Tràng Tiền Plaza: Khách đến chỉ ngắm chứ không... mua

16/12/2013 13:58
Hồng Anh
(GDVN) - Được đánh giá là Trung tâm thương mại cao cấp bậc nhất Hà Nội nhưng sau hơn nửa năm đi vào hoạt động, lượng khách hàng tới Tràng Tiền Plaza ngày càng một thưa thớt, nhiều người đến đây với tâm lý thăm quan là chính.
Đầu tư tới 400 tỷ đồng để thay đổi diện mạo sau hơn 4 năm đóng cửa, nằm ở vị trí đắc địa tại trung tâm thủ đô, bên cạnh đó là sự hội tụ của các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Louis Vuitton, Versace, Burberry, Christian Dior, Catier… Tràng Tiền Plaza bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 4/2013 qua bàn tay "tái sinh" của doanh nhân Jonathan Hạnh Nguyễn - người được mệnh danh là "ông chủ của đế chế hàng hiệu". Ở thời điểm đi vào hoạt động trở lại, Tràng Tiền Plaza đã thu hút hàng ngàn lượt khách ghé thăm.

Tuy nhiên, do định hướng vào phân khúc hàng hiệu đẳng cấp nên chỉ sau hơn nửa năm đi vào hoạt động, lượng khách hàng tới Tràng Tiền Plaza ngày một thưa thớt. Nhiều người đến đây với tâm lý tham quan là chính và coi đây như một điểm dừng chân khi ghé thăm Hà Nội.

Diện mạo lộng lẫy và sang trọng nhìn từ bên ngoài TTTM Tràng Tiền Plaza ngày trở lại. (Ảnh: Trần Kháng)
Diện mạo lộng lẫy và sang trọng nhìn từ bên ngoài TTTM Tràng Tiền Plaza ngày trở lại. (Ảnh: Trần Kháng)

Lý giải vì sao Tràng Tiền Plaza lại được khách hàng coi đó là nơi thăm thú, đến xem chứ không mua, thành viên có tên Ánh sáng ngày mai cho rằng: Tràng Tiền Plaza được mấy hôm đầu khai trương thấy đông giờ thì lại vắng như "chùa Bà Đanh". Chỗ gửi xe bé tí tẹo, chả phù hợp với quy mô của một trung tâm thương mại tầm cỡ. Đặc biệt, các gian hàng cũng nghèo nàn. Nói chung là vào cho biết thôi".  Nói về phân khúc các mặt hàng tại Tràng Tiền Plaza, thành viên Thanh Thảo lại cho rằng: "Mình để ý mấy trung tâm thương mại các nước xung quanh cũng có tập trung toàn hàng hiệu cao cấp đâu? Ví dụ như Central Worl, Siam Paragon, MBK, Gaysorn... của Thái Lan cũng xen lẫn hàng hiệu thường vào để bán. Hoặc Bugis, Orchard Road bên Singapore cũng đâu có quá nhiều hàng hiệu cao cấp. Các mặt hàng phong phú về chủng loại và giá cả thì mới có khách. Chứ toàn hàng hiệu đẳng cấp thì người dân vào xem là chính chứ mấy ai đủ tiền mua". Cũng từng đến Tràng Tiền Plaza, chị Thảo Chi chia sẻ câu chuyện: "Hôm vừa rồi dẫn trẻ con đi chơi, ăn mặc bình thường, giày thì bị bẩn vì đi ở tầng hầm để xe ô tô bẩn quá, vào một gian hàng thương hiệu lớn tại đây, chúng tôi bị nhân viên không cho vào. Họ bảo cửa hàng đông khách rồi, phải đứng ngoài chờ... Có lẽ đây là phong cách thường thấy của một số nhân viên tại các trung tâm thương mại hay các cửa hàng đồ hiệu".
Cảnh vắng vẻ bao trùm các gian hàng dày dép, kính mắt, đồng hồ… (Ảnh: Trần Kháng).
Cảnh vắng vẻ bao trùm các gian hàng dày dép, kính mắt, đồng hồ… (Ảnh: Trần Kháng).
Trao đổi với PV báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng: Bộ mặt ngày nay của Tràng Tiền Plaza đẹp và hoành tráng hơn trước đây nhưng đi cùng với đó dường như các “thượng đế” không mặn mà với Tràng Tiền Plaza, điều này có thể xuất phát từ hai nguyên nhân:Thứ nhất, tuy Tràng Tiền Plaza được xây dựng mới to đẹp nhưng đối tượng phục vụ là khách hàng cao cấp, người tiêu dùng có điều kiện kinh tế cao, trong khi trước đó đây là Cửa hàng bách hóa tổng hợp, một minh chứng cho thương mại Hà Nội quen thuộc với người dân thủ đô, ai muốn mua bán có thể ra vào thỏa mái khiến tâm lý khách hàng nhất là người sống và làm việc lâu năm ở Thủ đô cảm thấy chạnh lòng, nuối tiếc. “Người tiêu dùng cảm thấy bị phân biệt đối xử. Nhất là những người tiêu dùng có thu nhập trung bình và thấp, họ không dám bước chân vào TTTM này. Theo tôi nhà đầu tư đừng phân biệt đối xử với khách hàng là người thu nhập thấp trung bình, thấp... nếu để lâm vào tình trạng “lãnh đạm” với người tiêu dùng phân khúc trung bình và thấp là rất nguy hiểm” – ông Vũ Vinh Phú cho biết.Thứ hai, giữa lúc nền kinh tế còn gặp khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động các siêu thị thì việc xác định lựa chọn đối tượng phục vụ phân khúc cao cấp cạnh tranh với Rex, Parkson, Diamond, Vincom… là hướng đi khó vì vậy việc Tràng Tiền Plaza vắng khách là điều dễ hiểu.  “Theo tôi được biết, Tràng Tiền Plaza cũng bán được hàng chứ không phải không nhưng sẽ không sầm uất như các siêu thị cao cấp khác” – ông Phú nói. Việc Tràng Tiền Plaza tuy có điều kiện vị trí thuận lợi nhưng lượng khách hàng đến siêu thị này không đông sẽ ảnh hưởng đến tâm lý “đám đông” của người tiêu dùng. Ông Phú cho biết, với một siêu thị việc khách hàng đến không chỉ để mua sản phẩm mà còn tham quan, so sánh giá mẫu mã và cũng để đánh giá chất lượng phục vụ…  “Do vậy việc xác định phục vụ khách hàng có điều kiện mua hàng còn khách tham quan không được chào đón là sai lầm vì việc mua và thăm quan là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau. Người ta sẽ không mua nhưng nếu anh bán hàng tốt giá cao nhưng sản phẩm chất lượng dịch vụ tốt người ta sẽ quảng cáo giới thiệu cho anh”, ông Phú phân tích. Cũng theo ông Phú, nếu kéo dài tính trạng vắng khách sẽ khiến người tiêu dùng đặt ra câu hỏi cũng như những nghi ngại, cùng với tâm lý đám đông sẽ khiến khách hàng quay lưng với Tràng Tiền Plaza.
Hồng Anh