TS Phạm Sỹ Liêm: "Bộ Xây dựng không am hiểu thị trường BĐS”

25/03/2014 13:44
Hoàng Lực
(GDVN) - “Đây là đề xuất vô lý, Bộ Xây dựng không am hiểu thị trường BĐS, không thể dùng biện pháp hành chính áp đặt thị trường…” TS Phạm Sỹ Liêm.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ về việc không cấp phép đầu tư mới đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại, các dự án khu đô thị mới trong năm 2014.

Đề xuất này của người đứng đầu Bộ Xây dựng nhằm siết "cung", tạo cơ sở giải quyết sản phẩm BĐS đang tồn kho hiện nay.

Sẽ ngừng cấp phép dự án BĐS mới trong thời gian tới? (Ảnh Dự án khu nhà ở quân đội tại phường Thạch Bàn, quận Long Biên).
Sẽ ngừng cấp phép dự án BĐS mới trong thời gian tới? (Ảnh Dự án khu nhà ở quân đội tại phường Thạch Bàn, quận Long Biên).

Tính đến hết tháng 12/2013, cả nước có 4.015 dự án đã được phê duyệt với tổng mức đầu tư ước tính 4.486.674 tỷ đồng.

Trước nguy cơ bội cung, ngoài kiến nghị ngừng cấp phép dự án bất động sản thương mại mới, Bộ Xây dựng còn đề nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương cần khẩn trương, nghiêm túc rà soát các dự án phát triển bất động sản trên địa bàn để phân loại và kiên quyết tạm dừng, dừng hẳn các dự án không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển, cũng như nhu cầu của địa phương.

Tuy nhiên ngay sau đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, nhiều chuyên gia BĐS đã lên tiếng phản đối khi cho rằng, điều này trái ngược với xu hướng phát triển thị trường.

TS Phạm Sỹ Liêm - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định: “Đây là đề xuất vô lý của Bộ Xây dựng, xuất phát từ việc không am hiểu thị trường BĐS”.

Lý giải sự vô lý trong đề xuất này, TS Phạm Sỹ Liêm phân tích: Thị trường BĐS có tính địa phương. Nhìn toàn diện thị trường hiện nay đúng là đang khó khăn, cung cầu không gặp nhau nhưng không phải tất cả các địa phương trong cả nước BĐS đều khó khăn.

Theo đó, những địa phương đặc thù có lợi thế du lịch như Phú Quốc thì dự án BĐS nghỉ dưỡng, Resort, biệt thự cao cấp cho người nước ngoài… có tiềm năng phát triển, khi đó không thể vì thị trường cả nước khó khăn lại nên không cấp phép cho dự án này.

“Thị trường BĐS có tính địa phương, có những nơi nhu cầu thị trường rất cao, dự án hoàn thành đến đâu tiêu thụ đến đó, hoặc có nơi dự án BĐS cao cấp thừa nhưng lại thiếu BĐS cho người thu nhập thấp… Nếu việc dừng cấp phép dự án BĐS mới được áp dụng một cách máy móc cho tất cả các địa phương sẽ đi ngược xu hướng phát triển của thị trường”, TS Liêm nhận định.

Đồng quan điểm với TS Phạm Sỹ Liêm, ông Nguyễn Văn Đực - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho rằng: “Đây là đề xuất vô lý của Bộ Xây dựng".

Theo ông Đực, ó 4 lý do khiến dư luận đặt câu hỏi lớn sau đề xuất của Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng. Thứ nhất: Năm 2014 Bộ Xây dựng đưa ra đánh giá thị trường bất động sản tiếp tục có dấu hiệu phục hồi, thanh khoản tăng khá so với cùng kỳ năm ngoái... Những tín hiệu như vậy chứng tỏ thị trường BĐS đang hồi phục.

"Vậy đang hồi phục tại sao không cấp phép các dự án mới?”, ông Đực thắc mắc

Thứ hai, lý do ngừng cấp phép cho dự án BĐS mới mà chính xác là “cấm” dự án mới là không đúng pháp luât. “Không thể vì lý do thị trường khó tiêu thụ mà cấm dự án mới, ví dụ không thể vì cá Ba sa khó khăn trong tiêu thụ mà cấm người dân không được nuôi cá Ba sa. Ngược lại ở mức độ quản lý, Bộ Xây dựng chỉ nên khuyến cáo doanh nghiệp nên hoặc không nên đầu tư dự án BĐS ở phân khúc này hoặc phân khúc kia, chứ không thể cấm”, ông Đực nói.

Thứ ba, lý do dừng cấp phép do lượng tồn kho BĐS cao qua đó ngừng cấp phép là không hợp lý. Vì tồn kho BĐS hiện nay cơ quan quản lý phải chịu trách nhiệm một phần.

“Tại sao tồn kho BĐS? Hướng tháo gỡ là giảm giá và giảm diện tích, doanh nghiệp đã giảm giá nhưng giảm diện tích căn hộ hiện nay doanh nghiệp gặp khó khi chính quyền nhiều địa phương đang cản trở. Cụ thể như TP.HCM, nhiều doanh nghiệp muốn giảm diện tích căn hộ để bán nhưng quá nhiều thủ tục cản trở, khiến doanh nghiệp gặp khó lỗi này là do chính quyền. Hơn nữa đầu tư dự án mới nếu thua lỗ, doanh nghiệp phá sản, Bộ Xây dựng đâu bị ảnh hưởng”, ông Đực nêu bất cập.

Lý do cuối cùng ông Đực cho rằng, việc dừng cấp phép các dự án BĐS mới không phù hợp bởi lẽ nếu dự án mới đáp ứng được nhu cầu thị trường, thu hút người mua thì không có lý do để không được cấp phép.

Từ những lý do đó ông Đực khẳng định: “Tôi tin rằng đề xuất này của Bộ trưởng Bộ Xây dựng sẽ không được Thủ tướng chấp nhận”.

Hoàng Lực