TS Vũ Thế Long: "Bún mắng, cháo chửi..." tồn tại là do người tiêu dùng

16/07/2012 13:06
Phạm Hải
(GDVN) - Theo TS Vũ Thế Long, Thư ký CLB Ẩm thực Việt Nam, "căn nguyên" hình thành thái độ phục vụ và văn hóa ứng xử rất kém đối với khách (bún mắng, cháo chửi) của một số chủ cửa hàng kinh doanh, buôn bán ở HN đều do người tiêu dùng chưa có những phản ứng mạnh mẽ...
Văn hóa trong ứng xử và phục vụ khách hàng kiểu "bún mắng, cháo chửi..." của một bộ phận không nhỏ chủ cửa hàng kinh doanh, buôn bán tại Hà Nội đang được dư luận quan tâm và góp ý kiến tranh luận, mổ xẻ sâu sắc. Để có cái nhìn đa chiều, báo điện tử Giáo Dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TS Vũ Thế Long -  TK Câu lạc bộ Ẩm thực (Hội Văn hóa Dân gian Việt Nam), xung quanh vấn đề này.

Tiến sĩ Vũ Thế Long - TK CLB Ẩm thực Việt Nam. (Ảnh: Phạm Hải)
Tiến sĩ Vũ Thế Long -  TK CLB Ẩm thực Việt Nam. (Ảnh: Phạm Hải)


-
Thời gian gần đây, trên các phương tiện truyền thông đại chúng phản ánh thái độ phục vụ và văn hóa ứng xử của một số chủ cửa hàng kinh doanh, buôn bán tại Hà Nội rất kém như chửi mắng (bún mắng, cháo chửi), đuổi khách đi hoặc bán hàng với giá "cắt cổ",... ôngđánh giá thế nào về thực trạng này?
TS Vũ Thế Long: Đây quả là một vấn đề đáng báo động trong văn hóa kinh doanh ở Thủ đô ngàn năm văn hiến. Đúng là đang tồn tại một bộ phận những người kinh doanh ở Hà Nội có những biểu hiện rất vô văn hóa trong phục vụ khách hàng như ăn nói thô tục, chửi mắng nhân viên và thậm chí chửi cả khách hàng. Khách trong nước và cả người  nước ngoài đến xem hàng, hỏi giá… nếu không mua mà đụng vào hàng hoặc chụp ảnh, ghi hình… là bị chửi mắng thậm tệ. Bên cạnh đó, đã có không ít những nhà hàng kinh doanh ăn uống có biểu hiện lừa đảo thực khách, lợi dụng khách vào ăn không hỏi giá nên lúc tính tiền tự ý tăng giá lên hàng chục lần. Nếu khách không chịu trả hoặc thắc mắc, phản ánh thì dùng côn đồ đe dọa… Đây là những biểu hiện rất xấu, xã hội cần mạnh mẽ lên án và tố cáo, tẩy chay. Nếu cần, phải khởi tố trước pháp luật, coi như hành vi lừa đảo, trấn lột.
Tuy nhiên, không phải tất cả các  hàng quán ở Hà Nội đều có biểu hiện này. Đa số các nhà hàng đều giữ được thái độ lịch sự, nhã nhặn đối với khách. Những hiện tượng mà nhiều người đã chê trách là có thật, rất cần chấn chỉnh vì nó là biểu hiện suy thoái về đạo đức, suy đồi về văn hóa ở thủ đô.- Ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng: Văn hóa ứng xử nơi công cộng nói chung và văn hóa phục vụ khách hàng nói riêng tại Hà Nội đang ngày càng xô bồ, xuống cấp?
TS Vũ Thế Long: Đúng là đang có sự xuống cấp nghiêm trọng trong văn hóa ứng xử nơi công cộng và văn hóa phục vụ khách hàng ở Hà Nội nhưng không thể nói chung chung như thế bởi đại đa số người Hà Nội vẫn giữ được phong cách văn minh lịch sự trong ứng xử. Nếp sống hào hoa, phong nhã của Hà Nội vẫn được gìn giữ như một truyền thống trong từng gia đình.

Hà Nội của chúng ta bây giờ rộng quá, lớn quá.  Hà Nội ngày nay có đủ các loại người từ khắp nơi đổ về cư trú, mưu sinh nên bộ mặt xã hội và văn hóa trở nên rất phức tạp.

Tôi không bao giờ đổ lỗi cho mọi sự xuống cấp trong văn hóa của người Hà Nội là do dân nhập cư, dân tỉnh lẻ... Tuy nhiên, cái hiệu ứng “tàng hình” như vứt rác trên phố rồi chuồn vào đám đông, bán hàng xấu hàng rởm, hàng bẩn ở nơi công cộng mà người tiêu dùng mua xong không bao giờ gặp lại,…đã và đang xuất hiện ở thủ đô.

TS Vũ Thế Long cho rằng lối hành xử vô văn hóa khi bán hàng cần phải bị lên án, tẩy chay (Ảnh: Internet).
TS Vũ Thế Long cho rằng lối hành xử vô văn hóa khi bán hàng cần phải bị lên án, tẩy chay (Ảnh: Internet).


Một nguyên nhân khác là trước những thói hư tật xấu, người ta thờ ơ không phản ứng. Những cán bộ quản lý văn hóa, pháp luật của thủ đô không thực sự vào cuộc. Hình như ở Hà Nội người ta chỉ chú trọng tuyên truyền bằng cách căng quá nhiều băng-rôn với những khẩu hiệu, câu chữ sáo rỗng hoặc những bảng cấm chung chung mà thiếu những hình thức nhắc nhở răn đe, cảnh cáo, châm biếm trên phương tiện truyền thông với mọi hình thức để tạo dư luận phản đối thói hư tật xấu, vạch mặt những kẻ xấu để mọi người nhận dạng, tẩy chay…  
- Vậy theo ông thì đâu là "căn nguyên" hình thành thái độ phục vụ và văn hóa ứng xử rất kém đối với khách hàng (bún mắng, cháo chửi) của một số chủ cửa hàng kinh doanh, buôn bán nêu trên ? 
TS Vũ Thế Long: Tất cả đều do người tiêu dùng chưa có những phản ứng mạnh mẽ, pháp luật không trừng trị thẳng tay. Một khi người ta tẩy chay thì hàng có ngon, có rẻ đến mấy mà người bán hàng có lối hành xử thiếu văn hóa thì cũng chẳng bán được cho ai.

Cảnh chen lấn, xếp hàng dài chờ mua hàng tem phiếu thời bao cấp khiến những ai đã từng trải qua đều cảm thấy sợ. (Ảnh tư liệu)
Cảnh chen lấn, xếp hàng dài chờ mua hàng tem phiếu thời bao cấp khiến những ai đã từng trải qua đều cảm thấy sợ. (Ảnh tư liệu)


Khi mà người bị chửi vẫn đâm đầu vào xếp hàng để ăn thì chính người ăn cũng bị xã hội khinh bỉ thì cái xấu sẽ dần dần biến mất. Bọn “tống tiền” thực khách bị pháp luật trừng trị đích đáng thì chúng phải run sợ.
- Là một người Hà Nội nghiên cứu ẩm thực, đồng thời cũng là một hướng dẫn viên du lịch ẩm thực, ông thấy văn hóa bán hàng của người Hà Nội xưa và nay khác nhau như thế nào?
TS Vũ Thế Long: Khác nhiều chứ. Xưa còn bao cấp, đói kém, túng thiếu thì làm gì có những nhà hàng sang trọng và chiều khách “hết ý” như bây giờ. Khi mà xếp hàng cả ngày mà không mua nổi mấy cân gạo phiếu, cốc bia hơi thì cái giá trị của anh nó như thế nào thì đã rõ cả. 
Mọi người chắc không bao giờ quên được cái thời mà nhắc đến thì người Hà Nội ai ai cũng thấy như một cơn ác mộng. Nay kinh tế thị trường đã mở, người bán hàng đã phải mời chào, đã bắt đầu nhận thức được “khách hàng là thượng đế”. Tuy nhiên, trong bối cảnh ấy lại “nảy nòi” ra lắm thói xấu như chúng ta vừa bàn. Cần có những biện pháp đồng bộ để giải quyết dứt điểm vấn đề này để trả lại môi trường văn hóa trong sạch.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Phạm Hải