Sau “Hội nghị Diên Hồng”, quan trọng là tư tưởng Thủ tướng "ngấm" đến đâu

10/05/2016 14:55
Mai Anh
(GDVN) - “Quan trọng nhất, tư tưởng của Thủ tướng "ngấm" xuống các cấp lãnh đạo Bộ, Ngành, chính quyền địa phương ra sao”, PGS.TS Bùi Quang Bình chia sẻ.

Hội nghị doanh nghiệp Việt Nam 2016 dưới sự chủ trì trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc được ví như “Hội nghị Diên Hồng” dành cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và được kỳ vọng sẽ tạo bước chạy đà hoàn hảo giúp doanh nghiệp Việt bứt phá trong thời gian tới.

Ngay sau cuộc gặp gỡ, nội dung của “Hội nghị Diên Hồng” đã được thực thi qua hàng loạt chỉ đạo thiết thực của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gắn liền với phương châm: Tạo mọi điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển.

“Hội nghị Diên Hồng” sẽ tạo bước chạy đà hoàn hảo để doanh nghiệp Việt bứt phá trong thời gian tới/Ảnh: Cổng thông tin Chính phủ.
“Hội nghị Diên Hồng” sẽ tạo bước chạy đà hoàn hảo để doanh nghiệp Việt bứt phá trong thời gian tới/Ảnh: Cổng thông tin Chính phủ.

Chỉ đạo của Thủ tướng rất rõ ràng, vấn đề còn lại là việc thực hiện của các Bộ, Ngành, địa phương.

Đây cũng chính là băn khoăn của PGS.TS Bùi Quang Bình – Tạp chí Khoa học kinh tế khi trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về hiệu ứng sau cuộc gặp gỡ của Thủ tướng, lãnh đạo các Bộ, ban ngành với doanh nghiệp Việt vừa qua. 

Thủ tướng đã lắng nghe và chỉ đạo mạnh mẽ

PGS.TS Bùi Quang Bình đánh giá, những sự kiện vừa diễn ra trước, trong và sau “Hội nghị Diên Hồng” dành cho doanh nghiệp Việt thể hiện cách nhìn mới của Chính phủ về vai trò của doanh nghiệp.

Chính phủ khẳng định, doanh nghiệp chính là động lực phát triển kinh tế, trong đó không phân biệt doanh nghiệp tư nhân, nhà nước hay doanh nghiệp nước ngoài... Cộng đồng doanh nghiệp nói chung đều là động lực để đưa kinh tế Việt Nam phát triển.

“Điểm đặc biệt ở đây là người đứng đầu và các thành viên Chính phủ đã gặp gỡ doanh nghiệp để tận tai nghe doanh nghiệp nói. Điều này có nghĩa, những vấn đề vướng mắc doanh nghiệp đưa ra sẽ được lắng nghe trực tiếp và sẽ được giải quyết triệt để”- PGS.TS Bùi Quang Bình tin tưởng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Đừng coi doanh nghiệp là đối tượng quản lý mà là đối tượng phục vụ - Ảnh: VGP/Quang Hiếu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Đừng coi doanh nghiệp là đối tượng quản lý mà là đối tượng phục vụ - Ảnh: VGP/Quang Hiếu.

Thực tế, những vướng mắc doanh nghiệp gặp phải đã được phản ánh rất rõ qua chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI) và chất lượng dịch vụ công (PAPI). Theo đó, cả chỉ số CPI và PAPI thể hiện chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp hiện nay đều chưa tốt.

“Môi trường quản lý hiện nay được doanh nghiệp nói đến với quá nhiều thủ tục phức tạp. Chẳng hạn thủ tục thuế quá dài, từ nộp thuế, hoàn thuế cùng với đó là biện pháp giám sát rất công kềnh nhưng không hiệu quả. Tức là thanh, kiểm tra liên tục nhưng hiệu quả cuối cùng không đạt được. Nhiều doanh nghiệp làm bậy, làm sai vẫn chưa bị xử lý triệt để. Qua đó cho thấy, hiệu lực quản lý nhà nước chưa cao” – PGS.TS Bùi Quang Bình nói.

Điều đó cũng thể hiện rõ trong ý kiến của doanh nghiệp khi thẳng thắn cho rằng "mong nhà nước coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ chứ không phải đối tượng quản lý".

“May mắn Thủ tướng đã trực tiếp nghe những bức xúc này và chính Thủ tướng cũng đã có chỉ đạo”, ông Bình nói.

Sau “Hội nghị Diên Hồng”, quan trọng là tư tưởng Thủ tướng "ngấm" đến đâu ảnh 3

Kiên quyết xử lý cán bộ gây phiền hà cho doanh nghiệp

(GDVN) - Thủ tướng chỉ đạo, kiên quyết xử lý các cán bộ, công chức vi phạm quy trình xử lý hồ sơ, gây phiền hà cho doanh nghiệp.

Sau “Hội nghị Diên Hồng”, quan trọng là tư tưởng Thủ tướng "ngấm" đến đâu ảnh 4

"Hội nghị Diên Hồng" với doanh nghiệp lần này rất khác, rất đặc biệt

(GDVN) - TS. Cao Sỹ Kiêm cho biết, ông từng được dự nhiều hội nghị Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp, nhưng Hội nghị doanh nghiệp 2016 rất khác, rất đặc biệt.

Theo PGS.TS Bùi Quang Bình, hiệu ứng rõ nhất sau “Hội nghị Diên Hồng” chính là việc các ngân hàng thực hiện giảm lãi suất cho vay. Cùng với đó là những chỉ đạo giải quyết vấn đề thủ tục hành chính như cấp giấy phép, thuế, thanh tra, kiểm tra...

“Đó là những tín hiệu đáng mừng, bước đầu mang lại niềm tin cho doanh nghiệp và người dân”, ông Bình nhận xét.

Có "ngấm" được tư tưởng của Thủ tướng?

Tuy nhiên, điều khiến PGS.TS Bùi Quang Bình băn khoăn là liệu các Bộ, Ban, ngành thực thi chỉ đạo của Thủ tướng như thế nào? Có thực sự cải cách, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hay không?

Quan điểm xuyên suốt ở đây là Chính phủ, các Bộ, Ngành, địa phương phải coi doanh nghiệp là động lực để phát triển kinh tế để tìm cách tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp, đó là tín hiệu mừng.

Tuy nhiên, quan điểm đã rõ nhưng để thực thi còn liên quan đến nhiều vấn đề từ thể chế, luật, văn bản quy phạm pháp luật, vấn đề quản lý điều hành của các cơ quan từ cấp trung ương đến chính quyền địa phương.

“Có một thực tế, khi được hỏi doanh nghiệp cho biết chính quyền địa phương cấp tỉnh, lãnh đạo tỉnh rất đổi mới, năng nổ nhưng hưởng ứng chủ trương đổi mới từ cấp trên của các quận, huyện, sở, ban ngành lại chưa theo kịp. Thực tế này nói lên câu chuyện bộ máy quản lý của chúng ta vẫn còn trục trặc”, ông Bình nói.

“Tư tưởng của Thủ tướng "ngấm" xuống các cấp lãnh đạo bộ ngành, chính quyền địa phương ra sao mới là điều quan trọng”, ông Bình nhấn mạnh.

Để giải quyết tồn tại này, theo PGS.TS Bình, cần phải buộc trách nhiệm cá nhân người đứng đầu. “Cách làm của ông Đinh La Thăng là ý hay, phải nêu cao trách nhiệm cá nhân, không làm tốt thì cách chức, miễn nhiệm”, PGS.TS Bùi Quang Bình kết luận.

Mai Anh