Sau thảm họa Germanwings: Cục hàng không Việt Nam ra chỉ thị an toàn

30/03/2015 10:23
Mai Anh (Tổng hợp)
(GDVN) - “Tổ lái chỉ có 02 (hai) thành viên, nếu một người ra ngoài buồng lái thì Tiếp viên trưởng trên chuyến bay phải có mặt trong buồng lái...".

Theo đó Cục Hàng không Việt Nam vừa ban hành Chỉ thị số 1469/CT-CHK về việc tăng cường bảo đảm an ninh hàng không của Cục hàng không Việt Nam nêu rõ, trong chuyến bay 4U 9525 ngày 24/3/2015 của Hãng hàng không Germanwings (Đức) lao vào vách núi làm 150 người trên chuyến bay thiệt mạng, kết quả phân tích dữ liệu cho thấy nhiều khả năng do phi công phụ đã hành động tự sát.

Qua vụ việc trên đặt ra yêu cầu cần phải tăng cường kiểm soát buồng lái trong suốt chuyến bay để bảo đảm an ninh, an toàn cho chuyến bay. Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng hàng không thực hiện việc tăng cường công tác kiểm soát an ninh nội bộ, nhất là đối với tổ bay; nắm chắc tình hình, diễn biến tư tưởng và những sinh hoạt có dấu hiệu bất thường để làm rõ, có biện pháp xử lý kịp thời.

Cục Hàng không Việt Nam vừa ban hành Chỉ thị số 1469/CT-CHK về việc tăng cường bảo đảm an ninh hàng không (ảnh minh họa )
Cục Hàng không Việt Nam vừa ban hành Chỉ thị số 1469/CT-CHK về việc tăng cường bảo đảm an ninh hàng không (ảnh minh họa )

Rà soát lại các quy trình, tài liệu liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ và duy trì kiểm soát an ninh, an toàn của tổ bay trong buồng lái khi thực hiện chuyến bay để sửa đổi, bổ sung nhằm ngăn chặn trường hợp mất kiểm soát do hành vi phá hoại cố ý của thành viên tổ lái.

“Tổ lái chỉ có 02 (hai) thành viên, nếu một người ra ngoài buồng lái thì Tiếp viên trưởng trên chuyến bay phải có mặt trong buồng lái cho tới khi thành viên tổ lái trở lại bên trong buồng lái”, Chỉ thị của Cục Hàng không nêu rõ.

Bên cạnh đó Cục Hàng không cũng yêu cầu Phòng Tiêu chuẩn An toàn bay phối hợp với Phòng An ninh hàng không rà soát và ban hành Bộ Quy chế an toàn hàng không lĩnh vực tàu bay và khai thác thác tàu bay để kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm ngăn chặn việc việc mất kiểm soát trong buồng lái của chuyến bay.

Đồng thời thực hiện các quy định về xã hội hóa trong đào tạo và tuyển dụng người lái, bảo đảm kiểm soát tốt an ninh nội bộ đối với người lái; phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện việc nghiên cứu, đề xuất nội dung kiểm tra về tâm, sinh lý trong các đợt khám tuyển và giám định sức khỏe người lái.

Ngay sau chỉ thị này của Cục Hàng không, trao đổi với báo chí ông Lại Xuân Than - Cục trưởng Hàng không cho biết, hiện chưa có quy định phải báo cáo việc giám sát phi công tại Đoàn bay của các hãng hàng không về cơ quan quản lý. Giải pháp trước mắt là yêu cầu các hãng tăng cường giám sát an ninh nội bộ đối với đội ngũ phi công. Cục Hàng không sẽ rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để bổ sung biện pháp an ninh liên quan đến tình huống xảy ra như vụ tai nạn máy bay của Đức.

Theo ông Thanh, nếu đưa thêm một phi công nữa vào buồng lái để có 3 phi công trên chuyến bay thì rất khó áp dụng. Bởi không chỉ làm tăng thêm nhân lực mà còn tăng thêm cả chi phí. Trong khi trong khoang lái vẫn có một ghế phụ vì vậy nếu đưa tiếp viên vào buồng lái thì vẫn thực hiện được nguyên tắc 2 người mà lại không ảnh hưởng gì đến hoạt động điều hành bay của phi công.

Về việc tăng cường an ninh an toàn hàng không, đại diện Vietnam Airlines cho biết, quy định về phi công và số người luôn có mặt trong buồng lái đã có trong quy định thuộc tài liệu khai thác bay của Vietnam Airlines (Flight Operation Manual - FOM) được Cục Hàng không phê chuẩn từ 2005 và tiếp tục duy trì cho đến bản mới nhất được Cục phê chuẩn năm 2014.

“Trên các chuyến bay của Vietnam Airlines, trước khi có người lái nào rời buồng lái vì bất kể lý do gì, phải gọi một tiếp viên vào và tiếp viên đó phải ở trong buồng lái cho tới khi người lái quay trở lại”, đại diện Vietnam Airlines cho biết.

Mai Anh (Tổng hợp)