Phớt lờ quy định, doanh nghiệp sữa đang "nhờn" luật?

04/03/2014 14:00
Hồng Anh
(GDVN) - Có dấu hiệu vi phạm Nghị định 109/2013/NĐ-CP tuy nhiên doanh nghiệp sữa vẫn ung dung thu lợi từ người tiêu dùng, phớt lờ quy định...

Cụ thể tại Điều 13, Nghị định 109/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành vi tăng hoặc giảm giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý. Theo đó trong trường hợp hàng hóa dịch vụ thực hiện tăng giá theo văn bản kê khai nhưng đang được cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu giải trình về mức giá tăng hoặc yêu cầu đình chỉ áp dụng mức giá mới thì sẽ bị xử phạt hành chính 1-5 triệu đồng, nếu giá trị hàng hóa, dịch vụ dưới 50 triệu đồng.

Mức phạt tăng lên 5-10 triệu khi hàng hóa, dịch vụ có tổng giá trị từ 50 đến 100 triệu đồng… Và mức phạt tối đa sẽ từ 40 đến 60 triệu đồng nếu hàng hóa, dịch vụ có giá trị trên 500 triệu đồng.

Phớt lờ quy định nhưng chậm xử phạt…DN sữa có nhờn luật?
 Phớt lờ quy định nhưng chậm xử phạt…DN sữa có nhờn luật?

Luật đã có nhưng việc thực thi chưa nghiêm dẫn đến tình trạng doanh nghiệp sữa nhờn luật. Trả lời báo chí ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Công thương) khẳng định, doanh nghiệp sữa tự ý tăng giá trong khi chưa giải trình xong là dấu hiệu vi phạm về giá. Tuy nhiên, việc xử lý phải chờ cơ quan thanh tra vào cuộc làm rõ mới có thể kết tội được doanh nghiệp. 

Trước đó tại phiên họp Chính phủ sáng 28/2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành có liên quan, trực tiếp là Bộ trưởng Bộ Tài chính kiểm tra việc một số hãng sữa lớn cả trong nước và nước ngoài cùng tăng giá sữa cho trẻ dưới 6 tuổi, Thủ tướng chỉ đạo nếu vi phạm xử lý kiên quyết theo quy định pháp luật.

Tham dự phiên họp, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng việc các nhãn hàng sữa cùng tăng giá mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi biểu hiện sự thỏa thuận, vi phạm Luật Cạnh tranh.

"Chúng ta nhớ lại cách đây 3 tháng thì 3 công ty viễn thông lớn cũng tăng giá cước 3G cùng một ngày. Hình thức là quyền của doanh nghiệp, nhưng trong một thị trường mà dưới năm người cạnh tranh là nguy cơ thỏa thuận rất lớn gây thiệt hại cho người tiêu dùng", Chủ tịch UBTƯTQVN Nguyễn Thiện Nhân cho biết.

Trong doanh nghiệp sữa tăng giá trong đợt này đáng chú ý là nhãn hàng Nestle, dù ngày 12/2/2014, Nestle mới gửi công văn tới Cục Quản lý giá giải trình lý do tăng giá là do mức lạm phát. Đồng thời, các lý do mà Nestle đưa ra như chi phí nhân công chi phí vận chuyển và giá nhập khẩu.

Tuy nhiên nhãn hàng này đã tự ý điều chỉnh mức giá sữa theo biểu giá mới trước đó 12 ngày (tức từ ngày 31/1). Rõ ràng doanh nghiệp sữa như Nestle đã có tình qua mặt Cục Quản lý giá, vi phạm Nghị định của Thủ tướng Chính phủ nhưng lại không bị xử lý.

Theo lý giải của ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá phải chờ thanh tra Bộ Tài chính có kết luận sau quá trình thanh kiểm tra Bộ này mới đưa ra hình thức xử lý.

Còn ông Trần Văn Vượng, Chánh Thanh tra Bộ Tài chính cho biế: Lãnh đạo Bộ đã giao cho Thanh tra Bộ phối hợp với Cục Quản lý giá thanh tra kiểm tra các doanh nghiệp sữa; Sau khi thanh tra, kiểm tra nếu doanh nghiệp vi phạm quy định (Luật Giá) sẽ kiến nghị xử phạt.

Việc thanh tra, kiểm tra cũng như đưa hình thức xử lý doanh nghiệp sữa do vi phạm việc tăng giá sữa trách nhiệm thuộc về Bộ Tài chính. Hơn lúc nào hết Bộ Tài chính cần sớm đưa ra kết luận chính thức về sai phạm cũng như hình thức xử lý sai phạm nếu có của doanh nghiệp sữa. Có như vậy tránh việc doanh nghiệp nhờn luật, đồng thời tạo ra thị trường cạnh tranh lành mạnh đảm bảo lợi ích người tiêu dùng. 
Hồng Anh