Trung tâm hành chính nghìn tỷ, tư duy nhiệm kỳ và 3 câu hỏi phải làm rõ

12/11/2015 10:15
Mai Anh (ghi)
(GDVN) - Theo TS. Ngô Trí Long, ẩn sau đề xuất xây dựng Trung tâm hành chính của các địa phương là tư duy nhiệm kỳ, anh nào lên cũng muốn ghi dấn ấn nhiệm kỳ.

Thời gian gần đây, những đề xuất xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu trung tâm hành chính, chính trị của nhiều địa phương trên cả nước như Nghệ An, Khánh Hòa... hay mới đây nhất là TP.Hải Phòng với mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng trong bối cảnh ngân sách eo hẹp, nợ công đang tăng thu hút sự quan tâm của dư luận cũng như dấy lên nhiều ý kiến trái chiều. 

Để độc giả hiểu hơn chính sách đầu tư công và có cái nhìn toàn diện xung quanh đề xuất của TP.Hải Phòng, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xin gửi tới độc giả ý kiến đánh giá của các chuyên gia kinh tế dưới đây: 

Phối cảnh khu đô thị và trung tâm hành chính dự kiến của Hải Phòng. Ảnh: Tiền Phong.
Phối cảnh khu đô thị và trung tâm hành chính dự kiến của Hải Phòng. Ảnh: Tiền Phong.

TS Nguyễn Trí Hiếu: Phải xem người dân có hài lòng hay không?

Hiện tượng các tỉnh, thành phố tại Việt Nam xin xây dựng các Trung tâm hành chính công sở hoành tráng, hiện đại không mới và đã diễn ra nhiều năm qua và câu chuyện của Hải Phòng chỉ là một trường hợp điển hình. 

Điển hình của Hải Phòng ở chỗ, địa phương này xin ngân sách thực hiện dự án đúng vào giai đoạn khó khăn của ngân sách buộc dư luận đặt câu hỏi về sự cần thiết của dự án.

Nhìn sang nhiều nước phương Tây, có thể thấy Trung tâm hành chính các địa phương của họ được xây dựng khá hoành tráng nhưng chủ yếu là do yếu tố lịch sử cũ để lại. Việc xây mới rất ít và thường được cải tạo tu sửa dựa trên nền tảng các công trình đã có sẵn.

Trong khi ở Việt Nam, đời sống kinh tế, xã hội nhiều tỉnh, thành phố nhìn chung còn khó khăn. Song trên thực tế có địa phương còn nghèo lại muốn xây dựng Trung tâm hành chính hoành tráng nhất. Chính điều này đã ra câu hỏi xây dựng Trung tâm hành chính để làm gì? Vì sao người dân thường "dị ứng" trước thông tin về những dự án nghìn tỷ ấy?

Có thể lý giải thế này, thứ nhất đặt về vấn đề hiệu quả, một địa phương không nhất thiết phải xây một Trung tâm hành chính, công sở đồ sộ thay vào đó nên đầu tư vấn đề an sinh xã hội. Đầu tư xây dựng công trình cơ sở như thủy lợi, mương máng, đường xá cho vùng nông thôn... hơn là xây trụ sở cho Ủy ban nhân dân.

TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia kinh tế: "Dù công trình dự án có hoành tráng nhưng nếu chất lượng phục vụ nhân dân kém, cán bộ thiếu năng lực trình độ, thiếu phẩm chất thì hiệu quả phục vụ dân đã không đạt được". Ảnh H.Lực.
TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia kinh tế:  "Dù công trình dự án có hoành tráng nhưng nếu chất lượng phục vụ nhân dân kém, cán bộ thiếu năng lực trình độ, thiếu phẩm chất thì hiệu quả phục vụ dân đã không đạt được". Ảnh H.Lực.

Thứ hai, sau những dự án xây dựng Trung tâm hành chính tại các địa phương không chỉ vì mục đích phục vụ tốt hơn người dân mà còn vì sĩ diện của chính quyền các địa phương này với địa phương khác.

Thứ ba, chính vì sĩ diện nên dẫn đến lãng phí, tham nhũng bởi một địa phương khi giải ngân xây dựng dự án nếu không kiểm soát gói thầu chặt chẽ, không đấu thầu công khai sẽ tạo điều kiện cho lợi ích nhóm.

Ngày 10/11, UBND TP.Hải Phòng tổ chức họp báo để “đính chính” thông tin về việc địa phương này sẽ “xây dựng trung tâm hành chính - chính trị nghìn tỉ”.

Tại đây ông Lê Khắc Nam - Phó chủ tịch UBND TP.Hải Phòng cho biết: Trong tương lai, Hải Phòng sẽ phát triển thành phố theo dọc các con sông Cấm, sông Lạch Tray. Chính vì vậy, dự án Đô thị mới Bắc sông Cấm rất quan trọng và cần được tính toán kỹ, đầu tư lớn. Con số khoảng 10.000 tỉ đồng chỉ là dự tính, có thể thấp hơn hoặc cao hơn.

Số tiền này sẽ được đầu tư chính vào hạ tầng (đường xá, điện nước…), hệ thống đê biển, kè sông. Đặc biệt là hàng loạt cây cầu (cầu Hoàng Văn Thụ, cầu Nguyễn Trãi, cầu Vũ Yên) được xây dựng để phục vụ cho nhân dân.

Như vậy vấn đề không chỉ lãng phí, kém hiệu quả mà còn tạo ra môi trường để cá nhân lợi dụng, tư lợi cá nhân hoặc lợi ích một nhóm người nào đó.

Mặt khác, cách thu xếp nguồn vốn thực hiện dự án công sở phục vụ cho bộ máy công quyền ở địa phương Việt Nam so với các nước phương Tây hay ngay tại Mỹ cũng khác nhau.

Ở Mỹ, một thành phố nào đó muốn xây dựng công sở, họ phải tự thu xếp nguồn vốn dựa trên nguồn thuế thu tại địa phương. Sự hỗ trợ của tiểu bang, liên bang rất ít, chỉ chiếm phần nào theo tỷ lệ địa phương 80%, hỗ trợ của tiểu bang, liên bang chỉ 20%-30%.

Ngược lại tại Việt Nam, hầu hết địa phương lại đề nghị phương án xây dựng Trung tâm hành chính với nguồn ngân sách xin từ Trung ương. Trong khi chính quyền Trung ương phải lo nhiều khoản đầu tư, phải phân bổ ngân sách cho địa phương. 

Vì thế dẫn đến chuyện nếu phê duyệt ngân sách cho địa phương này xây Trung tâm hành chính thì Trung ương cũng phải cho địa phương khác. Cứ như vậy, cuộc đua xây dựng công sở kéo dài mà hiệu quả phục vụ người dân chưa chắc đã song hành với độ hoành tráng của các dự án này.

Với Hải Phòng, nếu muốn xây dựng dự án Trung tâm hành chính hay Khu đô thị hoành tráng, địa phương phải tự thu xếp vốn 80% còn lại hãy xin hỗ trợ của Trung ương.

Nên nhớ Trung tâm hành chính, công sở dù hiện đại chỉ là công cụ hỗ trợ yếu tố quan trọng nhất vẫn là con người. Dù công trình dự án có hoành tráng nhưng nếu chất lượng phục vụ nhân dân kém, cán bộ thiếu năng lực trình độ, thiếu phẩm chất thì hiệu quả phục vụ dân đã không đạt được.

Với những địa phương được phê duyệt xây dựng dự án như vậy, sau một năm cơ quan chức năng cần có những đánh giá khách quan, điều tra xã hội học xem rằng người dân có hài lòng với công sở mà chính họ phải bỏ tiền túi ra để xây dựng hay không.

Hài lòng không chỉ là chất lượng công trình mà còn ở thái độ phục vụ, chất lượng dịch vụ công.

TS. Ngô Trí Long: Tư tưởng nhiệm kỳ

Trong bối cảnh ngân sách đang thâm hụt, nợ công tăng nhanh khả năng trả nợ hạn chế... lúc này ta cần phải xiết đầu tư công, xem xét lại chi phí thường xuyên. Trong bối cảnh ấy, việc một địa phương như Hải Phòng đề nghị xây dựng một khu trung tâm hành chính, chính trị với nguồn đầu tư 10.000 tỷ đồng là không phù hợp.

Vấn đề nữa là trong khi nguồn lực tài chính địa phương nói riêng và trung ương nói chung có hạn thì cần phân phối làm sao cho hiệu quả. Cái gì cần thì làm trước, không cần thì làm sau.

PGS.TS Ngô Trí Long - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả (Bộ Tài Chính): "Ẩn sau đề xuất xây dựng Trung tâm hành chính các địa phương là tư duy nhiệm kỳ, anh nào lên cũng muốn ghi dấn ấn nhiệm kỳ".
PGS.TS Ngô Trí Long - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả (Bộ Tài Chính): "Ẩn sau đề xuất xây dựng Trung tâm hành chính các địa phương là tư duy nhiệm kỳ, anh nào lên cũng muốn ghi dấn ấn nhiệm kỳ".

Mặt khác, với những dự án lớn như vậy trước khi phê duyệt cho chủ trương đồng ý hay không đồng ý cần thẩm định để tránh việc đội vốn. Thực tế đầu tư công của ta đã xảy ra rất nhiều hiện tượng đội giá lên so với dự toán ban đầu.

Trung tâm hành chính nghìn tỷ, tư duy nhiệm kỳ và 3 câu hỏi phải làm rõ ảnh 4

Bao giờ mới hết chuyện vung tay quá trán, ăn bám, không biết xấu hổ?

Mục tiêu cuối cùng là xây dựng Trung tâm hành chính hiện đại nhằm phục vụ người dân. Tuy nhiên muốn phục vụ nhân dân tốt phải cải cách cả bộ máy hành chính, cải cách cả thể chế với nhiều mặt nhiều thủ tục. 

Tất nhiên trong điều kiện xây dựng trung tâm hành chính công khang trang, hiện đại cũng là tốt nhưng đó là khi có điều kiện. Ngược lại, trong lúc chúng ta nợ công lớn ngân sách thâm hụt, thay vì bàn phương án tiết kiệm chi ngân sách lại đưa ra vấn đề xây dựng công sở. Đây là điều đáng trách, chắc chắn Chính phủ không phê duyệt dự án như vậy.

Ẩn sau đề xuất xây dựng Trung tâm hành chính các địa phương là tư duy nhiệm kỳ, anh nào lên cũng muốn ghi dấn ấn nhiệm kỳ. Trong điều kiện xin được người ta cứ xin, nếu được phê duyệt thì tốt không thì cũng không sao.

PGS.TS Bùi Quang Bình: Ba câu hỏi cần làm rõ

Sau ý kiến phản biện của dư luận, UBND TP.Hải Phòng đã có những thông tin ban đầu về dự án đầu tư này. Cụ thể Hải Phòng lý giải con số 10.000 tỷ đồng (với 70% xin ngân sách Trung ương) là con số dự tính để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Bắc sông Cấm.

Chuyên gia kinh tế PGS-TS Bùi Quang Bình, Chủ nhiệm khoa kinh tế, Trường đại học Kinh tế Đà Nẵng.
Chuyên gia kinh tế PGS-TS Bùi Quang Bình, Chủ nhiệm khoa kinh tế, Trường đại học Kinh tế Đà Nẵng.

Số tiền này sẽ được đầu tư chính vào hạ tầng (đường xá, điện nước…), hệ thống đê biển, kè sông... 

Tuy nhiên những lý giải của Hải Phòng vẫn khiến dư luận không hài lòng bởi trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, thành phố này lại đưa ra chủ trương xây dựng dự án với nguồn kinh phí lớn, đòi hỏi trung ương hỗ trợ 70% nguồn vốn đầu tư là không hợp lý.

TP.Hải Phòng trước hết phải trả lời 3 câu hỏi của dư luận: Thứ nhất dự án trên có thực sự cần hay không? Các công sở của địa phương này bức thiết đến mức phải xây dựng lại?

Thứ hai, nguồn kinh phí lấy từ đâu ra?

Thứ ba, so với mục tiêu đầu tư khác đâu là dự án cần đầu tư hơn?

Kể cả trong lý giải của Hải Phòng về việc số tiền 10.000 tỷ đồng bao gồm xây dựng hàng loạt cây cầu như cầu Hoàng Văn Thụ, cầu Nguyễn Trãi, cầu Vũ Yên để phục vụ cho nhân dân.

Tuy nhiên hai vấn đề này cần tách biệt, xây cầu phục vụ nhân dân là đúng nhưng không thể gộp chung vào khoản đầu tư khác mà cần tách bạch để thấy rõ anh dùng bao nhiêu tiền xây cầu, bao nhiêu tiền làm đường, bao nhiêu tiền xây trụ sở...như thế mới minh bạch tránh hoài nghi của dư luận.

Mai Anh (ghi)