"Rất nguy hiểm nếu đổ xô mua vàng giá cao vì hiểu lầm VNĐ mất giá"

09/08/2011 08:12
(GDVN) - "Hiện tượng vàng tăng giá điên cuồng trong mấy ngày qua và người dân đổ xô đi mua vàng là rất nguy hiểm vì dân sẽ hiểu lầm VNĐ bị mất giá...".

(GDVN) – Theo ông Vũ Minh Châu, Giám đốc Công ty VBĐQ Bảo Tín Minh Châu, việc vàng tăng giá điên cuồng trong mấy ngày qua và người dân đổ xô đi  mua vàng giá cao là hiện tượng "rất nguy hiểm vì dân sẽ hiểu lầm đồng tiền Việt Nam bị mất giá, mất niềm tin ở đồng nội tệ và ồ ạt đi mua vàng".

>> Giá vàng tiếp tục điên cuồng vượt mốc 46,2 triệu đồng/lượng

>> Vàng tăng thêm 800.000 đồng/lượng sau một ngày 'điên loạn'

Nếu đem quy đổi, giá vàng trong nước chiều nay đã cao hơn thế giới tới gần 1,86 triệu đồng/lượng, khiến nhiều người hình dung tới sự lặp lại của điệp khúc “khan hàng giá lên” hồi tháng 11/2009 và 11/2010. Tuy nhiên, có một điều khó hiểu, vàng càng tăng giá, người dân càng đổ xô đi  mua vàng. 

Thông điệp của Ngân hàng Nhà nước về việc sẵn sàng cho nhập khẩu vàng được phát đi vào cuối chiều qua (8/8), sau một ngày thị trường vàng loạn giá, diễn biến phức tạp đã cho thấy: Bên cạnh ảnh hưởng của thị trường quốc tế, một nguyên nhân khác tác động tới sự biến động của giá vàng trong nước đó là giới đầu cơ. Giới này thao túng, làm giá để trục lợi, gây tâm lý bất ổn cho dù lượng vàng nắm giữ trong dân vẫn ở mức cao.

Từ cuối tháng 7/2011, một vị GĐ kinh doanh vàng đã từng "tiết lộ" trên báo Lao động về chiêu làm giá của giới đầu cơ như sau: Khi giá vàng tăng, một số tập đoàn tài chính và DN vàng tung tiền ra thu gom vàng khiến vàng vật chất trở nên khan hiếm. Sự mất cân đối cung – cầu khiến giá vàng tăng đột biến. Tức là nếu người dân bán vàng ra, thấy giá vàng tăng mạnh lại liền mua vào. Nhưng khi đó, giá vàng mua vào đã cao hơn mức giá vừa bán ra (bán thấp rồi mua cao).

a
Giá vàng liên tục biến động, người dân chen lấn, xô đẩy nhau
mua bán. (Ảnh của VNE chụp buổi sáng ngày 9/8/2011).
Đến khi giá vàng quay đầu, các đối tượng làm giá trên xả vàng ra bán phá giá nhằm chốt lời (khi đó, các DN kinh doanh vàng cũng phải hạ giá theo). Người dân nếu bán ra theo xu hướng này thì sẽ lại phải bán ra với giá thấp hơn mua vào. Hiện tượng này không phải chỉ xảy ra một lần mà gần như diễn ra thường xuyên trong mỗi “con sóng” vàng. Như vậy, nếu không tỉnh táo, nhiều người dân sẽ lỗ kép.
Cách đây đúng 1 tuần, mỗi chỉ vàng được mua với giá 3.989.000 đồng/chỉ nhưng cho tới thời điểm này, vàng đã đắt lên tới 4.620.000 đồng/chỉ. Đến sáng hôm qua (ngày 8/8), khi thị trường lên cơn điên loạn, giá vàng trong nước có lúc cao hơn 2 triệu đồng mỗi lượng so với giá thế giới.

Bước sang ngày 9/8, giá vàng cũng liên tục đảo chiều, tăng nóng lên mức kỷ lục mọi thời đại 46,2 triệu đồng/lượng nhưng ngay sau đó lại “bốc hơi” đi 1 triệu đồng, giảm nhanh xuống  45,2 triệu đồng/lượng chỉ sau hơn 1 tiếng đồng hồ.

Giữa cơn mưa tầm tã gây ngập đường phố Hà Nội, nhiều người dân vẫn lội nước đến mua vàng. Đại diện của các công ty kinh doanh vàng bạc lớn trên phố Trần Nhân Tông (Hà Nội) cho biết, có đến 70-80% khách tới giao dịch sáng nay là mua vàng, thậm chí có người còn vác cả bao tải tiền tới mua vàng.

Do đó, tình trạng khan vàng trở nên phổ biến tại các quầy thu mua của các công ty kinh doanh kim loại quý này
a
Sáng sớm ngày 9/8, nhận thấy xu hướng giá vàng tăng cao,
nhiều người đã đến chờ đợi giao dịch khi cửa hàng vàng chưa
mở cửa. (Ảnh: Khởi Sự).

Đại diện của Công ty VBĐQ Bảo Tín Minh Châu tiết lộ , mặc dù có hệ thống chân rết khắp các tỉnh thành trên cả nước và khi cần thiết đều có thể chủ động điều tiết nguồn hàng về Hà Nội nhưng những ngày vừa qua, công ty này vẫn không tránh khỏi những lúc thiếu hàng.

Trước tình trạng tăng giá đến “vã mồ hôi” của giá vàng trong nước mấy ngày gần đây, một số doanh nghiệp kinh doanh vàng khẳng định: “Không hề có ý găm hàng”, nhưng một nguồn tin từ một ngân hàng thương mại lớn tiết lộ với VnEconomy, các “nhà cái” của thị trường vàng trong nước đang đẩy giá vàng lên để xả hàng tồn (?). “Gần đây, nhiều tổ chức kinh doanh vàng lớn đã tranh thủ gom một khối lượng vàng lớn để xuất khẩu mà đến giờ vẫn chưa kịp xuất đi. Vì thế giá được đẩy lên để các tổ chức này xả số hàng đã gom nhân lúc thị trường đang mua mạnh”.

Ông Vũ Minh Châu – Giám đốc Công ty VBĐQ Bảo Tín Minh Châu khi trao đổi với VTC News cũng cho rằng: Một trong những nguyên nhân chính khiến giá vàng trong nước tăng đột biến là vì: Giá vàng Việt Nam thời gian qua không có sự quản lý chặt chẽ và việc thả nổi về biên độ giao dịch giữa mua và bán. Nhiều tập đoàn tài chính tham gia vào thị trường vàng bằng hình thức thu gom để xuất khẩu bằng cách đẩy giá mua vàng vật chất lên sát với giá bán trong suốt một thời gian dài. Vì thế,  rất có thể lượng vàng trong nước đã cạn do thời gian qua xuất khẩu ồ ạt.
a
Vàng tăng nóng tới "vã mồ hôi" có nguyên nhân từ việc làm giá
của các nhà đầu cơ? (Nguồn: SJC).

Theo quy luật tất yếu của thị trường, khi nguồn cung yếu hơn cầu thì giá sẽ tăng mạnh. Theo ông Châu, đây cũng chính là hậu quả của việc ép biên độ mua vào sát với giá bán ra. Những ai có vàng lúc này là làm chủ thị trường, người thiệt hại lại chính là dân. “Điều này rất nguy hiểm vì dân sẽ hiểu lầm là đồng tiền Việt Nam bị mất giá, mất niềm tin ở đồng nội tệ và ồ ạt đi mua vàng, và họ không hiểu bản chất thật của thị trường vàng lúc này như thế nào” – ông Châu cho biết.

Do đó, một khuyến cáo chung mà Ngân hàng nhà nước cũng như các nhà phân tích dành cho người dân và những nhà đầu tư nhỏ, lẻ đó là: Vào thời điểm này là nên mua bán tự nhiên theo nhu cầu của mình. Tức là khi thật sự cần thì hãy bán ra và mua vào, không nên chạy theo tâm lý đám đông và hiện tượng tăng giả như hiện nay.

Khởi Sự (Tổng hợp)

>> Giá vàng "điên cuồng" tăng nóng lên 41,9 triệu đồng/lượng

>> Vàng trong nước diễn biến trái chiều, cao hơn thế giới 300.000 đồng

alt