Sản phẩm hết hạn sử dụng tại Metro Hoàng Mai là "đòn đau" với NTD

24/06/2013 07:24
T.Phạm (Tổng hợp)
(GDVN) - Sau sự cố siêu thị Metro Hoàng Mai bán bánh bao mốc cho khác hàng, mới đây Chi cục Quản lý Thị trường TP. Hà Nội và Đội quản lý Thị trường số 15 – phụ trách khu vực Quận Hoàng Mai đã vào cuộc kiểm tra siêu thị này và phát hiện nhiều sản phẩm bày bán quá hạn sử dụng. Sự việc càng khiến người tiêu dùng (NTD) thất vọng và mất niềm tin khi mua sản phẩm của siêu thị.
1. Siêu thị Metro Hoàng Mai bán nhiều sản phẩm hết hạn sử dụng 
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tin, sau khi nhận được nhiều phản ánh của người tiêu dùng về việc siêu thị Metro Hoàng Mai bán hàng hết hạng sử dụng,  ngày 19/6 Chi cục Quản lý Thị trường TP. Hà Nội và Đội quản lý Thị trường số 15 – phụ trách khu vực Quận Hoàng Mai đã vào cuộc kiểm tra, kiểm soát trên thực tế tại Metro Hoàng Mai và bắt quả tang siêu thị này đang bán nhiều sản phẩm đã hết hạn sử dụng.

Ngay tại thời điểm kiểm tra tại siêu thị Metro Hoàng Mai, Tổ quản lý thị trường số 2 thuộc Đội quản lý thị trường số 15 đã thu được nhiều sản phẩm sữa tắm Romano khuyến mãi dầu gội đầu ghi nhãn mác không rõ ràng, 7 vỉ sữa chua Proby của Công ty CP Sữa Việt Nam – Vinamilk, tương đương 28 hộp đã hết hạn sử dụng từ ngày 13/6/2013.

Sản phẩm đã hết hạn sử dụng được gần 3 tháng nhưng Metro Hoàng Mai vẫn bày bán bình thường.
Sản phẩm đã hết hạn sử dụng được gần 3 tháng nhưng Metro Hoàng Mai vẫn bày bán bình thường.

Cũng tại thời điểm nói trên, người tiêu dùng cũng đã xuất trình với phía Metro Hoàng Mai về hóa đơn mua hàng và số hàng mua phải hết hạn sử dụng, không đảm bảo chất lượng.

Về việc này, trước đó đại diện của Metro Hoàng Mai khẳng định sẽ sẽ đổi hàng hoặc hoàn tiền cho khách trong trường hợp khách hàng mua phải sản phẩm hết HSD. Tuy nhiên đã hơn 1 ngày trôi qua, khách hàng vẫn chưa nhận được bồi hoàn nào từ phía Metro.

2. Mập mờ nguồn gốc gelatine làm chè khúc bạch

Thông tin từ Infonet cho biết, không khó để mua gelatin tại Hà Nội, dạo qua một vài chợ như Đồng Xuân, Phùng Hưng... trên các gian hàng của quầy bán nguyên liệu chế biến đồ uống, gelatin là thứ được bày công khai, không nhãn mác, cách sử dụng, đóng trong những túi nhỏ khoảng 200gr/túi, hoặc những túi lớn người bán có thể bán lẻ tùy theo nhu cầu của khách.

Giá của nguyên liệu này cũng rất đa dạng, dao động từ 200- 350 nghìn đồng/kg dạng bột, loại lá từ 3.000 – 5.000 đồng/lá.

Gelatin bán tại một gian hàng phố Phùng Hưng, không bao bì nhãn mác, không có bất kỳ một dòng chữ nào, được quảng cáo xuất xứ từ Đức. Ảnh DT
Gelatin bán tại một gian hàng phố Phùng Hưng, không bao bì nhãn mác, không có bất kỳ một dòng chữ nào, được quảng cáo xuất xứ từ Đức. Ảnh DT

Chủ một cửa hàng tại chợ Đồng Xuân có bán gelatin cho hay: "Cả cái chợ này chỉ có gelatin của Pháp với Trung Quốc thôi, làm gì có của Đức, Bỉ gì nhưng nhà chị cũng không có hàng Trung Quốc đâu". Khi được hỏi tất cả các ki ốt thì họ đều nói họ chỉ bán gelatin của Pháp, không có của Trung Quốc.

Tuy nhiên “Gelatin xuất xứ Pháp” như giới thiệu được đựng trong một gói màu vàng, trên bao có dán một tờ giấy vuông nhỏ in ghi vỏn vẹn 3 dòng chữ tiếng Việt: gelatin, xuất xứ Pháp, khối lượng 200g. Mỗi một gói gelatin này có giá 40.000 đồng, tương đương với 200.000 đồng/kg. Rẻ hơn rất nhiều so với glelatin của Pháp đang rao bán trên mạng.
Thậm chí theo quan sát có nhiều gói còn không có nhãn vì mảnh giấy dán sơ sài đã bong lúc nào không hay. Thấy khách chỉ muốn mua với số lượng vài gói và đang chần chừ thắc mắc về nguồn gốc, chủ ki ốt giật ngay gói gelatin trên tay quát “ở đây không bán lẻ”.

Mập mờ nguồn gốc, cách dùng, hạn sử dụng không có, chỉ bằng những lời nói suông của người bán nhưng rất nhiều chủ hàng nước, giải khát vẫn tìm đến mua nguyên liệu này về chế chè khúc bạch bán cho khách.

3. Hàng chục tấn khoai tây Trung Quốc vẫn đổ về Đà Lạt

Báo Thanh niên cho hay, ngày 22/6, đoàn kiểm tra liên ngành TP.Đà Lạt, Lâm Đồng đã kiểm tra tình hình kinh doanh mặt hàng khoai tây tại chợ nông sản Đà Lạt (P.11, TP.Đà Lạt).

Tại chợ này có ba quầy kinh doanh khoai tây nhưng một quầy vắng chủ (đóng cửa). Đoàn đã kiểm tra hai quầy còn lại, phát hiện có khoảng 30 tấn khoai tây Trung Quốc được nhập về đây.

Theo tiểu thương của quầy này, họ nhập khoai tây Trung Quốc từ một người tên Vân ở TP.Đà Lạt với giá 10.000 đồng/kg, sau đó phân loại rồi bán đi khắp nơi với giá khoảng 11.000 đồng/kg. Tuy nhiên, theo hóa đơn mua hàng của bà Vân thì giá khoai tây nhập khẩu này là 3.345 đồng/kg.

Sau khi rửa đất đỏ, lộ nguyên hình là khoai tây Trung Quốc.
Sau khi rửa đất đỏ, lộ nguyên hình là khoai tây Trung Quốc.

Cùng ngày, đoàn kiểm tra liên ngành bất ngờ kiểm tra tại kho chứa khoai tây của một người tên Hiệp ở P.11, TP.Đà Lạt. Lúc kiểm tra chủ kho không có mặt, nhưng tại hiện trường có khoảng 400 kg khoai tây Trung Quốc đã hoàn thành công đoạn “mặc áo đỏ” và tiến hành đóng bao.
Tại hiện trường, một đống khoai tây “đỏ rực” đang nằm dưới đất, bên cạnh là mấy bao đất đỏ đã tán mịn cùng một số bịch khoai tây “đỏ”. Ngay tại hiện trường, đoàn kiểm tra đã dùng nước rửa ngẫu nhiên một ít trong đống khoai tây này. Lập tức, sau khi “cởi áo” thì số khoai tây được rửa trở lại nguyên hình là khoai tây Trung Quốc.
4. Gà đẻ loại thải Hàn Quốc lại bán tràn lan

Sài Gòn tiếp thị đưa tin, sau thời gian dài vắng bóng, gà đẻ loại thải nhập khẩu từ Hàn Quốc lại xuất hiện trên thị trường, đặc biệt là trong hệ thống siêu thị, quán phở gà ta, nhà hàng…

10 giờ sáng ngày 18/6, tại quầy thực phẩm đông lạnh ở siêu thị Big C Miền Đông, quận 10, chỉ trong vòng mười phút, gần chục con gà quay sẵn, bọc trong túi nilông, ghi xuất xứ là gà dai Hàn Quốc đã bán hết sạch. Ngoài loại gà quay sẵn, tại siêu thị Big C Miền Đông còn bán gà dai Hàn Quốc dưới dạng luộc. 

Sau thời gian dài vắng bóng, gà đẻ loại thải nhập khẩu từ Hàn Quốc lại xuất hiện trên thị trường, đặc biệt là trong hệ thống siêu thị.
Sau thời gian dài vắng bóng, gà đẻ loại thải nhập khẩu từ Hàn Quốc lại xuất hiện trên thị trường, đặc biệt là trong hệ thống siêu thị.

Ngoài Big C Miền Đông, gà dai Hàn Quốc còn được bán ở Big C Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình và nhiều hệ thống Big C khác ở TP HCM và các tỉnh lân cận. Một số bạn đọc cho hay siêu thị Big C Đồng Nai (ngã ba Vũng Tàu) cũng bán gà dai bọng.

Hồi tháng 10 năm ngoái, trước thông tin gà dai bọng Hàn Quốc chỉ là loại gà đẻ loại thải kém chất lượng, có nguy cơ tồn dư kháng sinh cao nên hệ thống siêu thị Big C công bố không bán loại gà này.

Ngoài hệ thống siêu thị, một số đầu mối nhập khẩu còn cho biết gà đẻ loại thải được sử dụng nhiều ở các quán phở mang thương hiệu “phở gà ta”. Giám đốc một doanh nghiệp nhập khẩu tiết lộ để tiết giảm chi phí, các chủ quán “phở gà ta” thường sử dụng 50% gà nuôi trong nước và 50% gà đẻ loại Hàn Quốc.

5. Thật giả điểm đổi mũ bảo hiểm trợ giá

Thông tin từ báo Tuổi trẻ cho biết, ngày 21/6, ngày đầu tiên đổi mũ bảo hiểm trợ giá đợt 2 tại TP.HCM, khi các tình nguyện viên, đoàn viên đang chuẩn bị cho việc đổi mũ ở Trường tiểu học Nguyễn Trường Tộ (đường Xóm Chiếu, P.16, Q.4) thì xuất hiện một nhóm người thăm dò tình hình. Đến trưa, khi nhiều người tập trung về đổi mũ thì nhóm người này đi ra phía đối diện cổng Trường tiểu học Nguyễn Trường Tộ (thuộc địa bàn P.15, Q.4) và giăng nhiều băngrôn với nội dung: “Điểm đổi nón của Công ty Phú Gia Khang, hỗ trợ giá 70%, bù thêm 69.000 đồng. Đổi nón cũ - hư - dỏm - bể. Bảo hành năm năm”. Những băngrôn này nhanh chóng thu hút nhiều người đến đổi mũ vì nhầm tưởng đây cũng là một điểm đổi mũ bảo hiểm đạt chất lượng có trợ giá của Ban An toàn giao thông.

QLTT kiểm tra, phát hiện Công ty sản xuất MBH Duyên Lành (Bình Tân) sản xuất MBH giả, sản xuất mũ từ nhựa phế thải - Ảnh: L.Sơn
QLTT kiểm tra, phát hiện Công ty sản xuất MBH Duyên Lành (Bình Tân) sản xuất MBH giả, sản xuất mũ từ nhựa phế thải - Ảnh: L.Sơn

Bức xúc trước việc này, nhiều đơn vị tham gia đổi mũ bảo hiểm có trợ giá theo chương trình của Ban An toàn giao thông TP.HCM và Quận đoàn 4 đã phản ảnh với chính quyền địa phương. Ngay sau đó, Công an P.15, Q.4 đã có mặt tại hiện trường dẹp điểm đổi mũ bảo hiểm “ăn theo” này.
Ông Trần Quốc Hùng - ủy viên thường trực Ban An toàn giao thông TP.HCM - cho biết hiện đã xuất hiện nhiều điểm đổi mũ bảo hiểm “ăn theo” các điểm đổi mũ bảo hiểm có trợ giá do Ban An toàn giao thông tổ chức. Do đó người dân cần phải cẩn thận khi đi đổi mũ. Theo ông Hùng, chỉ còn 6 doanh nghiệp tham gia chương trình đổi mũ bảo hiểm có trợ giá gồm Công ty Chí Thành, Công ty quốc tế Đại Việt, Đức Huy, Công ty Ánh Tốc, Công ty Á Châu, Công ty Thiết bị sản phẩm an toàn VN.
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi
T.Phạm (Tổng hợp)