Agribank, một chuyên gia tài chính ngân hàng (xin được giấu tên) cho rằng, trước hết phải đặt lại vấn đề chức năng của Agribank. Liệu rằng Agribank nên hoạt động như ngân hàng thương mại hay hoạt động như ngân hàng chính sách. 

Từ đó vị chuyên gia này cho rằng, nếu Agribank định hướng là ngân hàng thương mại thì phải thực hiện mọi chế độ từ kế toán, chính sách tín dụng và cho vay. Hoạt động dựa trên tiêu chí lợi nhuận, tiêu chí hoạt động của ngân hàng thương mại là kinh doanh.

Ngược lại, nếu Agribank hoạt động như ngân hàng chính sách, lúc đó nhiệm vụ chính của Agribank không phải kinh doanh mà thực hiện các chương trình dự án dựa vào vốn từ ngân sách.

“Phải định nghĩa Agribank là ngân hàng gì? Ngân hàng chính sách hay ngân hàng thương mại. Đến thời điểm này nó vẫn nhập nhằng giữa hai mô hình hoạt động này. Đây chính là lỗ hổng để những cá nhân trong Agribank gây lũng đoạn. Họ xem Agribank như ngân hàng tiền chùa, do vậy nêu lấy được họ cứ lấy. Thành ra chính định hướng không rõ ràng dẫn đến không kiểm soát nội bộ chặt chẽ. Dẫn đến nhiều người thừa nước đục thả câu để kiếm lợi cho cá nhân”, vị chuyên gia này nhận định.

Từ đó theo chuyên gia kinh tế vấn đề đầu tiên là phải định hướng cho Agribank, nếu là ngân hàng thương mại thì tất cả chức năng của ngân hàng chính sách xã hội phải kéo ra, tất cả ủy thác đầu tư, tài trợ của Chính phủ phải đưa về ngân hàng chính sách không để trong tay Agribank.

“Nếu trở thành ngân hàng thương mại phải cổ phần hóa lên, thậm chí đến thời điểm thích hợp nên cho cổ phần tư nhân chiếm đa số, không nên “nửa chừng xuân” như một số ngân hàng hiện nay”, một chuyên gia kinh tế cho biết.

Hồng Minh