Thời tiết chưa nóng, thị trường điện lạnh vẫn “ngủ đông”

20/04/2011 14:36
(GDVN) – Đã bắt đầu vào mùa nóng, tuy nhiên thời tiết khá mát mẻ so với cùng thời điểm năm ngoái khiến thị trường điện lạnh hiện vẫn trầm lắng, sức mua giảm 15-20%...

(GDVN) – Đã bắt đầu vào mùa nóng, tuy nhiên thời tiết khá mát mẻ so với cùng thời điểm năm ngoái khiến thị trường điện lạnh vẫn trầm lắng, mức tiêu thụ mặt hàng này tại nhiều trung tâm điện máy, siêu thị thấp hơn cùng kỳ năm 2010 khoảng 15-20%.

>> Chưa cắt điện luân phiên, hàng tích điện đã tăng giá đến 40%

Thị trường điện lạnh vẫn "ngủ đông"

Nếu vào thời điểm này năm ngoái, thị trường điện máy đặc biệt là các thiết bị làm mát, làm lạnh đã "nóng hầm hập" bởi nhu cầu tăng cao của người dân thì cho tới lúc này, những con phố chuyên bán các thiết bị điện lạnh tại Hà  Nội lại khá trầm lắng. 

Theo khảo sát của phóng viên, hiện thị trường đang chia ra làm 2 phân khúc rõ rệt: hàng thông dụng và hàng cao cấp, tương ứng với thu nhập của người dân. Theo đó, dễ thấy các yếu tố thời tiết, lạm phát và giá điện tăng tác động rất lớn đến tâm lý mua sắm của người dân, đặc biệt là khách hàng có thu nhập mức trung bình.

Theo nhận định, phải đến cuối tháng 4, đầu tháng 5 thị trường điện lạnh mới thực sự  “nóng”.
Theo nhận định, phải đến cuối tháng 4, đầu tháng 5 thị trường
điện lạnh mới thực sự “nóng”.


Chị Minh Hằng (nhân viên văn phòng ở Đê La Thành – Hà Nội), đang săm soi tính năng, công suất của các loại máy điều hòa tại siêu thị Topcare, cho biết: Mặc dù năm nay gia đình chị thật sự có nhu cầu mua một chiếc điều hòa do có thêm con nhỏ nhưng do  thời tiết đến lúc này còn khá mát mẻ nên nhu cầu vẫn chưa “bức xúc” lắm. Chị Hằng cũng không ngần ngại cho biết thêm: “Mình cũng đang đợi đến ngày lễ 30/4, 1/5, khi đó các siêu thị điện máy thường tung ra nhiều chương trình khuyến mãi lớn, biết đâu mình lại chọn được món hàng ưng ý, giá cả lại hợp lý”.

Khác quan điểm với chị Hằng, anh Lê Trung (Cầu Giấy – Hà Nội) cho rằng: “Ai có nhu cầu mua thì họ vẫn sẽ mua, người dân bây giờ cũng không đến mức khó khăn như ngày xưa để mà phải cân đo, đong, đếm đến chuyện tăng giá nhiều hay ít. Có thể họ vẫn nghe ngóng một chương trình khuyến mãi khủng nào đó”.

Đại diện một số siêu thị như Topcare, Pico, Siêu thị điện máy HC… cho biết, hiện lượng bán ra hàng ngày các mặt hàng điện lạnh chỉ đạt ở mức trung bình, phải đến cuối tháng 4 đầu, tháng 5, thị trường điện lạnh mới chính thức nóng lên.

Anh Nguyễn Cảnh Ngọc - Phụ trách Kinh doanh Công ty Cổ phần Xây dựng và Kỹ thuật lạnh Việt Nam (VINACORE) cũng cho biết: Hiện mức tiêu thụ của thị trường điện lạnh thấp hơn cùng kỳ năm 2010 khoảng 15-20%. Điều này hoàn toàn do tác động của thời tiết chứ không phải do yếu tố lạm phát, bởi tính đến thời điểm hiện tại thời tiết vẫn rất dễ chịu nên chưa tác động đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng.

Cùng chung quan điểm, ông Lê Kinh Hùng- Phó Giám đốc hệ thống siêu thị điện máy Pico Plaza - thừa nhận: việc kinh doanh các mặt hàng điện lạnh tại thời điểm hiện tại không được tốt như năm ngoái, nguyên nhân là do kinh tế khó khăn, người tiêu dùng có phản ứng tự vệ, chỉ đến khi nào thực sự bức xúc người dân mới chi tiêu.

Chưa có nhiều sản phẩm mới

Mặc dù thị trường điện lạnh hiện rất phong phú từ hàng nhập ngoại của các hãng nổi tiếng như Mitsubishi, DaiKin, Sam Sung, Panasonic... đến hàng liên doanh trong nước với nhãn hiệu LG, Deawoo, Funiki... nhưng theo anh Nguyễn Cảnh Ngọc, nhìn chung thị trường năm nay so với năm 2010 không có nhiều khác biệt. Các hãng sản xuất có đưa ra thị trường nhiều sản phẩm nhưng không có nhiều tính năng mới.

 Mẫu mã, kiểu dáng và tính năng của nhiều dòng sản phẩm 2011 không có nhiều điểm mới so với năm 2010.
Mẫu mã, kiểu dáng và tính năng của nhiều dòng sản phẩm 2011
không có nhiều điểm mới so với năm 2010.


Ở phân khúc máy điều hòa nhiệt độ, anh Ngọc nhận định điểm mới năm nay có lẽ là giá cả tăng khá cao so với những năm trước, do tác động của tỷ giá và giá nhà máy, đẩy tổng chi phí mỗi bộ điều hòa sau lắp đặt có thể lên tới tiền triệu so với năm 2010. Ngoài ra, đặc điểm khác nữa của thị trường 2011 là sự thống trị rõ rệt của phân khúc điều hòa tiết kiệm điện, bởi giá điện đã tăng khá cao.
 
Ông Vũ Hoài Khương, Giám đốc siêu thị Việt Long (Hà Đông), cho rằng, Cứ vào đầu quý 2 hàng năm các nhà cung cấp nổi tiếng như Sony, Pana, LG, Samsung… mới cho ra mắt những dòng sản phẩm mới. Tuy nhiên mức tiêu thụ sản phẩm mới sẽ chưa nhiều vì giá thành cao so với sản phẩm cũ mà đặc biệt là nhà cung cấp chưa tung ra ồ ạt các loại sản phẩm mới trên.

Giới kinh doanh điện máy nhận định, năm nay sẽ có sự cạnh tranh quyết liệt về giá, khuyến mại, khả năng lắp đặt giữa các doanh nghiệp nhỏ và trung tâm điện máy. Tuy nhiên, các hình thức khuyến mại cũng sẽ không có nhiều thay đổi so với các năm trước như giảm giá, tặng gói nhân công, vật tư lắp đặt…


Bên cạnh đó, các nhà sản xuất cũng cảnh báo, trên thị trường đang có rất nhiều sản phẩm điện lạnh xuất xứ từ Trung Quốc giá chỉ bằng 70 - 80% so với sản phẩm cùng loại của các thương hiệu có tiếng. Nếu người tiêu dùng không có hiểu biết nhất định về mặt hàng này rất dễ mua phải hàng chất lượng kém, thậm chí là hàng giả, hàng nhái…

Thiên Trường

>> Chưa cắt điện luân phiên, hàng tích điện đã tăng giá đến 40%

>> Kinh hãi công nghệ làm bánh ngọt từ trứng thối ở "cơ sở ruồi nhặng"

>> Người giàu vẫn phải "khóc" ở The Manor, Sky City...

>> Viettel phải xin lỗi khách hàng vì sự cố thẻ cào