Siêu địa tô trên mảnh đất 3G cằn cỗi

19/11/2013 14:02
Hồng Anh
(GDVN) - Sau khi tăng cước 3G, nhà mạng dự kiến sẽ có thêm hàng nghìn tỷ đồng từ người dùng. Nhưng chưa đủ, họ còn muốn tiếp tục chặn các ứng dụng nhắn tin miễn phí, để móc túi thêm từ người dùng hàng nghìn tỷ đồng nữa.
Vài năm trước đây, khi mới cung cấp 3G, tất cả các nhà mạng đều “giương cao ngọn cờ” ủng hộ các dịch vụ nội dung trên Internet giúp cho họ tăng lưu lượng sử dụng dữ liệu. Thế nhưng, bất chấp các chương trình kích cầu, miễn phí 3G cực mạnh của nhà mạng, nhu cầu sử dụng dữ liệu cũng không nhúc nhích là mấy. Lúc đó, người dùng chủ yếu vào mạng để check mail hoặc đọc báo mà những dịch vụ này không “đốt” băng thông là bao.

Thế nhưng từ khi Facebook mở rộng, sau đó lần lượt đến lượt các dịch vụ nhắn tin miễn phí (OTT) nở rộ, mọi việc hoàn toàn thay đổi. Nhu cầu sử dụng 3G hàng ngày của hàng chục triệu người dùng di động Việt Nam bỗng tăng vọt và nhà mạng không cần phải khuyến mại hay miễn phí thì khách hàng vẫn “đốt” dữ liệu đều đều. Facebook và các OTT chính là các ứng dụng nội dung bom tấn kích cầu 3G cực mạnh cho nhà mạng.

Facebook và các dịch vụ nhắn tin miễn phí (OTT) nở rộ, nhu cầu sử dụng 3G hàng ngày của hàng chục triệu người dùng di động Việt Nam bỗng tăng vọt.
Facebook và các dịch vụ nhắn tin miễn phí (OTT) nở rộ, nhu cầu sử dụng 3G hàng ngày của hàng chục triệu người dùng di động Việt Nam bỗng tăng vọt.

Và khi nhu cầu đã tăng cao, số lượng người dùng nhảy vọt, nhà mạng viện lý do giá bán thấp hơn giá thành để thực hiện một cú tăng giá ngoạn mục – điều rất lâu rồi mới xảy ra cho ngành di động (nhiều năm gần đây chỉ giảm chứ không tăng). Theo ước tính sơ bộ, Việt Nam có khoảng 19,4 triệu thuê bao 3G đang hoạt động trong số khoảng trên 117,6 triệu thuê bao di động đang phát sinh cước.

Trong đó, số thuê bao 3G bị ảnh hưởng bởi tăng cước 9,4 triệu thuê bao. Nếu tính trung bình mỗi thuê bao phải chi thêm 20.000 đồng/tháng (mức sử dụng chung trên thị trường tăng từ 50.000 lên 70.000 đồng/tháng), mỗi năm các nhà mạng đã thu thêm khoảng 2.256 tỷ đồng từ việc tăng giá này.

Nhưng sau khi tăng giá, thay vì nâng cấp chất lượng dịch vụ để khách hàng dùng 3G với các ứng dụng nội dung tốt hơn, các ông lớn viễn thông lại "bồi" thêm một cú đánh liên hoàn khác: chặn OTT hoặc bắt người dùng phải trả thêm tiền nếu muốn sử dụng OTT. Cùng với thời điểm cước 3G tăng giá, hàng loạt người dùng lên tiếng về việc dùng ứng dụng nhắn tin miễn phí như Viber, Line, Zalo, Kakao Talk trục trặc dù khi chuyển sang wifi thì lại chạy ngon lành.

Việc dùng ứng dụng nhắn tin miễn phí như Viber, Line, Zalo, Kakao Talk trục trặc khi cước 3G tăng giá.
Việc dùng ứng dụng nhắn tin miễn phí như Viber, Line, Zalo, Kakao Talk trục trặc khi cước 3G tăng giá.

Chưa hết, thông tin hành lang còn râm ran việc các nhà mạng sẽ tung ra gói cước OTT – bắt người dùng phải trả thêm tiền mới được dùng nhắn tin miễn phí (sử dụng gói cước của họ), nếu không sẽ sử dụng các biện pháp kỹ thuật để chặn dịch vụ. Nếu thực hiện điều này thành công, chỉ cần thu thêm 20.000 đồng/thuê bao, nhà mạng sẽ có thêm cả nghìn tỷ đồng nữa từ người dùng; còn khách hàng sẽ phải móc túi trả thêm cho dịch vụ mà trước đây được miễn phí.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, việc nhà mạng tăng mạnh giá 3G để thu thêm hàng nghìn tỷ đã là một cú sốc với người dùng di động. Giờ đây ông lớn viễn thông lại lăm le móc túi của người tiêu dùng thêm hàng nghìn tỷ đồng nữa như một khoản siêu địa tô trên mảnh đất 3G mà họ nắm quyền sở hữu.

Cả chục triệu người dùng di động tại Việt Nam sẽ phải trả thêm nhiều nghìn tỷ đồng cho một dịch vụ kém hơn mà giá lại cao hơn. Những ông địa chủ 3G với lợi nhuận lên tới hàng tỷ USD không chia sẻ khó khăn với người dùng mà chỉ tìm cách thu thêm cho đầy túi là điều khác hẳn so với bức tranh ngành viễn thông vài năm trước đây.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, dường như bóng ma của độc quyền di động đang quay trở lại./.
Hồng Anh