Tiệm bánh xếp hàng nổi tiếng Hà Nội đang bị đóng cửa

17/09/2015 07:58
Mai Anh (Tổng hợp)
(GDVN) - Đoàn kiểm tra liên ngành Cục An toàn thực phẩm và Sở Y tế Hà Nội đã ra quyết định đình chỉ hoạt động cơ sở sản xuất bánh ngọt Bảo Phương...

Chiều 16/9, đoàn kiểm tra liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trung ương do TS Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) làm trưởng đoàn cùng với Đoàn kiểm tra liên ngành ATVSTP thành phố Hà Nội do TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội làm trưởng đoàn đã kiểm tra tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh bánh trung thu tại các cơ sở truyền thống địa bàn thủ đô.

Theo đó, khi kiểm tra cơ sở sản xuất bánh ngọt Bảo Phương (ở địa chỉ 201 và 223 phố Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội), được biết đến với thương hiệu bánh trung thu truyền thống nổi tiếng nhất Hà thành, Đoàn kiểm tra liên ngành đã phát hiện cơ sở không đảm bảo các thủ tục pháp lý, vi phạm các quy định về ATVSTP.

Đoàn thanh kiểm tra sẽ tập trung kiểm tra điều kiện sản xuất kinh doanh tại các cơ sở sản xuất bánh mứt kẹo phục vụ trung thu (Ảnh minh họa bánh nướng).
Đoàn thanh kiểm tra sẽ tập trung kiểm tra điều kiện sản xuất kinh doanh tại các cơ sở sản xuất bánh mứt kẹo phục vụ trung thu (Ảnh minh họa bánh nướng).

Cụ thể, tại thời điểm kiểm tra cơ sở sản xuất bánh trung thu Bảo Phương (ở địa chỉ 223 phố Thụy Khuê) không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP, không có giấy đăng ký kinh doanh.

Bênh cạnh đó, một số nguyên liệu như: mỡ lợn, trứng gà chưa chứng minh được nguồn gốc. Qua kiểm tra, điều kiện vệ sinh của cơ sở chưa đảm bảo do nền nhà, trần bong tróc, cửa sổ mở ra đường khiến cho bụi bẩn và côn trùng gây hại (chuột, ruồi, rán…) có thể xâm nhập vào sản phẩm và nguyên liệu làm bánh. Cùng với đó, dụng cụ sản xuất chưa đảm bảo vệ sinh, cơ sở vẫn dùng bàn gỗ để làm bánh, rổ tre đựng nguyên liệu.

Tại thời điểm kiểm tra, bàn gỗ dùng để nhào bột làm bánh dẻo tại đây cũng không đảm bảo vệ sinh, còn dính nhiều bột từ những lần sản xuất trước rất dễ gây nấm mốc. Thêm vào đó, cửa nhà vệ sinh mở thẳng ra khu sản xuất, nền nhà ẩm mốc. Cơ sở cũng không có kho để nguyên liệu mà để lẫn ở khu vực sản xuất, một số được để trên giá đỡ, một số nguyên liệu được để sát tường nhà ẩm mốc.

TS Nguyễn Hùng Long đánh giá, điều kiện vệ sinh của cơ sở Bảo Phương cực kỳ kém. Bên cạnh đó, cơ sở công bố 2 sản phẩm là bánh dẻo và bánh nướng nhân thập cẩm nhưng thực tế sản xuất bánh nướng, bánh dẻo với nhiều loại nhân khác nhau. Bao bì, nhãn mác sản phẩm cũng chưa đúng theo quy định và đăng ký.

Với những sai phạm nêu trên, đoàn kiểm tra liên ngành của trung ương và thành phố đã thống nhất xử phạt hành chính và tạm dừng hoạt động sản xuất của cơ sở cho đến khi cơ sở khắc phục được các điều kiện về thủ tục pháp lý, vệ sinh cơ sở.

Cùng với đó đoàn kiểm tra đã lấy 2 mẫu bánh nướng và bánh dẻo nhân thập cẩm gửi Viện Kiểm nghiệm Quốc gia xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm sẽ được thông báo trong những ngày tới. Nếu sản phẩm không đạt tiêu chuẩn ATVSTP sẽ xử phạt tiếp.

Đoàn kiểm tra đã giao cho Phòng Y tế quận Tây Hồ và UBND phường Thụy Khuê giám sát hoạt động khắc phục của đơn vị.

Trước đó, trao đổi với phóng viên TS.BS Nguyễn Hùng Long – Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, bên cạnh kiểm tra an toàn thực phẩm tại Hà Nội, Cục An toàn thực phẩm sẽ phối hợp với Cục Quản lý thị trường, Cục Thú y, Viện Kiểm nghiện An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia, Sở Y tế tỉnh thanh, kiểm tra điều kiện an toàn thực phẩm tại Lạng Sơn.

Với riêng Hà Nội, đoàn sẽ tập trung vào nhà máy, cơ sở sản xuất bénh kẹo lớn, làng nghề chuyên sản xuất thủ công bánh kẹo. Quá trình kiểm tra sẽ tập chung vào Kiểm tra điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo hay không, lấy mẫu xét nghiệm xem dùng chất bảo quản hay không? Dùng chất bảo quản có đúng tỷ lệ, liều lượng…?

Trước đó Thường trực Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về Vệ sinh an toàn thực phẩm đã quyết định thành lập 6 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, tiến hành thanh tra tại 12 tỉnh, thành phố trọng điểm.

Các đoàn của Trung ương và cấp tỉnh, thành phố sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra những nơi cung cấp thực phẩm với số lượng lớn như cơ sở sản xuất lớn, chợ đầu mối, siêu thị, cơ sở thương mại tập trung, cơ sở nhập khẩu thực phẩm; ngăn chặn, phòng ngừa cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, hàng nhái, thực phẩm kém chất lượng, quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ và sử dụng nguyên liệu thực phẩm không bảo đảm an toàn.

Mai Anh (Tổng hợp)