Thực hư lãnh đạo Petrolimex tuyên bố không tăng giá xăng dầu

05/10/2011 06:07
Từ đầu năm đến nay lãnh đạo Petrolimex không hề kiến nghị điều chỉnh tăng giá xăng dầu, tuy nhiên, các văn bản lưu tại Bộ Tài chính lại cho thấy điều ngược lại...
Xung quanh cuộc tranh cãi về công tác điều hành giá xăng dầu diễn ra thời gian vừa qua, lãnh đạo Tổng công ty xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) luôn khẳng định từ đầu năm đến nay không hề kiến nghị điều chỉnh tăng giá xăng dầu. Tuy nhiên, các văn bản lưu tại Bộ Tài chính lại cho thấy điều ngược lại.
Ông Trần Minh Hải, Phó bí thư thường trực Đảng ủy Petrolimex
Ông Trần Minh Hải, Phó bí thư thường trực Đảng ủy Petrolimex
Mới đây, ông Trần Minh Hải, Phó bí thư thường trực Đảng ủy Petrolimex trong cuộc họp ban chấp hành Đảng bộ Petrolimex phiên tháng 9/2011 vừa diễn ra tại Hà Nội khẳng định: “Từ đầu năm đến nay, Petrolimex không có kiến nghị, đề xuất tăng, giảm giá xăng dầu trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới có những dị biệt, giá dầu thô và giá sản phẩm (đặc biệt là xăng và diesel) có những khoảng cách đến 40 đô la Mỹ/thùng".

Ông Hải nói điều này trong một bản tin được ký bằng chính tên ông, tường thuật về cuộc họp đăng tải trên trang web của Petrolimex.

Theo ông Hải, Petrolimex đã chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của liên bộ (Bộ Tài chính và Bộ Công Thương) về giá bán xăng dầu. Từ đầu năm đến nay, đơn vị này không có bất kỳ kiến nghị nào liên quan đến việc tăng, giảm giá xăng dầu do giá thế giới có những dị biệt…

Để rõ thực hư của tuyên bố này, Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã liên hệ với cơ quan phụ trách quản lý giá cả, Bộ Tài chính để kiểm chứng. Nguồn tin từ bộ cho hay, thông tin đưa ra của Petrolimex hoàn toàn khác với thực tế. Bằng chứng là cơ quan chức năng của Bộ Tài chính từ đầu năm đến nay đã nhận được 4 công văn đề nghị tăng giá bán lẻ xăng dầu hoặc tăng mức trích quỹ bình ổn của doanh nghiệp đầu mối này.

Cụ thể, ngày 16/2/2011, Bộ Tài chính nhận được công văn số 0155 của Petrolimex. Trong văn bản này, Petrolimex đề nghị tăng giá bán lẻ 17 - 24% tùy chủng loại. Sau đó, ngày 24/2, Bộ Tài chính quyết định tăng giá xăng thêm 2.900 đồng, từ 16.400 đồng lên 19.300 đồng/lít; dầu diesel tăng 3.550 đồng/lít, từ 14.750 đồng lên 18.300 đồng.lít; dầu hỏa tăng 3.100 đồng, lên 18.200 đồng/lít; dầu madut tăng 2.110 đồng/kg lên 14.800 đồng/kg như đã biết.

Tiếp đó, ngày 24/3/2011, tại công văn số 0343, Petrolimex đề nghị tăng giá bán lẻ 7 - 8%. Kết quả là ngày 29/3, Bộ Tài chính cho phép các doanh nghiệp đầu mối tăng giá xăng thêm 2.000 đồng/lít, lên mức 21.300 đồng/lít; dầu diesel tăng 2.800 đồng lên 21.100 đồng; dầu hỏa tăng 2.600 đồng/lít lên mức 20.800 đồng.lít; dầu madut tăng 2.000 đồng/kg lên mức 16.800 đồng/kg.

Tiếp đó, ngày 26/4/2011, Petrolimex tiếp tục có công văn 0572 đề nghị tăng 4-5% giá bán lẻ xăng dầu. Tuy nhiên lần này, cơ quan quản lý giá không chịu và có thông báo ngày 29/ 4 yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối giữ nguyên giá bán trong tình hình giá xăng dầu thế giới đang có những diễn biến phức tạp.

Chưa hết, ngày 31/5, cơ quan quản lý giá nhận được công văn số 767 của Petrolimex đề nghị tăng mức trích quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng dầu diesel và dầu hỏa, từ 300 đồng lên 600 đồng/lít. Theo đề nghị này, Bộ Tài chính đã quyết định điều chỉnh mức trích quỹ bình ổn với mặt hàng xăng, từ 300 đồng lên 400 đồng/lít.

Trong các thông báo điều hành giá xăng dầu phát đi từ Bộ Tài chính, bộ này luôn khẳng định quyết định điều hành xuất phát từ nhiều thực tế, trong đó có đề nghị tăng giá của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối.

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn