“Tố” ngược hoa quả Việt Nam: Trung Quốc cố tình làm nhiễu thông tin?

11/07/2014 12:15
Hoàng Lực
(GDVN) - Đó là nhận định của chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong về việc Trung Quốc gửi công thư “tố” ngược chất lượng một số hoa quả, bánh kẹo việt Nam.

“Phải có bằng chứng”

Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, ngày 26/6/2014, Nafiqad nhận được Công thư của Tổng Cục giám sát Chất lượng, Thanh tra và Kiểm dịch Trung Quốc (AQSIQ) thông báo một số sản phẩm thực phẩm của Việt Nam xuất sang Trung Quốc từ năm 2013 đến tháng 4/2014 không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Trong đó có sản phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công thương như: Bánh mỳ hương dừa, bột sắn, bánh quy, bánh kem, bánh trứng, kem xốp, mứt sen ...

Bên cạnh đó AQSIQ gửi Công thư thông báo việc một số lô hàng trái cây của Việt Nam như: Chuối, thanh long... xuất khẩu sang Trung Quốc bị phát hiện nhiễm các đối tượng kiểm dịch thực vật.

"Tố" chất lượng hoa quả của Việt Nam chiêu bài mới nhằm làm nhiễu thông tin của Trung Quốc? (Ảnh nguồn báo Công thương).
"Tố" chất lượng hoa quả của Việt Nam chiêu bài mới nhằm làm nhiễu thông tin của Trung Quốc? (Ảnh nguồn báo Công thương).

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam quanh những thông tin trên, TS Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế cho rằng Trung Quốc phải đưa ra bằng chứng về cáo buộc một số sản phẩm bánh kẹo, hoa quả Việt Nam không đảm bảo an toàn thực phẩm.

TS Nguyễn Minh Phong phân tích, việc Trung Quốc gửi công thư cho rằng chất lượng một số hoa quả, bánh kẹo Việt Nam có vấn đề diễn ra sau gần 1 tháng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản gửi công văn tới Tổng Cục giám sát Chất lượng, Thanh tra và Kiểm dịch Trung Quốc cảnh báo về 17 lô hàng thực phẩm có nguồn gốc từ nước này xuất khẩu sang Việt Nam bị phát hiện dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật vượt quá mức quy định của Việt Nam.

Theo danh sách đính kèm, các lô hàng này gồm có: quýt tươi, cà rốt, nho tươi, chanh tươi, hồng quả, táo, cam tươi và củ cải trắng. Trong đó, quýt tươi bị phát hiện vi phạm nhiều nhất với 8 lô hàng (126 tấn), cà rốt 2 lô (54 tấn), táo quả 1 lô (40 tấn), nho quả tươi 2 lô (20 tấn), còn lại mỗi mặt hàng có 1 lô vi phạm, khối lượng từ 6 đến 15 tấn.

“Như vậy có thể xem đây là hành động đáp trả, nhằm làm nhiễu thông tin ảnh hưởng đến thương hiệu hoa quả Việt Nam. Nó giống như cách Trung Quốc cư xử trên Biển Đông khi liên tục vu cáo xuyên tạc Việt Nam. Nhìn hai sự kiện dễ thấy chúng ta nói có bằng chứng, còn Trung Quốc muốn nói gì phải có bằng chứng”, TS Phong nhấn mạnh.

Cũng liên quan đến vấn đề này, nhiều lo ngại cho rằng Trung Quốc sẽ siết chặt việc nhập khẩu hàng hóa nông sản, rau quả của Việt Nam. TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, lo ngại này hoàn toàn có cơ sở. Về cơ bản, hội nhập không thể đóng cửa giao thương xuất nhập khẩu. Tuy nhiên Trung Quốc sẽ dùng các hàng rào kỹ thuật hạn chế chặt chẽ mặt hàng rau quả Việt Nam. Từ đó đăt ra hai vấn đề:

Thứ nhất chúng ta phải xem hàng rào kỹ thuật đó như thế nào có đúng luật pháp quốc tế, có công bằng không? Nhìn những biện pháp kỹ thuật của Trung Quốc chúng ta phải áp dụng lại  với hàng hóa Trung Quốc nhập vào Việt Nam để đảm bảo công bằng.

Thứ hai việc Trung Quốc đặt hàng rao kỹ thuật buộc doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam phải nâng cao chất lượng hàng hóa, chủ động tìm thị trường mới.

Nhấn mạnh vai trò doanh nghiệp, TS Phong cho hay: “Doanh nghiệp phải xây dựng thương hiệu sản phẩm, điều lo lắng nhất là không có thương hiệu, lúc đó hàng hóa Trung Quốc nhiễm khuẩn họ nói nhập từ Việt Nam, chúng ta không có cách nào chứng minh vì không có thương hiệu. Cùng với đó doanh nghiệp cần định hướng lại thị trường”.

“Con sâu làm rầu nồi canh”

Trong khi đó, dưới góc độ người làm nông nghiệp, TS Nguyễn Đăng Nghĩa - Giám đốc trung tâm nghiên cứu Đất - Phân bón&Môi trường phía Nam, người đã có 33 năm làm việc nghiên cứu nông nghiệp đánh giá: Trung Quốc đưa ra vấn đề chất lượng một số mặt hàng hoa quả Việt Nam không đảm bảo an toàn thực phẩm là điều dễ hiểu.

Theo ông Nghĩa, việc xuất khẩu hàng hóa bằng nhiều con đường khác nhau trong đó có cả tiểu ngạch và chính ngạch chất lượng hoa quả, bánh kẹo có vấn đề là điều dễ hiểu, không oan ức. 

“Thực tế nông dân mình đang lạm dụng vào thuốc hóa chất quá nhiều, thuốc hóa chất đó lại nguồn gốc từ Trung Quốc. Việc sử dụng thuộc hóa chất không theo quy trình dẫn đến tồn dư trong hoa quả là điều hoàn toàn có cơ sở không hề oan ức”, TS Nghĩa nói. 

Tuy nhiên TS Nguyễn Đăng Nghĩa cũng cho rằng, sản phẩm nông sản Việt Nam không đảm bảo an toàn thực phẩm chỉ là “con sâu bỏ rầu nồi canh”. Nhiệm vụ của cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp cần phải nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu ngay từ lúc này.

“Đây là hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc, nếu là hoa quả xuất sang Mỹ, các nước châu Âu mà phát hiện vấn đề không đảm bảo an toàn thực phẩm, chắc chắn sẽ lên báo chí, thông tin mạng khi đó hoa quả chúng ta khó có cơ hội chen chân vào thị trường này”, TS Nghĩa kết luận.

Hoàng Lực