"Tôi tin vào dự cảm của mình, Myanmar sẽ là mỏ vàng mới của HAGL"

11/06/2013 10:15
Theo Vnexpress
"Tôi tin vào dự cảm của mình, Myanmar sẽ là mỏ vàng mới của HAGL, là động lực góp phần thúc đẩy tập đoàn tăng trưởng mạnh trong thời gian tới", Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), Đoàn Nguyên Đức nói.
"Tôi tin vào dự cảm của mình, Myanmar sẽ là mỏ vàng mới của HAGL, là động lực góp phần thúc đẩy tập đoàn tăng trưởng mạnh trong thời gian tới", Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), Đoàn Nguyên Đức nói.

Ông Đoàn Nguyên Đức cho biết, 3-5 năm tới, doanh nghiệp có 2 nắm đấm uy lực là cao su tại Lào, Campuchia và khu phức hợp ở Yangon. Trong đó Myanmar sẽ là mỏ vàng vươn đến giá trị 1 tỷ USD.

Bầu Đức mở đầu câu chuyện Myanmar bằng ký ức của 4 năm về trước. Đó là năm 2009, Chủ tịch HAGL đến Myanmar theo phái đoàn ngoại giao tìm hiểu thị trường mới. Năm 2010 tập đoàn được giao mảnh đất "kim cương" ở cố đô Yangon. Khi nhận dự án, ông chỉ dám kỳ vọng năm 2016 Myanmar mới có thể chuyển mình. Thế nhưng những điều bất ngờ đã đến. Chính phủ nước này mạnh dạn mở cửa từ năm 2011. Kéo theo đó là hàng loạt lệnh cấm vận được dỡ bỏ trong năm 2012. Làn sóng đầu tư tràn vào rồi dâng cao khiến thị trường này tăng nhiệt nhanh chóng.

Người giàu thứ hai sàn chứng khoán Việt Nam tiết lộ, ông từng lên kế hoạch tạm thời cho các dự án địa ốc của tập đoàn "đắp mền", chờ khi nào thị trường hồi phục mới mang ra làm tiếp. Song khi Myanmar mở cửa, ông dự cảm thị trường mới nổi này sẽ là thỏi nam châm của thế giới. Vì thế HAGL Land không được phép nghỉ xả hơi mà sẽ tiếp nhận sứ mệnh mới. Mỏ vàng này là kho báu còn sót lại của châu Á, có thể mang đến cơ hội rất lớn cho tập đoàn.

"Tôi quyết định phải đánh trận chiến thần tốc ở Yangon. Dự án không chỉ thể hiện khát vọng tăng trưởng mạnh mẽ của tập đoàn mà còn là tham vọng xây dựng một Vina Town (phố của người Việt) tại Myanmar", ông nói.

Chủ tịch HAGL Đoàn Nguyên Đức tin rằng Myanmar sẽ là mỏ vàng của tập đoàn trong vài năm tới. Ảnh: Vũ Lê.
Chủ tịch HAGL Đoàn Nguyên Đức tin rằng Myanmar sẽ là mỏ vàng của tập đoàn trong vài năm tới. Ảnh: Vũ Lê.

Điều khiến bầu Đức tự tin khi đem chuông đi đánh xứ người là tốc độ chuyển mình của Myanmar ngày càng nhanh và sức hút cũng tăng dần. Ông kể, cách đây 2 năm, Yangon không có nhiều xe nhưng tháng 6/2013 lượng ôtô tăng lên chóng mặt, tắc đường thường xuyên, chỗ đậu xe bắt đầu trở thành áp lực. Dự báo được vấn đề này, khu phức hợp của HAGL thiết kế 2 tầng hầm đỗ xe với sức chứa lớn. Sắp tới các hạng mục văn phòng cho thuê, khách sạn, căn hộ dịch vụ, thương mại có thể tính đến việc miễn phí đậu xe.

"Tôi yêu cầu khẩn cấp nhóm HAGL Myanmar lập tổ nhiệt kế tại nước này. Đội chỉ làm một nhiệm vụ là trinh sát và đo lường nhiệt độ của thị trường này sau 30 năm đóng cửa", bầu Đức kể. Hiện nay, cả đô thị sầm uất này chỉ có 11 cẩu tháp xây nhà cao tầng, trong đó HAGL chiếm đến đến 7 cái đang hoạt động tại Yangon. Cách đây 2 năm Myanmar chỉ có 3 hãng hàng không nội địa nhưng năm 2013 đã có 30 hãng hàng không quốc tế xếp hàng vào. Nhà đầu tư nước ngoài cũng đang ồ ạt đổ xô đến mỏ vàng còn sót lại của châu Á.

Ông chủ HAGL phân tích, thời hoàng kim của thị trường bất động sản Việt Nam là năm 2007. Khi đó "nhiệt độ" nóng nhất - mảng địa ốc của HAGL đạt 12.000 tỷ đồng và giai đoạn "điên loạn" này sẽ không quay trở lại nữa. "Dự án tại Yangon là trường hợp đặc biệt hơn rất nhiều, nó vươn tới giá trị 1 tỷ USD trong vòng 3-5 năm nữa", ông nhận định. Thị trường văn phòng, khách sạn, căn hộ dịch vụ cho thuê tại Yangon đang ở 20 độ C. Năm 2017 thị trường bất động sản Myanmar có thể vươn lên 70 độ C. Trong 10 năm nữa đỉnh parabol mới đứng.

Máy móc thiết bị đang thi công tại công trường dự án Hoang Anh Gia Lai Myanmar tại Yangon. Ảnh: Vũ Lê
Máy móc thiết bị đang thi công tại công trường dự án Hoang Anh Gia Lai Myanmar tại Yangon. Ảnh: Vũ Lê

Bầu Đức nhận xét, 15-20 năm sau Yangon cũng sẽ không có dự án nào lớn hơn khu phức hợp của Hoàng Anh Gia Lai tại Yangon vì quỹ đất đẹp tại đây không còn nhiều và quy hoạch của Chính phủ này ổn định, bền vững. GDP của Myanmar còn thấp và đang ở vạch xuất phát so với khu vực Đông Nam Á, vì thế trong vòng một thập niên tới khi chính sách mở cửa và cải cách đất nước thấm vào môi trường đầu tư, tốc độ tăng trưởng của quốc gia này sẽ cực kỳ mạnh mẽ vì biên độ tăng còn lớn.

Nhiều thương hiệu uy tín và định chế tài chính quốc tế đang rất quan tâm đến dự án của HAGL tại Myanmar, ông trùm bất động sản Việt Nam tiết lộ. Hiện nay tập đoàn đã tiếp xúc với 3 đối tác về khách sạn: Sheraton, Marriott, Melia. Về căn hộ dịch vụ có Accor và Somerset. Trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê của dự án cũng nhận được lời đề nghị đặt hàng trước từ nhiều doanh nghiệp Việt Nam và đối tác quốc tế.

"Dự án chủ yếu nhắm đến các tổ chức cá nhân nước ngoài tại Myanmar nhưng đối với khách thuê gốc Việt tập đoàn sẽ có ưu đãi", người đứng đầu HAGL tuyên bố.

Quan điểm của ông Đức, lịch sử của HAGL đang bước sang những trang mới là kinh doanh theo phong cách toàn cầu. Cách đầu tư cũng thay đổi theo chiều hướng áp dụng các quy chuẩn quốc tế để hòa nhập với tình hình chung. Dự án ở Yangon vì thế sẵn sàng chi thêm 140 triệu USD, chấp thuận yêu cầu của Chính phủ nước bạn là điều chỉnh thiết kế theo tiêu chuẩn Mỹ và đầu tư các tòa nhà hạng A, 5 sao ở đẳng cấp cao.

"Tôi tin vào dự cảm của mình, Myanmar sẽ là mỏ vàng mới của HAGL, là động lực góp phần thúc đẩy tập đoàn tăng trưởng mạnh trong thời gian tới", ông nói.
Theo Vnexpress