Sau sự cố Maria, phòng khám 59 Khương Trung “đóng cửa” bất thường?

19/07/2012 14:04
P.T
(GDVN) -Quảng cáo bằng vô số "mỹ từ" thu hút khách hàng nhưng sau sự cố chết người ở phòng khám Maria, phòng khám đa khoa 59 Khương Trung bỗng thông báo đóng cửa.


Sau khi bị kiểm tra
, bác sĩ bất ngờ đi nghỉ mát

Sau sự cố gây chết người tại phòng khám Maria, 65- 67 Thái Thịnh, Đống Đa, Hà Nội, chiều ngày 17/7/2012, Sở Y tế Hà Nội đã tiến hành kiểm tra đột xuất phòng khám đa khoa 59 Khương Trung và phát hiện bác sĩ nước ngoài tại đây chưa được cấp phép vào khám chữa cho bệnh nhân, sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, kê đơn không rõ ràng.

Đến hôm nay, phòng khám này lấy lý do bảo trì máy móc và tạm thời đóng cửa.

16h ngày 17/7/2012, trong vai bệnh nhân, phóng viên báo điện tử Giáo dục Việt Nam đến phòng khám 59 Khương Trung đăng ký khám bệnh. Thời điểm này, phòng khám khá vắng vẻ, bên trong chỉ còn vài bệnh nhân đang điều trị dang dở, cố gắng nán lại lấy thuốc về nhà điều trị.
 
Sau khi nghe chúng tôi trình bày bệnh trạng, nhân viên y tế tại đây cho biết: “Chị thông cảm, các bác sĩ đi nghỉ mát hết nên tạm thời phòng khám không khám bệnh”.
Ngay sau khi Sở Y tế Hà Nội "sờ gáy", các bác sĩ của phòng khám này đã đi nghỉ mát.
Ngay sau khi Sở Y tế Hà Nội "sờ gáy", các bác sĩ của phòng khám này đã đi nghỉ mát.
Tiếp đó, nhân viên y tế trấn an: "Phòng khám chúng em tổ chức hai đợt nghỉ mát cho bác sĩ và nhân viên. Tạm thời, các bác sĩ đang đi nghỉ mát, chỉ có nhân viên lễ tân và y tá ở lại đón tiếp bệnh nhân. Các bệnh nhân đến đây cũng đều phải ra về, không có gì thay đổi tuần sau chị đến khám. Bệnh của chị cũng không nghiêm trọng như chị lo đâu. Phòng khám có cả bác sĩ nội và ngoại chị cứ lựa chọn thoải mái, chi phí khám như nhau”.

Trong khi đó, những bệnh nhân đang khám bệnh dở dang tại đây khẳng định các bác sĩ vẫn còn trong phòng khám, khám phụ khoa hay nam khoa đều có bác sĩ.

Sáng 18/7, phóng viên tiếp tục liên hệ tới phòng khám 59 Khương Trung để đặt lịch khám thì nhận được thông tin: “Phòng khám chúng em đóng cửa tạm để bảo trì máy móc. Hiện tại phòng khám không tiếp bệnh nhân”. Câu hỏi về việc bác sĩ đi nghỉ mát về chưa? Nhân viên cho biết bác sĩ nghỉ phép vì phòng khám đóng cửa. Hẹn bệnh nhân đến khám từ ngày 10/8.

Đối với bệnh nhân đang điều trị dở dang, nhân viên y tế cho biết nên liên hệ với bác sĩ điều trị trực tiếp để được uống thuốc đúng phác đồ.

Ngậm đắng mất hàng chục triệu vì viêm tiết niệu thành viêm tuyến tiền liệt

Trước đó, phản ánh đến báo điện tử Giáo Dục Việt Nam về quá trình điều trị tại phòng khám 59 Khương Trung, anh Nguyễn Văn Thao (Thạch Thất, Hà Nội) cho biết: Cách đây nửa tháng anh thường xuyên bị đau bụng, đi tiểu buốt. Nghe quảng cáo về phòng khám chuyên nam khoa 59 Khương Trung, anh Thao tìm đến khám bệnh.

Ban đầu, anh Thao được bác sĩ tại đây chẩn đoán viêm tiền liệt tuyến cấp. “Nghe bác sĩ nói nếu không chữa nhanh sẽ dẫn đến ung thư tiền liệt tuyến mà tôi phát hoảng", vì thế anh Thao đồng ý điều trị ngay tại phòng khám.

Bác sĩ tư vấn anh Thao thực hiện phẫu thuật với chi phí hết khoảng 5 triệu đồng. Cho rằng, sau phẫu thuật bệnh của mình sẽ dứt điểm nên anh Thao đồng ý. Tuy nhiên, trong vòng 9 ngày điều trị, tổng chi phí anh Thao phải trả lên đến hơn 20 triệu đồng. Nếu tính cả chi phí đi lại, ăn ở... anh Thao "mất đứt" khoảng 28 triệu đồng. Song điều làm anh bức xúc nhất là chưa bao giờ các bác sĩ cho anh biết khi nào anh có thể ra viện.
Anh Thao giữ lại một hóa đơn điều trị ngày ít tiền nhất để vợ anh khỏi xót tiền. Ảnh P.T
Anh Thao giữ lại một hóa đơn điều trị ngày ít tiền nhất để vợ anh khỏi xót tiền. Ảnh P.T
Xót của và mập mờ về thông tin anh Thao quyết định đến bệnh viện Việt Đức khám lại. Tại đây, anh được bác sĩ chẩn đoán chỉ bị viêm tiết niệu thông thường, không ảnh hưởng tuyến tiền liệt. Vết mổ nội soi tuyến tiền liệt đã hồi phục nhưng nhớ lại thời gian điều trị tại phòng khám 59 Khương Trung, anh Thao vẫn còn rùng mình.

Chị Nguyễn Thị Loan (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng từng ngậm đắng nuốt cay khi điều trị viêm phần phụ ở phòng khám này với 3 ngày mất 14 triệu đồng. Khi chị Loan yêu được trả hồ sơ bệnh án, nhân viên không trả và bắt chị Loan ký cam kết bỏ điều trị đồng thời sẽ tự chịu trách nhiệm về bệnh tât. Tức giận, chị Loan bỏ điều trị và đến khám tại một bệnh viện chuyên khoa trong thành phố với kết luận chị bị viêm phần phụ do nhiễm nấm, chỉ mua thuốc về nhà đặt là khỏi.

Trước đó, phòng khám này đã bị nhiều bệnh nhân tố cáo về việc thu phí dịch vụ đắt đỏ trong khi nhân viên của phòng khám luôn khẳng định: “So với các phòng khám có dịch vụ tương đương, giá cả như phòng khám 59 Khương Trung là phải chăng. Bệnh nhân đến đây khám phải chấp nhận vì dịch vụ tốt từ khâu gửi xe”.

Tuy nhiên, sau những trường hợp như anh Thao, chị Loan cùng việc đóng cửa phòng khám bất thường hiện nay, nhiều người không khỏi đặt dấu hỏi về hoạt động của phòng khám này.

P.T