"Phải mạnh tay giải quyết tận gốc tình trạng đầu cơ vàng"

19/08/2011 06:01
(GDVN) - Để nhanh chóng kết thúc tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế, ông Nguyễn Hoàng Hải nhấn mạnh: Cần mạnh tay giải quyết tận gốc tình trạng đầu cơ vàng...

(GDVN) - Trao đổi về vấn đề lựa chọn giải pháp đột phá để nhanh chóng kết thúc tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế, ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội kinh doanh Tài chính Việt Nam (VAFI) nhấn mạnh: Cần mạnh tay giải quyết tận gốc tình trạng đầu cơ vàng...

- Ông đánh giá thế nào về bản Dự thảo Nghị định về quản lý thị trường vàng mới mà NHNN công bố cách đây vài tháng, thay thế Dự thảo cũ với nội dung cơ bản là xóa bỏ thị trường kinh doanh vàng miếng theo hướng không cho phép người dân được mua vàng miếng, đảm bảo quyền lợi của người dân bằng hình thức NHNN sẽ mua vàng theo giá quốc tế?

ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội kinh doanh Tài chính VN

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp
hội Kinh doanh Tài chính VN.

Ông Nguyễn Hoàng Hải: Dự thảo quy định mới đã không thể hiện các giải pháp chống đầu cơ hữu hiệu, không chỉ ra được con đường để kết thúc tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế.
Với cơn sốt vàng vừa qua, công luận đã phản ánh rất nhiều những bất cập của chính sách quản lý thị trường vàng hiện nay. Các chuyên gia kinh tế, các học giả cũng đã kiến nghị đưa ra nhiều giải pháp để xây dựng chính sách mới.

Cơn sốt vàng vừa qua không phải do yếu tố kinh tế vĩ mô trong nước bất ổn mà do giới đầu cơ đã nhân cơ hội giá vàng quốc tế biến động cộng với việc chưa có chính sách kiểm soát thị trường vàng của nhà nước để tạo sóng, làm căng thẳng thị trường tiền tệ trong thời gian ngắn và tác động thay đổi tỷ giá, thực tế này cần phải nhanh chóng chấm dứt.

- Nhiều ý kiến đề xuất cần lập sàn giao dịch vàng dưới sự quản lý của NHNN, để thị trường vàng trong nước liên thông với thị trường vàng thế giới nhằm tránh xảy ra các cơn sốt giá vàng. Quan điểm của ông xung quanh vấn đề này?

Việc lập sàn giao dịch vàng tập trung chỉ khác so với các sàn giao dịch vàng tự do trước đây ở chỗ thống nhất lại thành một sàn vàng, hoạt động theo qui tắc luật lệ mà nhà nước ban hành, có thể khác ở tỷ lệ sử dụng đòn bẩy tài chính, còn về bản chất không có gì thay đổi so với trước kia; Các sàn vàng tự do trước đây đã gây tác hại gì cho người đầu tư: 99% người dân tham gia sàn vàng đều thua lỗ, chỉ có người kinh doanh sàn vàng là thu được lợi nhuận siêu ngạch.

Đồng thời nếu tiếp tục cổ vũ tiếp thị cho việc kinh doanh vàng tài khoản thì làm sao chống được vàng hóa. Chống vàng hóa phải đồng nghĩa với việc ngày càng giảm số người sở hữu kinh doanh vàng. Mặt khác, đề xuất về việc thành lập sàn vàng tập trung là không mới, đã được thử nghiệm thực tế trong mấy năm và không mang lại lợi ích kinh tế mà ngược lại gây nhiều bất ổn cho nền kinh tế .

- Giới kinh doanh vàng đưa ra giải pháp cho phép hệ thống ngân hàng thương mại mua, bán số vàng huy động được trong dân. Ông có cho rằng sẽ hiệu quả trong cách làm này?

Vấn đề là cho vay vàng với mục đích gì? Doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chân chính không thể vay vàng, để từ đó chuyển thành VND hay USD đưa vào sản xuất kinh doanh, vì cách thức huy động vốn này cực kỳ nguy hiểm, trong thời điểm hiện nay không ai có thể dự đoán được sự biến động của giá vàng, kể cả các tổ chức kinh doanh vàng trong nước. 

Còn quan hệ vay mượn tức là còn duy trì thị trường vàng; đây có thể là dư địa của đầu cơ siêu lợi nhuận: Giới kinh doanh vàng có thể tạo sóng nhân một sự kiện nào đó và sử dụng số vàng huy động để nhanh chóng thu lợi nhuận siêu ngạch.
 
- Vậy theo ông, NHNN nên có chính sách cụ thể như thế nào để quản lý thị trường vàng hiệu quả?

Thực tế đã chỉ ra rằng, kinh doanh vàng là kinh doanh tiền tệ, là lĩnh vực kinh doanh nhạy cảm, ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ quốc gia, trong một số trường hợp là nguồn gốc của bất ổn tỷ giá, lạm phát, lòng tin…Cho nên đòi hỏi phải có ngay chính sách kiểm soát hữu hiệu.

Tôi cho rằng về “giải pháp cuối cùng”, chắc một số người chưa thích hình thức cấm đoán mua vàng, bởi họ vẫn quan niệm rằng vàng là phương tiện lưu trú vốn ổn định để phòng tránh các bất ổn vỹ mô, sau này nếu giá vàng giảm mạnh thì còn đâu cơ hội mua vào?

Nếu nhiều người đều có suy nghĩ như vậy thì lấy đâu ra vàng ngoại tệ để thỏa mãn nhu cầu cá nhân? Và có thể lại gây nên cơn sốt vàng, ngoại tệ làm tỷ giá thay đổi nhân cơ hội sự kiện nào đấy…

Trong quản lý kinh tế, cấm kinh doanh những ngành nghề có hại cho nền kinh tế là chuyện đương nhiên, không thể có sự tự do kinh doanh ở những lĩnh vực nhạy cảm để rồi cơ quan quản lý nhà nước trở lên bất lực? Và hậu quả là tất cả người dân chịu thiệt, kể cả những người đầu tư vàng, ngoại tệ.   

Vì thế, NHNN trước hết cần phải xác định những mục tiêu cụ thể mà chính sách cần đạt được. Theo đó, cần từng bước chuyển số vàng dự trữ trong dân sang khu vực sản xuất kinh doanh và làm tăng kho dự trữ ngoại hối của nhà nước; mạnh tay Giải quyết tận gốc tình trạng đầu cơ vàng, không để xảy ra một cơn sốt vàng nào nữa; Giá vàng trong nước có thể tăng giảm theo giá thế giới nhưng sự biến động về giá này không tạo ra làn sóng đầu tư, đầu cơ vàng, không ảnh hưởng tới chính sách tỷ giá… Ban hành được chính sách kiểm soát thị trường vàng là phép thử năng lực đầu tiên với Tân Thống đốc.

- Xin cảm ơn ông!

Nhã Phương

{iarelatednews articleid='11120,11049,10990,10882,10751,10643,10558,10553,10383'}