TS Nguyễn Minh Phong: Không thể có chuyện Nestlé lỗ triền miên

16/08/2013 10:09
Hoàng Lực (Thực hiện)
(GDVN) - Theo TS Nguyễn Minh Phong, trước đây Daewookhông chịu nộp thuế và báo lỗ liên tục, đến khi Giám đốc Sở KHĐT Hà Nội “dọa” không nộp thuế thì phá bỏ liên doanh, thế là năm sau lại nộp thuế ngay 3 triệu USD. Từ đó có thể thấy không thể có chuyện doanh nghiệp như Coca-Cola hay Nestlé khai lỗ triền miên được.
Sau hàng chục năm đầu tư kinh doanh tại Việt Nam chiếm thị phần lớn, liên tục mở rộng sản xuất kinh doanh nhưng nhiều doanh nghiệp FDI như Coca-Cola, Nestlé... liên tục báo lỗ. Dù kêu lỗ nhưng đại gia đồ uống Coca Cola, Nestlé vẫn mở rộng quy mô sản xuất. Sản phẩm Nestlé tràn ngập thị trường, riêng mặt hàng cà phê hòa tan Nestcafe chiếm lĩnh phần lớn thị trường. Do đó, con số lỗ lũy kế mới đây của Nestlé lên đến 30,8 triệu USD, chiếm 20% vốn chủ sở hữu khiến dư luận và người trong ngành đặt câu hỏi: Liệu có đúng sự thật?
Báo lỗ nhưng Nestlé vẫn mở rộng quy mô kinh doanh ở Việt Nam.
Báo lỗ nhưng Nestlé vẫn mở rộng quy mô kinh doanh ở Việt Nam.
Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng hiện nay chính sách thu hút đầu tư với nhiều ưu đãi dành cho doanh nghiệp nước ngoài đang vô tình bắt bí doanh nghiệp nội, cùng với đó là vấn đề chống chuyển giá đang khiến dư luận đặt ra câu hỏi về năng lực ngành thuế hiện nay. Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Minh Phong, Chuyên gia kinh tế, nguyên là cán bộ Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội.- Từ nghi vấn về chuyển giá trốn thuế của doanh nghiệp FDI như Coca Cola, Nestlé... qua những báo cáo tài chính liên tục thua lỗ, nhiều ý kiến cho rằng những chính sách của ta đang dành nhiều ưu đãi doanh nghiệp FDI hơn so với doanh nghiệp trong nước hiện nay nên phải điều chỉnh, ví dụ việc doanh nghiệp trong nước báo lỗ 3 năm liên tiếp sẽ bị giải thể phá sản, ý kiến của ông thế nào, thưa ông?
Chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Minh Phong
 Chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Minh Phong
TS Nguyễn Minh Phong: Cần phải phân biệt: Ưu đãi nước ngoài để thu hút đầu tư phát triển ngành nghề theo mục tiêu quản lý nhà nước cũng như yêu cầu tái cấu trúc đó và so với cơ chế quản lý khác với doanh nghiệp trong nước là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Ví dụ việc các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp FDI liên tục báo lỗ nhằm trốn thuế, trong khi doanh nghiệp trong nước nếu báo lỗ 3 năm liên tiếp buộc phải giải thể. So sánh điều này cũng rất khó vì quy định doanh nghiệp báo lỗ 3 năm bị giải thể, thay đổi lãnh đạo chỉ áp dụng với doanh nghiệp nhà nước do yêu cầu nâng cao năng lực quản lý kinh doanh, năng lực lãnh đạo phù hợp với mục tiêu và đảm bảo quản lý vốn trong doanh nghiệp nhà nước. Doanh nghiệp tư nhân trong nước báo lỗ 3 năm hay trên 3 năm cũng không bị giải thể. Còn đối với doanh nghiệp nước ngoài đầu tư ở Việt Nam hay doanh nghiệp tư nhân, thứ nhất nếu lỗ bản thân doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm, còn việc báo lỗ giả, hiện nay quy định quản lý của ta vẫn còn nhiều bất cập chưa kiểm tra, phát hiện dấu hiệu chuyển giá. Khó khăn nữa là doanh nghiệp FDI có công ty mẹ, đầu mối hoạt động tại nước ngoài, doanh nghiệp xuyên quốc gia thì việc phát hiện, làm rõ những nghi vấn chuyển giá như Coca-Cola không chỉ Việt Nam mà ngay cả nước phát triển như Mỹ, Nhật cũng khó khăn chưa có nhiều giải pháp để khắc phục. Chúng ta vẫn chỉ kêu gọi đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội hay phản đối, đấu tranh đối với các doanh nghiệp
này nhưng không phải mạnh lắm. Điều này vô tình tạo cơ chế cạnh tranh không bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. Trong khi doanh nghiệp trong nước phải nộp thuế đầy đủ thì doanh nghiệp nước ngoài vẫn dùng các chiêu thức chuyển giá để trốn thuế khiến cạnh tranh không bình đẳng... Hiện nay, nếu nói nhà nước đang có những chính sách ưu đãi cao dành cho doanh nghiệp FDI cũng không hoàn toàn đúng. Thực tế chính sách ưu đãi của nhà nước chỉ dành cho cách ngành có hàm lượng công nghệ cao như chính sách mới đây dành cho Sam Sung chẳng hạn. Còn các chính sách ưu đãi chung cho doanh nghiệp FDI hay doanh nghiệp trong nước hiện nay cũng đã cân bằng. Trước đây chúng ta bóc tách, Luật đầu tư nước ngoài, Luật doanh nghiệp nhà nước và Luật doanh nghiệp tư nhân… chính sách ưu đãi đầu tư trong nước và nước ngoài khác nhau, chính sách dành cho doanh nghiệp nhà nước doanh nghiệp tư nhân khác nhau. Nhưng hiện nay tất cả chung một bộ Luật Đầu tư nên độ bằng phẳng, chính sách ưu đãi là tương đương như nhau.- Vậy ta có thể học tập và áp dụng được những chính sách quản lý chống chuyển giá của các nước khác không, thưa ông?
TS Nguyễn Minh Phong:
Chúng ta hoàn toàn có thể học và áp dụng những quy định về hạch toán, quy định về giá.
Các nước hiện nay đang áp dụng quy tắc chung là cách doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải đưa ra công thức tính giá để minh bạch. Sau đó có thể chiếu vào đó để so sánh, hơn nữa là so sánh giữa các giá tương đương ví dụ doanh nghiệp bán ra giá sản phẩm lại thấp hơn giá chi phí sản xuất là không đúng. Vì nguyên tắc là anh bán phải có lời dù bán cho công ty mẹ cũng phải có lời chứ không có chuyện lỗ được. Chúng ta sẽ dùng phương pháp so sánh giá để chứng minh vấn đề chuyển giá và khi chứng minh được có chuyển giá phải đưa mức phạt nghiêm khắc một là truy thu thuế hai là bắt bù trả thuế số lãi từ khoản trốn thuế đó. Hoặc tiến hành phạt bổ sung. Cũng có thể dùng các biện pháp mua thông tin để chứng minh vấn đề chuyển giá. Cách làm khác là nếu trong trường hợp doanh nghiệp FDI không thỏa thuận vấn đề về giá thì cơ quan quản lý phải áp giá tối thiểu. Tuy nhiên về vấn đề áp giá thì năng lực của cơ quan quản lý của ta còn kém, thường doanh nghiệp FDI khai sao chúng ta chấp nhận vậy chứ không có cơ sở chứng minh vì vậy kể cả việc doanh nghiệp FDI có chuyển giá cũng rất khó phát hiện. Một vấn đề nữa, mới đây Luật Quản lý thuế đã công bố những luật mới như buộc doanh nghiệp phải công khai mức giá; phải khai báo cơ chế giá mình được quyền thỏa thuận về giá với doanh nghiệp. Ví dụ như khi doanh nghiệp FDI công bố giá nếu thấy hợp lý chúng ta chấp nhận nếu không yêu cầu điều chỉnh nâng giá, như giá mua bí quyết của Coca-Cola chẳng hạn. Nhưng  những bổ sung đó vẫn còn “nhẹ”, chỉ trên mức thỏa thuận chứ chưa đưa vào áp đặt yêu cầu. Hơn nữa nó còn phụ thuộc vào người vận dụng, thi hành. Ví dụ trong vấn đề áp dụng, chúng ta vẫn chưa có quy định rõ ràng nếu để doanh nghiệp FDI “qua mặt” vấn đề giá dẫn đến chuyển giá trốn thuế thì cá nhân, đơn vị phải chịu trách nhiệm như thế nào? Vấn đề trách nhiệm, thậm chí là đền bù thiệt hại như thế nào? Dẫn đến việc có quy định nhưng “lười” áp dụng.- Trước những nghi vấn chuyển giá của Coca-Cola hay Nestlé, dường như cơ quan quản lý mà cụ thể ngành thuế rất ít lên tiếng, Theo ông nguyên nhân vì sao?

TS Nguyễn Minh Phong:
Đúng là những nghi vấn chuyển giá của doanh nghiệp FDI như Coca-Cola hay Nestle chủ yếu do phương tiện truyền thông đề cập, còn bản thân ngành thuế ít lên tiếng. Theo tôi năng lực bản thân ngành thuế hiện nay cũng còn kém.

Trước đây tại một Hội thảo về chống chuyển giá tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư mình đã từng nói, kể cả phải chi cho đề tài cả triệu đông về vấn đề chuyển giá, trốn thuế cũng nên làm để sau đó thu về nguồn thuế cà trăm triệu đô. Còn hiện nay năng lực không có nên cho dù biết chuyện Coca-Cola chẳng hạn mấy chục năm liền báo lỗ không nộp thuế là vô lý nhưng cũng đành chịu.
Như trước đây Daewoo chẳng hạn không chịu nộp thuế và báo lỗ liên tục, đến khi Giám đốc Sở KHĐT Hà Nội “dọa” không nộp thuế thì phá bỏ liên doanh, thế là năm sau lại nộp thuế ngay 3 triệu USD. Từ đó có thể thấy không có chuyện doanh nghiệp như Coca-Cola hay Nestlé như thế mà khai lỗ triền miên được.- Xin cảm ơn ông!

“Để xác định doanh nghiệp FDI có chuyển giá hay không phải dựa trên phân tích báo cáo tài chính của doanh nghiệp từng năm xem các bản kê khai giao dịch của doanh nghiệp đã gửi cơ quan thuế thì chúng tôi sẽ trả lời được. Còn Nestlé, hiện chúng tôi chưa thanh tra giao dịch liên kết, chúng tôi sẽ yêu cầu Tổng Cục thuế báo cáo một cách chi tiết”, ông Nguyễn Quang Tiến – Phó Ban Thường trực Ban Cải cách và Hiện đại hóa Tổng Cục thuế.
Hoàng Lực (Thực hiện)