Từ chuyện người dân bị cắt điện, lộ nhiều bất thường tại KĐT Handiresco

27/03/2015 08:11
Hồng Minh
(GDVN) - Bức xúc vì bị đơn vị quản lý khu đô thị cắt điện, anh H.D, cư dân tòa 3A Khu đô thị Handiresco cho rằng đơn vị này không có chức năng kinh doanh điện...

Từ chuyện người dân bị cắt điện

Phản ánh đến đường dây nóng của báo Giáo Dục Việt Nam, anh H.D - cư dân tòa nhà 3A Khu đô thị Khu đô thị Handiresco (Cổ Nhuế - Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: Chiều ngày 24/3, Xí nghiệp quản lý nhà sau đầu tư của khu đô thị Handiresco đã đột nhiên cắt điện sinh hoạt tại gia đình anh.

Theo anh D, ngày 25/6/2013 gia đình anh chuyển về tòa 3A Khu đô thị Handiresco sinh sống. Khu đô thị Handiresco do Công ty TNHH Nhà nước một thành viên kinh doanh dịch vụ nhà Hà Nội, một trong những đơn vị thành viên trực thuộc Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (HANDICO) làm chủ đầu tư.

Khu đô thị Handiresco - Cổ Nhuế, Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm - Hà Nội
Khu đô thị Handiresco - Cổ Nhuế, Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm - Hà Nội

Từ khi về sinh sống tại khu đô thị, gia đình anh cũng như nhiều hộ dân khác của tòa nhà không được ký hợp đồng mua bán điện trực tiếp với Công ty Điện lực Từ Liêm (nay là Quận Bắc Từ Liêm – TP Hà Nội). “Chúng tôi và nhiều hộ dân đã có nhiều đơn đề nghị đến lãnh đạo xí nghiệp nhiều lần để được mua điện trực tiếp với đơn vị điện lực. Thay vào đó, lãnh đạo Xí nghiệp quản lý nhà sau đầu tư bán điện cho chúng tôi sử dụng bằng hình thức phải tự mua công tơ điện và bán điện không có hóa đơn VAT”, anh D phản ánh.

Anh D cho biết: “Sau khi người dân có đơn đề nghị, lãnh đạo Xí nghiệp quản lý nhà sau đầu tư đã có biên bản làm việc với đại diện các hộ dân và thống nhất đến hết ngày 31/12/2013, nếu các hộ dân tại tòa 3A không được ký hợp đồng mua điện với Điện lực Từ Liêm thì sẽ không đóng tiền mua điện”.

Qua ngày 31/12/2013, do Xí nghiệp quản lý nhà sau đầu tư không làm các thủ tục để người dân trực tiếp được mua điện của Điện lực Từ Liêm, nên nhiều hộ gia đình trong đó có gia đình anh D không đóng tiền điện. Sự việc kéo dài đến cuối năm 2014, Xí nghiệp quản lý nhà sau đầu tư thông báo về việc gia đình anh D phải thanh toán tiền sử dụng điện. Anh D đã đồng ý đóng và đề nghị được đóng thành 3 đợt.

Theo anh D, từ khi chuyển về sinh sống tại tòa 3A - Khu đô thị Handiresco gia đình anh và nhiều hộ gia đình yêu cầu được mua điện trực tiếp từ Công ty Điện lực Từ Liêm nhưng không dược đáp ứng.
Theo anh D, từ khi chuyển về sinh sống tại tòa 3A - Khu đô thị Handiresco gia đình anh và nhiều hộ gia đình yêu cầu được mua điện trực tiếp từ Công ty Điện lực Từ Liêm nhưng không dược đáp ứng.

Trong khi thỏa thuận thanh toán tiền sử dụng điện chưa được thống nhất thì ngày 20/3/2015, Xí nghiệp quản lý nhà sau đầu tư ra thông báo yêu cầu gia đình anh D phải lập tức đóng tiền điện nếu không đến ngày 24/3 sẽ bị cắt điện.

Ngay sau khi gửi thông báo, Xí nghiệp quản lý nhà sau đầu tư không mời anh D đến làm việc hay gặp gỡ tìm hiểu nguyên nhân mà cắt điện sinh hoạt tại gia đình vào chiều ngày 24/3.

"Xí nghiệp quản lý nhà sau đầu tư không có chức năng kinh doanh điện. Không được phép kinh doanh điện. Theo đúng quy trình khi chủ đầu tư là công ty…xây dựng trong công trình trạm biến áp phải bàn giao lại cho điện lực. Điện lực tiếp nhận cơ sở hạ tầng đó và ký hợp đồng bán điện trực tiếp với các hộ dân với giá điện sinh hoạt chứ không phải điện kinh doanh. 
Qua sự việc thấy Chủ đầu tư không bàn giao trạm biến áp cho ngành điện thay vào đó lại ký trực tiếp mua điện của Công ty Điện lực Từ Liêm sau đó phân phối lại cho các hộ dân để thu tiền nhưng không xuất được hóa đơn vì không có chức năng kinh doanh điện", TS.LS Vũ Thái Hà- Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật TNHH YouMe cho biết. 

“Chiều khi tôi vừa đi làm thấy người nhà báo về việc cắt điện, tôi đã phải về nhà và yêu cầu Xí nghiệp đóng điện để gia đình tôi sử dụng vì gia đình tôi có con nhỏ, cháu đang ốm phải sử dụng thiết bị điện để tiện chăm sóc cháu. Việc Xí nghiệp cắt điện không báo trước làm ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình tôi”, anh D bức xúc.

Theo anh D, từ cuối năm 2013 khi các hộ dân chuyển về đây sinh sống dù không muốn nhưng các hộ dân vẫn buộc phải mua điện thông qua Xí nghiệp quản lý nhà sau đầu tư. Giá điện được quy định một mức giá, họ thu tiền điện nhưng không xuất hóa đơn như vậy là sai với quy định của Bộ Tài chính.

Bên cạnh đó anh D cũng cho rằng, Xí nghiệp quản lý nhà sau đầu tư không có chức năng được kinh doanh điện và đưa ra giá bán điện một mức giá. Cũng theo phản ánh của anh D, hệ thống nước sinh hoạt phục vụ gia đình anh có vấn đề. Dù ở tầng 13 nhưng áp lực nước bơm không đủ, ảnh hưởng sinh hoạt của gia đình. Cùng với đó hệ thống báo cháy, thông gió trong từng tầng không hoạt động.

Xí nghiệp nói gì?

Trước phản ánh và những bức xúc của anh D, trao đổi với phóng viên, ông Lê Trương Hồng – Phó giám đốc Xí nghiệp quản lý nhà sau đầu tư xác nhận việc chiều 24/3 Xí nghiệp có tiến hành cắt điện sinh hoạt căn hộ của anh D.
Theo ông Hồng, tuy là lãnh đạo của xí nghiệp nhưng ông Hồng không trực tiếp phụ trách vấn đề điện nước mọi vấn đề chi tiết phải trao đổi với giám đốc xí nghiệp là bà Nguyễn Thị Hồng Bắc và ông Bình - Phó giám đốc xí nghiệp.

“Tuy nhiên thông tin chung nắm được là do gia đình anh D đang nợ tiền sử dụng điện từ năm 2014, năm 2014 anh D cũng có đóng tiền sử dụng một vài tháng nhưng còn nợ lại hơn 17 triệu đồng. Xí nghiệp cũng đã thông báo nhiều lần nhưng anh D không đóng tiền”, ông Hồng cho biết.

Về việc tại sao không xuất hóa đơn khi thu tiền điện sinh hoạt của các hộ dân, ông Hồng lý giải, từ khi người dân chuyển về sinh sống tại khi đô thị do nhu cầu sử dụng điện, nước sinh hoạt, Xí nghiệp quản lý nhà sau đầu tư đã ký hợp đồng mua điện với Điện lực Từ Liêm với đơn giá mức 3 hơn 1.900 đồng/kWh.

“Chúng tôi không phải đơn vị kinh doanh điện mà chỉ thu tiền sử dụng điện của các hộ dân và nộp cho Điện lực Từ Liêm nên không có hóa đơn, còn từ năm 2015, các hộ dân đã được mua điện trực tiếp từ điện lực quận Bắc Từ Liêm”, ông Hồng cho biết.

Trước câu trả lời của ông Hồng, anh D cho rằng, việc gia đình anh sử dụng điện anh sẵn sàng trả tiền. “Việc chưa thanh toán tiền do trước đó các hộ dân sống tại tòa 3A và Xí nghiệp đã có biên bản thống nhất khi không cho chúng tôi mua điện trực tiếp từ điện lực Từ Liêm chúng tôi không đóng tiền, do vậy lỗi ở đây thuộc xí nghiệp”, anh D nói: "Xí nghiệp quản lý nhà sau đầu tư cho rằng đã thông báo, rồi tự ý cắt điện là trái pháp luật vì việc mua điện sử dụng là thỏa thuận dân sự phải được giải quyết tại tòa án. Hoặc phải có quyết định của cơ quan có thẩm quyền mới được cắt điện".

Bên cạnh đó anh D cũng cho rằng, Xí nghiệp quản lý nhà sau đầu tư thu tiền điện các hộ dân giúp Công ty Điện lực Bắc Từ Liêm là sai. Bởi việc thu hộ phải có ủy quyền của điện lực và phải thông báo cho hộ dân. “Hơn nữa hiện nay hộ gia đình tôi chưa được ký hợp đồng mua điện với công ty điện lực thì căn cứ vào đâu để Xí nghiệp nói thu hộ?”, anh D đặt vấn đề.

Được biết Khu đô thị Handiresco do Công ty TNHH Nhà nước một thành viên kinh doanh dịch vụ nhà Hà Nội làm chủ đầu tư trên diện tích 248.916m2 dự kiến phục vụ 3.734 người. Hiện tại các khu nhà vườn, nhà biệt thự, các khu cao tầng OCT3 A,B,C,D  đã được xây dựng hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Hiện tại Công ty TNHH Nhà nước một thành viên kinh doanh dịch vụ nhà Hà Nội đang tiến hành đầu tư xây dựng chung cư Handiresco Tower – nằm trên đường Lê Văn Lương (Thanh Xuân - Hà Nội).

Hồng Minh