Sữa Ensure “không bán tại Việt Nam”: Xử lý nghiêm để tránh độc quyền

22/01/2015 07:48
Mai Anh
(GDVN) - Đó là một trong những nội dung được đưa ra trong cuộc họp kín giữa nhiều bộ ngành sau "cảnh báo" của Ban chỉ đạo 389.

Chiêu trò của Abbott?

Theo Ban chỉ đạo 389 cho biết kể từ năm 2013, hãng sữa Abbott Laboratories của Mỹ đã ghi thêm dòng chữ "Not to be sold in Vietnam or Mexico" - tạm dịch "Không bán tại Việt Nam hay Mexico" - trên sản phẩm sữa Ensure Nutrition Shake.

Tuy nhiên với mặt hàng sữa do Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A phân phối thì lại không có dòng chữ cảnh báo trên, cụ thể như sữa nước Ensure Gold Vigor 237ml.

Nhờ đó, thị phần của Công ty Dinh Dưỡng 3A tăng nhanh chóng mặt. Kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này năm 2013 tăng tới 63%, trị giá khoảng 300 tỷ đồng. Trước đây, có 50 nhà nhập khẩu nhập hợp pháp mặt hàng trên, song khi Abbott phát minh kiểu ghi nhãn lạ lùng này, giá bán sữa do Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A phân phối đã tăng từ 2-3 lần so với trước.

Từ trái sang: Sữa Ensure của Công ty 3A giá bán 53.000 đồng/chai; của Công ty Song Nam giá bán 35.000 đồng/chai; hàng nhập lậu bán 32.000 đồng/chai (ảnh NLĐ)
Từ trái sang: Sữa Ensure của Công ty 3A giá bán 53.000 đồng/chai; của Công ty Song Nam giá bán 35.000 đồng/chai; hàng nhập lậu bán 32.000 đồng/chai (ảnh NLĐ)

Thực tế trên đặt ra hai vấn đề, thứ nhất việc cấm nhập khẩu sữa có dòng chữ “Not to be sold in Vietnam or Mexico” tại thị trường Việt Nam có đúng quy định pháp luật không? Và điều này có vô tình củng cố thế độc quyền của Công ty Dinh dưỡng 3A? Thứ hai liệu có hay không việc bắt tay giữa nhà sản xuất và đơn vị phân phối để tăng giá thu lợi?

Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với phóng viên, TS. Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết ngày 19/1 vừa qua, Cục An toàn thực phẩm, đã tổ chức cuộc họp kín với các bộ, ngành liên quan đến vấn đề in nhãn mác của Abbott và dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh.

Qua đó, việc Cục An toàn thực phẩm không cho nhập khẩu mặt hàng sữa Abbott có dòng chữ "Not to be sold in Vietnam or Mexico" là đúng quy định của pháp luật.

“Về thực phẩm, không có văn bản pháp luật nào quy định không cho nhập thực phẩm song song. Cho nên không thể nói chuyện không cho nhập sản phẩm này là để Công ty Dinh dưỡng 3A nhập độc quyền tăng giá”, TS Nguyễn Thanh Phong nói.

TS Nguyễn Thanh Phong cho biết, trước đây ngoài Công ty Dinh dưỡng 3A, vẫn có nhiều doanh nghiệp khác đã từng được Cục cho nhập mặt hàng sữa của Abbott vào Việt Nam. Tuy nhiên với sản phẩm với dòng chữ "Not to be sold in Vietnam or Mexico" - tạm dịch "Không bán tại Việt Nam hay Mexico", Cục An toàn thực phẩm  không cho phép nhập khẩu bán tại thị trường Việt Nam là đúng.

“Trên dòng sản phẩm đã in mác không bán tại thị trường Việt Nam như vậy nếu cho nhập khẩu lưu hành tại thị trường, khi đó nếu người tiêu dùng sử dụng có xảy ra vấn đề gì nhà sản xuất không chịu trách nhiệm do đã có cảnh báo, trong khi theo quy định của pháp luật nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm. Do vậy việc Cục không cho nhập sản phẩm có dòng chữ này là đúng quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi sức khỏe cho người tiêu dùng”. TS Phong cho biết.

Cần có biện pháp xử lý phù hợp

Cũng theo Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong, tại cuộc họp giữa Cục An toàn thực phẩm và đại diện các bộ ngành liên quan Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) nêu ra ý kiến cho rằng việc ghi dòng chữ như vậy trên nhãn có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh vi phạm luật cạnh tranh.

Sau ý kiến của Cục Quản lý cạnh tranh, Cục An toàn thực phẩm đã có báo cáo gửi Ban chỉ đạo 389 Bộ Y tế đồng thời chuyển công văn nội dung đó liên quan đến nhãn hàng Abbott để Cục Quản lý cạnh tranh nghiên cứu xử lý theo quy định của pháp luật nếu có biểu hiện vi phạm.

Cùng với đó, Cục An toàn thực phẩm mời đại diện Abbott khẳng định các cơ quan chức năng của Việt Nam đã có ý kiến về việc in nhãn mác đề nghị có nghiên cứu và thay đổi, nếu không thay đổi phía cơ quan quản lý cạnh tranh sẽ có biện pháp phù hợp.

Được biết sáng 21/1 Cục đã làm việc với đại diện Abbott, Abbott tiếp thu và sẽ có trả lời sớm.

“Quan điểm của Cục, thứ nhất phải đảm bảo sản phẩm thực phẩm nói chung và Abbott nói riêng khi nhập về Việt Nam không ảnh hưởng đến quyền lợi sức khỏe của người tiêu dùng. Thứ hai Các chính sách quản lý thực phẩm hiện nay không tạo một thế độc quyền để tránh việc nâng giá. Thứ ba Quy định của mình phải phù hợp với quy định quốc tế khi Việt Nam là thành viên”, Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong cho biết.

Vấn đề bất cập trong sự việc trên là nếu không có biện pháp xử lý phù hợp rất dễ dẫn đến tình trạng độc quyền cho một đơn vị nâng giá.

Đặt giả thiết Công ty Dinh dưỡng 3A và Abbott bắt tay nhau, khi đó với mặt hàng sữa Abbott được nhập từ Công ty Dinh dưỡng 3A sẽ không có dòng chữ “Không bán tại Việt Nam và Mexico”, còn tất cả sữa cũng do Abbott sản xuất nhưng nhập từ đơn vị khác sẽ có dòng cảnh báo này. Như vậy dù sản phẩm đúng do Abbott sản xuất được chứng nhận lưu hành tự do tại Mỹ nhưng không được nhập về Việt Nam, nghiễm nhiên thế độc quyền của Công ty Dinh dưỡng 3A được củng cố, khi đó dù tăng giá lên bao nhiêu người tiêu dùng vẫn phải chịu, còn lợi nhuận sẽ chảy vào túi nhà phân phối và Abbott.

Quy định hiện nay của Việt Nam chỉ quản lý việc ghi nhãn trên lãnh thổ Việt Nam, trong khi vấn đề nhãn mác cảnh báo của Abbott in ngoài lãnh thổ Việt Nam. Đây là vấn đề đặt ra trong công tác quản lý và hiện vẫn chưa có cách giải quyết vấn đề.

Mai Anh