Rùng mình những chuồng cọp lơ lửng giữa Hà Nội

24/08/2011 06:47
Hải Hà
(GDVN) -  Hình ảnh những chiếc lồng sắt bám quanh khu tập thể cũ đã trở nên quá quen thuộc với cuộc sống hàng ngày của người dân Hà Nội.

Chung cư tự ý "cơi nới" thêm tầng

Nhiều khách hàng mua căn hộ tại dự án chung cư cao cấp làng Việt kiều châu Âu (Euroland) lo lắng khi mới đây cơ quan chức năng phát hiện công trình xây thêm 12 tầng khi chưa đủ điều kiện khởi công.

“Khi ký hợp đồng mua căn hộ tại dự án này, chúng tôi thực sự tin lời chủ đầu tư hứa hẹn. Sau hơn 2 năm thi công, công trình đã xây xong phần thô, nhưng hiện chúng tôi rất lo lắng liệu căn hộ mình đã mua có được cấp quyền sở hữu khi mà chủ đầu tư xây thêm 12 tầng và bán hết khi chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý” - Chị Thảo, một khách hàng mua căn hộ chia sẻ với PV Tuổi trẻ..

Thêm vào đó, trên báo điện tử Giáo Dục Việt Nam đăng tải thông tin: 300 chủ hộ sống tại chung cư 93 Lò Đúc (Hà Nội) vừa có đơn tố cáo chủ đầu tư là Công ty khách sạn Kinh Đô đang từng ngày tiến hành cơi nới, thi công trên tầng thứ 27 (tầng thứ 30 tòa nhà) gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống khu dân cư.

Được biết vào năm 2007, tòa chung cư 93 Lò Đúc này từng bị thanh tra xây dựng quận đình chỉ thi công, phải “cắt gọt”, phá dỡ tầng 30.
Được biết vào năm 2007, tòa chung cư 93 Lò Đúc này từng bị thanh tra xây dựng quận đình chỉ thi công, phải “cắt gọt”, phá dỡ tầng 30.

Đại diện khu dân cư bức xúc: Tầng 27 của tòa nhà 93 Lò Đúc được thiết kế để làm tầng áp mái, phục vụ việc chống nóng, chống thấm, thoát khí kỹ thuật và các hoạt động kỹ thuật cho nhà, nếu bị chuyển đổi thành tầng dịch vụ, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống cư dân.

Việc xây dựng trái phép này không những làm tăng đáng kể hàng ngàn mét vuông diện tích sử dụng, vi phạm thiết kế đã được phê duyệt, mà còn làm cho các vấn đề phòng cháy chữa cháy (PCCC), an ninh, môi trường an sinh xã hội trong chung cư vốn đã yếu kém trở nên tồi tệ hơn, khiến hơn 300 gia đình đang sinh sống trong chung cư cực kỳ lo ngại.

“Chuồng cọp” trên sân thượng

Chung cư Licogi 13 (Khuất Duy Tiến, Hà Nội) là tòa nhà cao 15 tầng gồm hai đơn nguyên A và B, chung 1 tầng hầm. Sân thượng của tòa nhà theo thiết kế là tầng kỹ thuật, nhưng đang hiện hữu một nhà mái tôn kiên cố cao khoảng 2,5m, biến sân thượng của tòa nhà thành “chuồng cọp”.

Trao đổi với PV VOV, anh Bình (chủ nhân căn hộ ở tầng 14) bức xúc: “Năm 2009, Công ty Licogi 13 đã làm trộm nhà trên sân thượng của chúng tôi. Từ đó đến nay, sân thượng biến thành nơi đổ phế thải xây dựng của chủ đầu tư trong quá trình sửa chữa hành lang, sảnh, bởi tình trạng gạch bong tróc liên tục.

Chung cư Licogi 13. (Ảnh VOV)
Chung cư Licogi 13. (Ảnh VOV)

Nguy hại hơn, nơi đây đã biến thành nơi trú ngụ của chuột và gián. Công ty Licogi13 coi thường pháp luật, coi thường tính mạng của những người dân sống ở đây. Họ bít kín sân thượng, nếu hỏa hoạn xảy ra ở tầng thấp thì tầng cao chúng tôi biết chạy đi đâu? Năm ngoái đã xảy ra hỏa hoạn ở tòa nhà JSC 34 (đối diện với chung cư Licogi 13 – PV), nhiều người chạy lên sân thượng để thoát nạn”.

Rùng mình những "chuồng cọp" lơ lửng trên cao

Tại các khu chung cư hay nhà tập thể cũ như tập thể Thành Công, tập thể Kim Liên, thuộc quận Đống Đa, hình ảnh “chuồng cọp” đua ra từ những ban công “hít khí trời” cứ đập vào mắt người đi đường. Đó là những lồng sắt có diện tích từ 10 - 15 m2 được nhiều gia đình sinh sống tại các tòa nhà cũ này cơi nới thêm để làm nơi phơi quần áo, đặt máy giặt, hoặc làm nhà kho, thậm chí còn tận dụng làm nơi ở và sinh hoạt mà không tính đến sự nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Tuy nhiên, những vụ hỏa hoạn xảy ra, sự khó khăn trong công tác cứu hỏa của lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy do việc cơi nới tùy tiện dường như không trở thành lời cảnh báo cho những người dân sinh sống ở chung cư!?

Được biết, những khu chung cư này đã trải qua một thời gian dài sử dụng, chất lượng chỉ còn 20- 30% so với chất lượng khi xây dựng.

"Tử thần" rình rập người dân sống tại các khu tập thể cũ. Ảnh Đất Việt
"Tử thần" rình rập người dân sống tại các khu tập thể cũ. Ảnh Đất Việt

Theo thông tin đăng tải trên ANTĐ, dựa trên khảo sát của Sở Tài nguyên - Môi trường và Nhà đất Hà Nội, hầu hết các khu chung cư trước đây đều xây dựng trên nền đất yếu… móng được kết cấu rất nông, chỉ từ 1,5 - 2,5m so với mặt đất. Do vậy rất dễ bị biến động khi có lực tác động. Nhiều khu nhà đã bị nứt, lún, nghiêng… Sự xuống cấp của những khu chung cư trên địa bàn Hà Nội do nhiều nguyên nhân, trong đó có một phần không nhỏ do ý thức của những người trực tiếp sinh sống gây nên...

Theo đánh giá của các chuyên gia xây dựng, về cơ bản, tất cả những tác động trái với kết cấu của khu nhà sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến nó. Sự lún nứt của những dãy nhà chung cư cũ hiện nay không nằm ngoài lý do bị người dân cơi nới, đua lồng sắt... Hiểm họa không chỉ dựng lại ở việc lún nứt, sập nhà, sự “cải tạo” tùy tiện đã tiềm ẩn biết bao nguy cơ... Khi cơi nới sẽ phải đục phá làm thay đổi kết cấu, kiến trúc, hệ thống kỹ thuật của công trình…

Nhiều hộ diện tích cơi nới ngang bằng hoặc thậm chí còn rộng hơn diện tích được cấp phép sử dụng. Hiện tại nhiều ngôi nhà tập thể cao tầng ở Thành Công, Thanh Xuân, Nguyễn Công Trứ, Trung Tự… mức độ ăn mòn sắt thép liên kết mối nối tại vị trí tường ngoài không bảo đảm an toàn bê tông, mối nối bị phá vỡ làm cho sắt thép bị ôxi hóa ăn mòn. Đặc biệt, việc cơi nới đã ảnh hưởng đến quy hoạch tại các khu này khiến các ngôi nhà trở thành mối nguy hiểm đối với sự an toàn của người dân.

“Chuồng cọp” tấn công cả chung cư mới!

Hình ảnh những chiếc lồng sắt bám quanh khu tập thể cũ đã trở nên quá quen thuộc với cuộc sống hàng ngày của người dân Hà Nội. “Chuồng cọp” đã trở thành nét đặc trưng của mọi khu tập thể cũ. Bởi thế, dư luận đã “vô cùng sung sướng” khi chứng kiến các chung cư mới ra đời không còn cảnh vắt vẻo “chuồng cọp”. Vậy mà...

Chuồng cọp nhà N2E Trung Hòa Nhân Chính (Ảnh Dân trí)
Chuồng cọp nhà N2E Trung Hòa Nhân Chính (Ảnh Dân trí)

Những dãy nhà thuộc khu mới nhưng đã nhanh chóng bị xuống cấp với dáng hình méo mó và dày đặc những "lồng chim", "chuồng cọp" to nhỏ, nhếch nhác, đủ màu sắc kích thước. Đó phần lớn là những khu nhà dành cho dân tái định cư dự án làm đường Văn Cao và Khuất Duy Tiến. Và có lẽ bởi cái sự tái định cư ấy mà dân ở đây cứ thoải mái... trở về thời khu tập thể xưa cũ chăng?

Vẫn biết việc lắp đặt "chuồng cọp" trên ban công sẽ gây nguy hiểm cho các hộ bên dưới, làm phá vỡ kiến trúc của tòa nhà, vi phạm quyền hưởng không gian đô thị của ngay chủ nhà và các hộ lân cận. Hơn nữa, tòa nhà bị sửa chữa, đeo thêm lồng sắt còn gây biến dạng kết cấu, ảnh hưởng chất lượng công trình, nhưng người dân vẫn cứ “nhà ta... ta làm”.

Tình trạng cơi nới, lấn chiếm tại các khu tập thể cũ, hay khu chung cư mới xây, nhất là tại các dự án phục vụ di dân tái định cư, các dự án thuộc quỹ nhà do thành phố quản lý để phân phối cho các đối tượng chính sách có nguyên nhân từ sự buông lỏng quản lý, thiếu chủ động của chính quyền cơ sở. Đã đến lúc, các cơ quan quản lý cần vào cuộc xử lý triệt để giải quyết dứt điểm tình trạng "chuồng cọp" tại nhà chung cư, nhà cao tầng vừa gây mất mỹ quan, vừa không đảm bảo an toàn.

Xem thêm: Hình ảnh những chuồng cọp lơ lửng giữa Hà Nội

Hải Hà