Tay chơi kể chuyện vung tiền săn thủ cấp nai cà tông

14/11/2011 07:27
Sừng nai cà tông khi uốn chẻ thành nhiều nhánh trông vừa uy dũng lại kiêu sa. Chính điều này đã thúc đẩy nhiều đại gia vung tiền

Tương tự nhiều loài thú xuất thân từ rừng núi như hổ, gấu, báo, mèo rừng…, loài nai cà tông đang rên siết vì bị cánh phường săn tầm nã ráo riết.

Sừng nai cà tông khi uốn chẻ thành nhiều nhánh trông vừa uy dũng lại kiêu sa. Chính điều này đã thúc đẩy nhiều đại gia vung tiền mua “thủ cấp” nai cà tông để bày biện trong tư gia nhằm khẳng định đẳng cấp.     Sau nhiều lần gạ gẫm, chúng tôi được một tay chơi thủ cấp tên “K. mãnh thú” đưa đến quận 12, để được tận mắt chiêm ngưỡng cái đầu nai cà tông thứ 2 mà ông ta vừa tậu được. Theo bỏ nhỏ của ông K., trước kia ông chủ yếu sưu tầm “thủ cấp” các loài hổ, báo, gấu… Nhưng cách đây 2 năm, sau lần ghé thăm người bạn ở Tây Nguyên thì ông chuyển sang sưu tầm “thủ cấp” nai cà tông. “Tôi chuyển hướng bởi nhận thấy đầu sừng của loài nai cà tông hội tụ nhiều yếu tố như hoang dã, sang trọng, có phần ma quái… Không chỉ thể hiện đẳng cấp mà nó còn mang lại nhiều may mắn, hanh thông cho gia chủ khi treo trong nhà” – ông K., tâm đắc.
Đầu sừng nai cà tông và nhiều loài thú hoang khác được Chi cục kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng tịch thu trong một đợt truy quét các nhà hàng, quán nhậu đặc sản.
Đầu sừng nai cà tông và nhiều loài thú hoang khác được Chi cục kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng tịch thu trong một đợt truy quét các nhà hàng, quán nhậu đặc sản.
Ngắm chiếc đầu nai cà tông treo trên tường trong phòng khách, ông K. cho hay, lông nai cà tông mịn và mềm mại như tấm thảm xứ Ba Tư, thường có màu hung đỏ hoặc màu vàng rất sang trọng. Phải công nhận rằng cái thủ cấp nai cà tông của ông K. rất quyến rũ với cặp sừng nhọn, hình vòng cung hướng về phía trước đỉnh đầu, các nhánh ở ngọn sừng xòe chĩa ra như những ngọn giáo mà loài này sử dụng trong những lúc giao chiến tranh giành con cái vào mùa giao phối, hoặc để tấn công các loài thú ăn thịt khi tính mạng bị nguy cấp. Để có được cái đầu nai cà tông kia, ông K., bật mí phải chi hơn 50 triệu đồng: “Giá thị trường mỗi cái thủ cấp nai cà tông dao động từ 20-50 triệu đồng, có khi hơn tùy lớn nhỏ và độ mỹ thuật”, tay chơi lắm tiền, khoe mẽ: “Sở dĩ tôi chi đậm vì được tận mắt chứng kiến cảnh cánh thợ săn cắt lìa đầu con vật tại giữa rừng ở huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Chơi hàng vừa lìa khỏi cổ tốn kém một chút nhưng được cái là chắc cú, hổng lo xài đỏ dỏm”. Thị trường sôi động Để tận tường thú chơi thủ cấp nai cà tông của các đại gia thích thể hiện như ông K., chúng tôi tiếp tục dò hỏi và bắt liên lạc với một tay buôn tên Sáu. Qua địên thoại, gã khoe cần bao nhiêu thủ cấp nai cà tông cũng sẵn sàng cung ứng, miễn là khách chịu chi. Chúng tôi đề nghị xem hàng rồi mới xúc tiến việc giao dịch, Sáu hẹn gặp tại một quán nước ở khu vực Ngã tư Bình Phước ( quận Thủ Đức, TPHCM). Tại đây, thấy khách tỏ vẻ khó chịu vì không xem được đầu nai cà tông bằng xương bằng thịt, Sáu nhăn nhở cười giải thích rằng đầu sừng nai cà tông là hàng cấm nên chỉ cho khách xem qua hình ảnh, nếu muốn mua thì đặt tiền cọc hắn sẽ chở tới tận nơi tha hồ mà xem.
Sừng nai cà tông được rao bán tràn lan
Sừng nai cà tông được rao bán tràn lan
Chúng tôi hỏi Sáu nguồn gốc của những chiếc đầu nai cà tông trong ảnh, gã úp úp mở mở rằng “hàng” được sưu tầm từ một tay chơi ở Đắk Lắk và từ người nhà săn bắt được?! Xâm nhập vào thế giới thủ cấp nai cà tông, chúng tôi ghi nhận không khí săn lùng tích cực của cánh phường săn, giới con buôn và dân chơi thủ cấp. Hảo, một con buôn đồ rừng thứ dữ ở quận Tân Bình, bỏ nhỏ rằng thủ cấp nai cà tông có giá trị kinh tế cao nên thị trường nảy sinh thủ cấp dỏm với bộ sừng được đúc bằng nhựa tổng hợp. Hảo khuyên chúng tôi đừng mua đầu nai cà tông giá rẻ vì đó thường là đồ dỏm. “Hàng của tui được săn từ biên giới nước bạn như Trung Quốc, Campuchia và trong các cánh rừng cấm ở Tây Nguyên nên không lo bị lừa” – tay buôn hùng hồn, tuyên bố.Làm sao còn đường sống? Thị trường thủ cấp nai cà tông sôi động bao nhiêu thì số phận của loài này hẩm hiu bấy nhiêu. Một cán bộ ở Chi cục kiểm lâm TP.Hồ Chí Minh cho biết, trên thế giới, số lượng nai cà tông không còn nhiều. Riêng tại Việt Nam, số lượng nai cà tông ước tính chỉ còn vài trăm con và con số này đang giảm dần do nạn  săn bắn quá mức, nạn khai thác rừng làm môi trường sinh sống của loài này bị thu hẹp. Sách đỏ Việt Nam đề nghị biện pháp bảo vệ loài nai cà tông như cấm tuyệt đối việc săn bắn, đưa một sô cá thể về nuôi ở vườn thú và các vườn quốc gia để thuần dưỡng, nhân giống vì loài này được xếp vào nhóm E ( nhóm có nguy cơ tuyệt chủng). Nhưng điều đó không thể cứu nguy được cho nai cà tông bởi luật không đề cập đến việc xử lý các tay chơi thủ cấp của loài này. Khi không bị chế tài thì những kẻ gián tiếp gây nên tình trạng thảm sát nai cà tông không biết sợ. Bằng chứng là họ vẫn ồ ạt lao vào các phi vụ giao dịch và vô tư trưng bày, khoe mẽ thủ cấp nai cà tông trong tư gia dẫu biết rằng loài này đang đối mặt với nguy cơ tuyệt diệt. Đang sầu đời cho số phận nai cà tông thì chúng tôi nhận được tin nhắn mời đến chung vui của ông S., một tay chơi lắm tiền nhờ mấy phi vụ mua bán đất dự án. Ông này cho biết vừa tậu được nguyên con nai cà tông đang mang thai. “Cùng với cái thủ cấp, hà nàm của con cà tông này mới thực sự là thứ dữ” – ông S., hớn hở khoe và giải thích: “Hà nàm” là bào thai, nếu đem ngâm rượu hay thẻo hầm thuốc Bắc để bồi bổ thì quỷ khóc thần sầu. Cái món hà nàm đặc biệt rất công hiệu với các ông lâm vào thời kỳ trên bảo dưới không nghe”…Chao ơi, người ta vì sự ngu muội, ăn chơi kiểu ấy, kiểu “sát” cả mẹ lẫn con thì hỏi sao loài nai cà tông….. còn đường sống?
Nai cà tông là loài thú có tên trong Sách đỏ Việt Nam, trọng lượng từ 95-100kg, toàn thân lông mềm, màu hung đỏ hoặc vàng hung, hai bên có các vệt màu vàng nhạt. Con đực có sừng 4-5 nhánh, các nhánh ở ngọn sừng xòe ra như bàn tay 3-4 ngón. Loài này sống ở vùng rừng thưa, rừng thứ sinh, rừng có nhiều đồng cỏ bằng phẳng ở độ cao 500-600 mét so với mặt biển. Thường thấy nai cà tông ở các tỉnh Kon Tum ( Sa Thầy), Đắk Lắk ( Đắk Min; Easúp; M’Đrắc), Lâm Đồng ( Bảo Lộc)… Loài này sinh sống theo đàn 5-10 con, mùa giao phối thường vào tháng 3, tháng 4 và thời gian mang thai khoảng 8 tháng, mỗi lần chỉ đẻ một con.
Theo Công an TP.HCM