Thay vì xây 3 sân bay Tây Bắc nên đầu tư đường bộ

27/04/2016 07:32
Mai Anh
(GDVN) - Theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, với vùng Tây Bắc, nên đầu tư đường bộ mở rộng cải tạo đường bộ sẽ giảm chi phí đồng thời khai thác được nhiều hơn từ du lịch.

Mới đây, Cục Hàng không Việt Nam trình Bộ Giao thông vận tải kế hoạch triển khai đầu tư xây dựng các cảng hàng không khu vực Tây Bắc.

Trong kế hoạch, sẽ xây dựng Cảng Hàng không Nà Sản (thuộc huyện Mai Sơn, Sơn La), sân bay Lai Châu (xây dựng tại huyện Tân Uyên) và Cảng hàng không Lào Cai (dự định xây dựng tại huyện Bảo Yên). Cả 3 sân bay trên nếu được phê duyệt sẽ triển khai ngay trong năm 2017.

Ngoại trừ sân bay Lào Cai dự kiến sẽ thực hiện bằng nguồn vốn xã hội hóa theo hình thức đầu tư trực tiếp hoặc hợp tác công - tư (hợp đồng BOT), hai dự án sân bay Nà Sản, Lai Châu đều dùng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Sau khi kế hoạch phát triển đầu tư xây dựng sân bay khu vực Tây Bắc được Cục Hàng không Việt Nam đưa ra, dư luận báo chí cũng như các chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo cũng như lo ngại hiệu quả kinh tế sau dự án này.

Xây dựng 3 sân bay khu vực Tây Bắc lo lắng thiếu hiệu quả kinh tế và lãng phí là có cơ sở - ảnh minh họa (Ảnh: Phối cảnh dự án sân bay Long Thành).
Xây dựng 3 sân bay khu vực Tây Bắc lo lắng thiếu hiệu quả kinh tế và lãng phí là có cơ sở - ảnh minh họa (Ảnh: Phối cảnh dự án sân bay Long Thành).

Những lo ngại này càng có cơ sở khi nhìn vào bảng kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông nói chung và phát triển sân bay nói riêng.

Sân bay cách nhau hơn 100km

Theo kế hoạch triển khai đầu tư xây dựng các cảng hàng không của Cục Hàng không Việt Nam cũng như đề nghị của địa phương, sân bay Lai Châu sẽ được xây dựng tại huyện Tân Uyên và sân bay Lào Cai xây dựng tại huyện Bảo Yên.

Cụ thể, sân bay Lai Châu xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách với tổng mức đầu tư khoảng 8.000 tỷ đồng. Dự án chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 - mức đầu tư 4.000 tỷ đồng.

Sân bay Lai Châu được xây dựng theo mô hình sân bay lưỡng dụng vừa phục vụ dân dụng, vừa phục vụ quốc phòng. Sân bay sẽ đáp ứng việc cất/hạ cánh các loại máy bay chở khách cỡ nhỏ.

Với sân bay Lào Cai, đơn vị tư vấn kiến nghị lựa chọn vị trí xây dựng sân bay tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên, Lào Cai. Tiêu chuẩn sân bay dùng chung dân dụng cấp 4C và là sân bay quân sự cấp II. Sân bay Lào Cai có thể đáp ứng khai thác các loại máy bay Airbus 320/321. 

Trước đó, theo quy hoạch của Bộ Giao thông vận tải dự định xây dựng sân bay Lào Cai với tổng mức đầu tư 1.300 tỉ đồng, đáp ứng các loại máy bay ATR72 và tương đương, nhằm đáp ứng vận chuyển hành khách du lịch lên Sa Pa.

Từ kế hoạch xây dựng sân bay Lai Châu, sân bay Lào Cai... đối chiếu với khoảng cách địa lý giữa hai địa phương, nhiều câu hỏi về hiệu quả kinh tế của dự án được đặt ra.

Một góc TP. Lai Châu - ảnh nguồn Cổng Thông tin điện tử Lai Châu
Một góc TP. Lai Châu - ảnh nguồn Cổng Thông tin điện tử Lai Châu

Theo đó, sân bay Lai Châu đặt tại huyện Tân Uyên, một huyện được tách ra từ Than Uyên năm 2008. Về vị trí địa lý, huyện Tân Uyên giáp với huyện Sapa của Lào Cai. Trong khi đó, Sapa cách TP.Lào Cai khoảng gần 40km. 

Sân bay Lào Cai dự định xây dựng tại huyện Bảo Yên, khoảng cách từ Bảo Yên đến TP. Lào Cai khoảng 75km. Như vậy nếu tính theo đường bộ, khoảng cách huyện Tân Uyên đến huyện Bảo Yên, nơi xây dựng hai sân bay Lào Cai và Lai Châu chỉ hơn 100km. Nếu tính theo đường chim bay, khoảng cách sẽ gần hơn.

Một thông tin khác, tại cuộc họp cuối năm 2015, Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải (TEDI) trình Bộ Giao thông vận tải kế hoạch xây dựng tuyến đường cao tốc nối từ TP. Lai Châu với Đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai.

Theo phương án được TEDI đưa ra và bước đầu được Bộ Giao thông vận tải đồng ý chủ trương, sau khi hoàn thành tuyến đường, chiều dài từ TP. Lai Châu đến Hà Nội chỉ còn 348,1km. Thời gian chạy bằng ô tô đi từ cao tốc Hà Nội - Lào Cai rẽ sang đường cao tốc về TP.Lai Châu dự kiến xuống còn khoảng 4 tiếng.

Thay vì xây 3 sân bay Tây Bắc nên đầu tư đường bộ  ảnh 3

Xây dựng 3 sân bay tại Tây Bắc để phục vụ ai?

(GDVN) - Luật sư Trần Quốc Thuận đặt câu hỏi, 3 địa phương Lào Cai, Lai Châu và Sơn La đều là tỉnh miền núi kinh tế khó khăn, xây dựng sân bay để phục vụ ai?

Từ những thông tin trên có thể thấy, khi xây dựng sân bay Lai Châu và sân bay Lào Cai, người dân có thể lựa chọn di chuyển bằng 2 cách đường bộ và hàng không lên hai địa phương trên. Chưa nói đến vấn đề giá vé cao, nhiều thủ tục trong hàng không chỉ nói đến những bất tiện trong việc di chuyển.

Đặt giả thiết hành khách bay đến Tân Uyên nhưng để đến khu vực hành chính TP. Lai Châu, lựa chọn duy nhất đi đường bộ.

Trong khi đó, với đường cao tốc thuận lợi, khách có thể đi từ Hà Nội một đường thẳng cao tốc đến TP. Lai Châu hơn việc đáp chuyến bay đến Tân Uyên sau đó lại phải di chuyển bằng ô tô đến trung tâm hành chính địa phương.

Tương tự với sân bay Lào Cai, đặt giả thiết hành khách từ xa bay đến Lào Cai du lịch Sapa, tuy nhiên khi đến Than Uyên hành khách di chuyển quãng đường dài hơn 100km mới đến Sapa trong khi đó nếu xuất phát từ Hà Nội chạy đường cao tốc chỉ khoảng 3,5 giờ, hành khách có mặt tại Sapa.

Chỉ những so sánh quãng đường, thời gian di chuyển mang tính tương đối trên cũng thấy rõ hiệu quả kinh tế sân bay Lai Châu và sân bay Lào Cai không nhiều. Bên cạnh đó, việc khoảng cách 2 sân bay quá gần nhau khiến lượng khách dàn trải, hiệu quả kinh tế thấp.

Với Tây Bắc nên đầu tư đường bộ

Bên cạnh 2 sân bay Lai Châu và Lào Cai, trong kế hoạch Cục Hàng không tính toán xây dựng cải tạo sân bay Nà Sản (tỉnh Sơn La). Sân bay Nà Sản thuộc huyện Mai Sơn nằm trên Quốc lộ 6, cách TP Sơn La khoảng 20 km về phía Nam. Năm 2004, sân bay Nà Sản đóng cửa nâng cấp đến nay vẫn chưa hoạt động trở lại. 

Theo quy hoạch được duyệt, Nà Sản là sân bay dùng chung giữa dân dụng và quân sự. Về quy mô sẽ đầu tư xây dựng khu hàng không dân dụng Nà Sản đáp ứng nhu cầu phục vụ 0,9 triệu khách/năm và 1,5 triệu khách/năm vào năm 2030. Các khu bay và công trình đảm bảo hoạt động bay sẽ đầu tư đảm bảo khai thác máy bay ATR72, A320, A321 và tương đương. 

Theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020, Việt Nam sẽ có 26 sân bay được đưa vào khai thác, sử dụng. Trong tổng số 26 sân bay sẽ có 10 sân bay quốc tế gồm Nội Bài, Cát Bi, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất, Long Thành, Cần Thơ, Phú Quốc.

Ngoài ra còn có 16 sân bay nội địa gồm Điện Biên Phủ, Nà Sản, Lào Cai, Quảng Ninh, Gia Lâm, Vinh, Đồng Hới, Phù Cát, Tuy Hoà, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Sơn, Vũng Tàu.

Theo kế hoạch này không có sân bay Lai Châu. 

Vấn đề xây dựng, nâng cấp sân bay Nà Sản cũng được cho lãng phí bởi phía Tây Bắc hiện đã có sân bay Điện Biên. Du lịch lên Tây Bắc hầu hết du khách hướng đến thăm quan di tích lịch sử Điện Biên Phủ.

Trong khi đó với Sơn La, điểm du lịch hấp dẫn nhất là Mộc Châu, nhưng khoảng cách từ sân bay Nà Sản đến Mộc Châu khoảng 100km. Trong khi khoảng cách Hà Nội - Mộc Châu là 180km.

Nếu tính thời gian di chuyển bằng hàng không và đường bộ nếu từ Hà Nội hành khách đi chuyển đường bộ sẽ nhanh hơn việc đi máy bay đến sân bay Nà Sản sau đó xuôi xuống Mộc Châu. Thêm vào đó, việc Quốc lộ 6 vừa được cải tạo đoạn Xuân Mai - Hòa Bình và đang được tiếp tục nâng cấp sẽ giúp di chuyển bằng đường bộ nhanh hơn. 

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho hay, khoảng 5 năm lại đây, lượng khách lên Tây Bắc tăng trưởng mạnh. Năm 2015, khách du lịch đến toàn vùng đạt 8,9 triệu lượt, nhưng khách quốc tế chỉ 1,6 triệu lượt.

Lượng khách du lịch hàng năm có tăng nhưng thấp hơn nhiều so với các vùng miền khác, đã thế, thời gian lưu lại trung bình lại rất ngắn, dưới 1,5 ngày. Quy mô khách chiếm từ 5-7% so với cả nước. Du lịch nghỉ dưỡng cao cấp chiếm tỷ trọng không đáng kể.

Du lịch nghỉ dưỡng ít dẫn đến nhu cầu di chuyển bằng hàng không không nhiều, mặt khác điểm hút của Tây Bắc là du lịch khám phá, trải nghiệm.

Cùng với lượng khách ít, dàn trải nhiều địa phương trên địa bàn nhiều tỉnh miền núi, lượng khách phân tán nên ít nhu cầu lựa chọn hàng không.

Bên cạnh đó, vấn đề thời tiết được xem là bước cản trở với hàng không dân dụng, đặc biệt vào mùa đông khi sương mù dày đặc.

Từ vấn đề phân tích trên theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - Chuyên gia hàng không việc xây dựng sân bay mật độ dày như kế hoạch của Cục Hàng không Việt Nam sẽ không mang lại hiệu quả kinh tế ngược lại thêm gánh nặng đầu tư.

Nếu để đầu tư giao thông, theo ông Tống với vùng Tây Bắc, nên đầu tư đường bộ mở rộng cải tạo tuyến đường cũ sẽ giảm được chi phí đồng thời đường bộ khai thác nhiều hơn từ du lịch đến vận tải.

Mai Anh