Siêu thị điện máy không bán được 500 triệu đồng/ngày là lỗ

07/09/2013 07:45
Hoàng Lực
(GDVN) - Theo tính toán của chính các doanh nghiệp, để vận hành một siêu thị điện máy, chi phí mỗi tháng không dưới 5 tỷ đồng, một năm khoảng 60 tỷ đồng. Để hòa vốn thì các DN phải đạt doanh số 15 tỷ đồng/tháng, tính ra mỗi ngày phải bán được 500 triệu đồng. Dưới mức này coi như thua lỗ.
Mới đây chuỗi siêu thị điện may HomeOne (Công ty CP Dịch vụ Bán lẻ Tiên Phong) vừa đóng cửa siêu thị điện máy tại ngã ba Phan Văn Trị - Nguyễn Oanh (Quận Gò Vấp, TP.HCM) vào chiều ngày 31/8 và tại tầng B1 của Vincom Center A (Quận 1, TP.HCM) vào ngày 2/9 vừa qua. Trước đó từ nhiều tháng, HomeOne  nợ tiền thuê mặt bằng, tiền lương nhân viên lên tới hàng tỷ đồng do kinh doanh thua lỗ. Khi mới thành lập, HomeOne có số vốn khoảng 200 tỷ đồng, nhưng chỉ sau 2 năm kinh doanh đã gần như kiệt sức và phải ngừng hoạt động.
nhiều hệ thống siêu thị kinh doanh điện máy đang trong tình cảnh khó khăn, sức mua giảm doanh thu lợi nhuận giảm cùng với đó "cuộc chiến" cạnh tranh khiến không ít doanh nghiệp kinh doanh điện máy phải phá sản.
nhiều hệ thống siêu thị kinh doanh điện máy đang trong tình cảnh khó khăn, sức mua giảm doanh thu lợi nhuận giảm cùng với đó "cuộc chiến" cạnh tranh khiến không ít doanh nghiệp kinh doanh điện máy phải phá sản.
Tương tự như HomeOne, hệ thống siêu thị Việt Long, một trong những thương hiệu Việt đầu tiên trong lĩnh vực bán lẻ điện máy cũng đang trong tình cảnh hết sức khó khăn. Nhiều nhà cung cấp không còn chịu bán hàng trả chậm, mà yêu cầu Việt Long muốn mua hàng phải thanh toán ngay. Cách đây 3 tháng, Việt Long đã phải đóng cửa siêu thị điện máy lớn tại số 10 Trần Phú (Hà Đông- Hà Nội). Theo lý giải của các chuyên gia, giữa các doanh nghiệp kinh doanh điện máy hiện nay đang diễn ra “cuộc chiến” ngầm rất khốc liệt. Chính sự cạnh tranh và những chiêu trò nhằm triệt hạ đối thủ này đã khiến các doanh nghiệp kinh doanh điện máy đang cùng kéo nhau “chết chìm” với những khó khăn chồng chất. Những khó khăn không chỉ diễn ra với đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ. Ngay cả những “đại gia” điện máy như Trần Anh, Pico... cũng thừa nhận đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, khi trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về thông tin quý 2/2013 Trần Anh lỗ 6 tỷ đồng - ông Lê Việt Chung - phụ trách Marketing Hệ thống siêu thị điện máy – máy tính Trần Anh cho rằng: “Không có chuyện Trần Anh lỗ 6 tỷ đồng, thông tin đăng tải trên một số báo là do nhầm lẫn. Trong quý 2/2013 Trần Anh lãi 1,5 tỷ đồng, thông tin này chúng tôi đã đăng tải công khai trên trang web chính thức của Trần Anh trong phần báo cáo Tài chính quý 2/2013”.
Đại diện hệ thống siêu thị điện máy Trần Anh khẳng định không có chuyện đơn vị này lỗ 6 tỷ đồng 6 tháng đầu năm
Đại diện hệ thống siêu thị điện máy Trần Anh khẳng định không có chuyện đơn vị này lỗ 6 tỷ đồng 6 tháng đầu năm
Nói về những chiêu trò nhằm triệt hạ từ các đối thủ cạnh tranh, ông Lê Việt Chung cho rằng, quyền quyết định cuối cùng và quan trọng nhất vẫn là sự lựa chọn của người tiêu dùng. Theo ông Chung người tiêu dùng hiện nay cũng rất thông minh họ chủ động nắm bắt mọi thông tin liên quan đến sản phẩm, chương trình khuyến mại marketing không lành mạnh. “Từ đó người tiêu dùng cũng hiểu ra vấn đề do vậy không dễ để các đối thủ cạnh tranh có thể bôi xấu, bịa đặt cho Trần Anh” ông Chung nói.
Qua lời kể của ông Chung, những trường hợp đối thủ cạnh tranh bằng cách này cách khác đưa thông tin so sánh giá, cho rằng giá một sản phẩm của Trần Anh cao so với giá của các địa chỉ điện máy khác. “Ở đây có thể thấy thứ nhất việc so sánh này đã vi phạm luật cạnh tranh vì vậy Trần Anh sẽ thông báo cho các cơ quan quản lý nhà nước để yêu cầu họ làm đúng theo luật. Thứ hai, nếu xảy ra việc cạnh tranh giá, Trần Anh sẽ làm việc lại với các hãng để họ sẽ đồng thuận đưa ra giá đồng nhất cho toàn bộ hệ thống để không gây thiệt hại về kinh tế và danh tiếng của doanh nghiệp”, ông Chung phân tích. Liên quan đến việc Trần Anh đầu tư mở rộng thêm nhiều điểm cơ sở kinh doanh thời gian qua khiến nhiều người lo lắng cho rằng đây sẽ là sự mạo hiểu của Trần Anh, tuy nhiên theo lý giải của ông Chung đây là động thái đi trước một bước đón đầu thị trường, “khi thị trường ấm lên Trần Anh sẽ đi trước một bước để bứt phá”, ông Chung nhấn mạnh.

Cũng trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam về những chiêu trò nhằm cạnh tranh giành thị trường của doanh nghiệp kinh doanh điện máy, ông Nguyễn Quang Đức - Phó phòng Marketing của hệ thống siêu thị điện máy Pico cho rằng, trong kinh doanh câu chuyện đó là không tránh khỏi.

“Thực ra trong cạnh tranh việc một đơn vị kinh doanh mặt hàng này bị các đối thủ khác có hành vi “chơi xấu” bằng cách này cách kia là chuyện bình thường. Với Pico khi gặp phải những trường hợp như vậy thay vì tranh cãi chúng tôi thể hiện bằng cách tăng cường làm tốt hơn nữa việc phục vụ khách hàng. Thường sau đó một thời gian khi khách hàng nhận ra sau đó hành vi “chơi xấu” kia của những đối thủ cạnh tranh sẽ tự biến mất” – ông Nguyễn Quang Đức cho biết.  

Theo lời kể của ông Đức, trước đây có trường hợp một đơn vị liên tục đăng tải thông tin so sánh giá máy tính của Pico với các sản phẩm của họ và cho rằng giá trừ khuyến mại của Pico cao hơn của họ. Đó là cách cạnh tranh không lành mạnh nhưng sau đó đơn vì này cũng tự gỡ bỏ vì không hiệu quả.

Thực tế các đơn vị kinh doanh điện máy hiện nay đang chạy đua cạnh tranh trên thị trường. Để đánh bại đối thủ có đơn vị còn đứng sau “đạo diễn” dưới chiêu bài người tiêu dùng để “soi” các chiến lược kinh doanh, chương trình khuyến mại của đối thủ. Theo ông Đức, tuy chưa có bằng chứng nhưng điều này là có và cũng không thể tránh khỏi nhất là với môi trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.

Pico đã từng bị đối thủ "chơi xấu" nhưng thay vì tranh cãi Pico thể hiện bằng cách tăng cường làm tốt hơn nữa việc phục vụ khách hàng. Sau đó một thời gian khi khách hàng nhận ra sau đó hành vi “chơi xấu” kia của những đối thủ cạnh tranh sẽ tự biến mất
Pico đã từng bị đối thủ "chơi xấu" nhưng thay vì tranh cãi Pico thể hiện bằng cách tăng cường làm tốt hơn nữa việc phục vụ khách hàng. Sau đó một thời gian khi khách hàng nhận ra sau đó hành vi “chơi xấu” kia của những đối thủ cạnh tranh sẽ tự biến mất

Về tình hình kinh doanh Pico thời gian qua ông Đức cho biết, kết quả kinh doanh của Pico trong 6 tháng đầu năm giảm 10%, lợi nhuận thấp đi nhiều do sự cạnh tranh của nhiều đơn vị và kinh tế khó khăn. Về kết quả kinh doanh của cuộc “Nam tiến” với siêu thị đầu tiên của Pico tại TP.HCM, theo ông Đức do mới khai trương và hoạt động lại rơi đúng thời điểm nền kinh tế khó khăn nên so với kỳ vọng Pico phía Nam chỉ đạt 80% so với kỳ vọng.

Đánh giá việc Trần Anh đang đi ngược xu thế khi quyết định đầu tư mạnh mẽ mở thêm nhiều điểm bán hàng ở nhiều nơi cùng một lúc, ông Nguyễn Quang Đức cho rằng, mỗi doanh nghiệp có một chiến lược kinh doanh khác nhau, có doanh nghiệp càng khó khăn càng đầu tư mở rộng thị trường. 

“Quan điểm của Pico khi mở điểm kinh doanh phải chọn vị trí đẹp, diện tích lớn thu hút lượng khách hàng lớn chứ không chạy theo số lượng điểm” – ông Đức nói.

Mặt khác theo tính toán của chính các DN, để vận hành 1 siêu thị, chi phí mỗi tháng không dưới 5 tỷ đồng, một năm khoảng 60 tỷ đồng. Để hòa vốn thì các DN phải đạt doanh số 15 tỷ đồng/tháng, tính ra mỗi ngày phải bán được 500 triệu đồng. Dưới mức này coi như thua lỗ. Trong khi đó, doanh thu các mặt hàng điện máy của nhiều siêu thị tại Hà Nội hiện chỉ ở mức 100 triệu đồng/ngày. 
Hoàng Lực